Dịch COVID-19 đến, càn quét khắp nơi, châm ngòi cho nhiều rủi ro và sự "sát thương" lên đời sống kinh tế và tinh thần của mọi người.
Những đợt giãn cách xã hội khiến thói quen thường ngày thay đổi. Và, những người bị ảnh hưởng nhất có lẽ là tầng lớp người nghèo, công nhân, những người yếm thế mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ tự do giữa chốn thị thành. Tình trạng mất việc, giãn việc kéo theo bấp bênh tài chính đã đẩy nhiều cá nhân và gia đình rơi vào cảnh bế tắc, chật vật.
|
Những hình ảnh ấm lòng trong mùa dịch. Ảnh: Facebook |
Tôi có đứa em họ mới cưới vợ xong, đang thuê trọ ở Sài Gòn. Em là công nhân phụ trách kỹ thuật ở một nhà máy cán tôn, vợ ở nhà dồn vốn liếng mở hàng ăn. Thế rồi dịch ào tới, chồng bị công ty cho nghỉ việc, quán ăn của vợ cũng khốn khó khi thành phố rơi vào giãn cách, đường phố vắng lặng, không