Hành trình nuôi bú song song và sinh thường sau sinh mổ đáng khâm phục của mẹ 8x

30/11/2016 - 06:20

PNO - Quyết định vừa mang thai, vừa cho con bú và sinh thường sau sinh mổ của chị Tuyết Dung khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ từ trước đến giờ về việc nuôi bú song song và sinh thường sau sinh mổ.

Đối với bất kì người phụ nữ nào, mang thai cũng là điều thiêng liêng nhất. Đối với chị Đặng Thị Tuyết Dung (SN 1988, TPHCM), hành trình mang thai còn có phần đặc biệt hơn mọi người khi chị quyết định vẫn cho con đầu bú sữa mẹ trong suốt khoảng thời gian mang thai. Không chỉ thế, chị còn thực hiện được một điều nghe tưởng chừng như bất khả thi: sinh thường bé thứ hai sau khi đã sinh mổ lần đầu.

Nuôi bú song song: Khó mà dễ

Sinh nhật bé đầu tiên (bé Dế) tròn 2 tuổi cũng là lúc chị Dung phát hiện có bầu em bé thứ hai (bé Dy). Chị tâm sự, rằng bản thân lúc đó cũng rất bối rối, vừa vui, vừa buồn lại vừa lo. Vui vì gia đình có thêm thành viên mới, buồn vì kế hoạch đi làm trở lại bị phá sản, lo là vì bé Dế còn quá nhỏ và kinh tế gia đình chưa ổn định.

Hanh trinh nuoi bu song song va sinh thuong sau sinh mo dang kham phuc cua me 8x
Chị Tuyết Dung.

Dù mang thai nhưng chị vẫn kiên quyết không cai sữa cho bé Dế vì chị quan niệm, sữa mẹ là hoàn hảo nhất dành cho con. Ban đầu, chị Dung bị gia đình phản đối rất nhiều về việc cho bé lớn bú khi mang thai nhưng sau khi cùng gia đình tìm hiểu các tài liệu về “Nuôi bú song song” thì cuối cùng chị Dung cũng thuyết phục được người thân ủng hộ việc làm của mình.

Trong suốt thời gian mang bầu bé Dy, chị Dung vẫn cho anh Dế bú từ 2-4 cữ/ ngày, ngày nào bé Dế không đi học thì chị cho bé bú thêm một cữ bú vào buổi trưa. Những ngày bé Dế ốm hay mệt, lượng bú sẽ dày hơn ngày thường.

Chia sẻ về khó khăn gặp phải trong suốt hành trình nuôi bú song song của mình, chị cho biết: “Mỗi khi anh Dế bú ti thì đầu ti hơi đau rát. Đến khi thai kì lớn hơn thì xuất hiện nhiều cơn gò mỗi khi bé Dế bú, nhưng những cơn gò đấy chỉ làm mình thấy hơi khó chịu thôi chứ không đau hay dọa sẩy, sinh non nên mình vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ thôi”.

Hanh trinh nuoi bu song song va sinh thuong sau sinh mo dang kham phuc cua me 8x
Chị Dung vẫn cho bé Dế bú mẹ trong suốt thời gian mang bầu bé Dy.

Về chế độ ăn uống khi mang thai, chị Dung cho biết, chị ăn rất nhiều cữ trong ngày, cứ đói là ăn chứ không nhất thiết phải đợi đến bữa. Để thai kì khỏe mạnh thì chị chỉ sử dụng thực phẩm tươi chín, ăn ít tinh bột, chú ý ăn nhiều rau củ quả và uống thật nhiều nước. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm công nghiệp hay thực phẩm đóng gói, đặc biệt là chị Dung cũng không uống các loại sữa bò hay sữa bầu.

Thậm chí, chị cũng không sử dụng các loại thuốc, vitamin bổ sung khi mang bầu như sắt, canxi hay thuốc bổ sung DHA cho thai nhỉ, “mình biết rằng mẹ có uống thì cơ thể cũng chỉ hấp thụ được tối đa 20% lượng thuốc mà lại còn kèm theo hàng loạt tác dụng phụ như táo bón, nôn,… nên mình quyết định không uống nữa”, chị Dung tâm sự.

Quý 1 của thai kì, chị Dung sụt gần 6kg nhưng sau đó lại tăng cân trở lại. Cả thai kì chị chỉ tăng khoảng 9kg, chị chia sẻ, tăng cân như vậy con vừa khỏe, mẹ vừa dễ sinh thường lại còn nhanh lấy lại dáng sau sinh.

Quyết tâm chịu đau để sinh thường sau mổ

Quyết định sinh thường sau sinh mổ đối với chị Dung không phải là một quyết định nguy hiểm vì chị Dung đã đọc và tìm hiểu rất nhiều tài liệu về vấn đề này. Hơn nữa, chị có mong muốn sinh thường để bé Dy có được những quyền lợi về da tiếp da, chậm kẹp dây rốn, không bị cách ly mẹ con, những điều mà chị luôn suy nghĩ khi không cho bé Dế được hưởng trọn vẹn.

Thời gian đầu mang thai, chị đã đến hỏi rất nhiều bác sĩ về lựa chọn sinh thường sau sinh mổ của mình và các bác sĩ đều nói không thể thực hiện được, 80% chị sẽ phải sinh mổ. Mặc dù rất buồn nhưng chị Dung không nản lòng mà vẫn tiếp tục tìm kiếm bác sĩ chịu cho mình sinh thường.

Hanh trinh nuoi bu song song va sinh thuong sau sinh mo dang kham phuc cua me 8x

Cuối cùng, nỗ lực tìm kiếm của chị cũng được đền đáp khi chị tìm kiếm được một bác sĩ nhận đáp ứng nhu cầu của chị, đây cũng chính là bác sĩ thăm khám trực tiếp và theo dõi sát sao toàn bộ hành trình mang thai và vượt cạn của chị Dung.

“Mỗi lần thăm khám, bác sĩ lại hỏi mình có bị đau vết mổ cũ không, có muốn thay đổi ý định không. Bác sĩ cũng tư vấn và cho mình biết rằng, nếu con khá lớn và sức khỏe của mẹ không đủ thì có thể mẹ sẽ phải vừa phải chịu cơn đau đẻ thường, vừa chịu đau đẻ mổ sẽ rất mệt. Nhưng câu trả lời của mình lúc nào cũng là ‘em sẽ cố gắng’”, chị Dung vui vẻ nhớ lại.

Khi bé Dy được 37 tuần 4 ngày, chị Dung bắt đầu xuất hiện chất nhầy hồng, thỉnh thoảng có cơn gò đau báo hiệu chuyển dạ sắp sinh, thế là chị vào viện cấp cứu nhưng sau khi khám, chị lại được cho về nhà vì cổ tử cung mới mở được 1cm, chưa lâm bồn được.

Hanh trinh nuoi bu song song va sinh thuong sau sinh mo dang kham phuc cua me 8x
Bé Dy chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của mọi người.

Chị Dung đau quằn quại 4 ngày ở nhà, ban đêm cơn đau lại càng nhiều hơn. Khi cơn đau xuất hiện dày hơn, đau đến mức bật khóc thì chị Dung đã nhập viện vào 4h sáng 9/11.

Sáng hôm đó, bác sĩ đến và bảo với chị rằng “tối đẻ nhé”, “lúc ấy mình hoang mang lắm, chỉ nghĩ là tối mới đẻ à, chịu đau từ giờ đến tối à, tối là mấy giờ nhỉ,… nhiều câu hỏi thoáng qua mà không hỏi bác sĩ, chỉ nói được “cảm ơn bác” rồi thôi”, chị Dung kể lại.

Từ lúc đó, cơn đau ngày càng nhiều hơn, kèm theo cả những cơn đau lưng, chị Dung bật khóc nức nở và nhiều lúc tưởng như không thể chịu nổi nữa. Chị Dung đau đến mức không ăn được gì, đói thì cũng chỉ ăn được 2 – 3 thìa cơm là thôi.

Dù có đau đến mấy nhưng chị Dung vẫn cố chịu và cố gắng đi lại trong khu cách ly, mệt thì nằm, đau thì lại tìm thanh giường và bám vào để có tư thế thích hợp giúp giảm bớt cơn đau.

Hanh trinh nuoi bu song song va sinh thuong sau sinh mo dang kham phuc cua me 8x

Đến khi bác sĩ gọi người nhà kí cam kết những rủi ro khi sinh thường sau mổ, bà nội Dế kí nhưng vẫn run. Nếu sinh thường thì nguy cơ bục vết mổ cũ, nếu sinh mổ thì nguy cơ dính ruột hay bàng quang,.. và chị Dung không được tiêm thuốc đẻ không đau. “Vì mình muốn sinh thường nên hộ sinh đọc gì, bà nội ghi thế ấy rồi cùng ký”, chị nhớ lại.

Từ 9 giờ tối 9/11, chị Dung đau nhiều hơn, chồng chị luôn đồng hành bên cạnh vợ vượt qua từng cơn đau. Có những lúc cơn đau nhiều và dồn dập đến nỗi chị nói với chồng chắc mình không thể chịu nổi nữa, phải mổ thôi. Có lúc hai vợ chồng nghe tiếng em bé ở phòng sinh bên cạnh, chị còn nói với chồng "khi nào mình mới nghe được tiếng khóc của con?”, nhưng chị vẫn kiên trì vượt qua cơn đau.

“Hộ sinh nói "mới nở 4 phân, 1/4 chặng đường thôi mà em chịu không được thì làm sao đẻ được". Mình nghĩ,  "bây giờ mới 4 phân, khi nào mới 10 phân đây, có khi tới sáng luôn mất". Vậy mà từ 4 phân, chọc ối, đau quằn quại, mở 8 phân, rồi mở 9,9 phân.

"Rồi sau 5-6 hơi rặn, bé Dy chào đời lúc 2 giờ 10 phút ngày 10/11. Con đã được chậm kẹp dây rốn, da tiếp da với mẹ tận 4 tiếng, tự tìm vú mẹ, hưởng trọn vẹn 72h vàng sữa non, và vẫn tiếp tục bú sữa mẹ. Con nằm trên ng mình, cảm giác hạnh phúc lắm, cả nhà mình đã vượt cạn thành công”, chị Dung hạnh phúc chia sẻ.

Hanh trinh nuoi bu song song va sinh thuong sau sinh mo dang kham phuc cua me 8x

Hai bé đòi bú cùng một lúc, mệt mà vui

Hiện tại, chị Dung vẫn cho cả hai anh em Dế và Dy cùng bú song song. Khi Dế đi học thì uống sữa mẹ được hút sẵn từ trước, tối trước khi đi ngủ và đêm mà Dế muốn bú mẹ thì chị Dung cho con bú. Đối với bé Dy thì chị Dung cho con bú theo nhu cầu, con muốn bú lúc nào thì cho con bú lúc ấy.

“Có những lúc 2 bé cùng đòi bú thì có lúc 2 bé bú 2 bên, có lúc thì bé lớn đợi mẹ cho em bú xong rồi mới bú, cũng có khi bé nhỏ phải đợi anh bú xong mới bú. Bé nào quấy nhiều thì mình sẽ cho bú trước, tuỳ lúc đấy tình hình ra sao mà cho bú”, chị Dung tâm sự.

Chia sẻ về chế độ ăn sau sinh để có đủ sữa cho cả 2 bé, chị Dung cho biết, thực đơn của chị vẫn giống như khi mang thai, ăn nhiều cữ trong ngày, thực đơn ít tinh bột, không có đường, không có mỡ và chỉ sử dụng thực phẩm tươi được nấu chín. Đặc biệt, chị Dung còn chú trọng uống rất nhiều nước, khoảng 3-4 lít nước/ngày.

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI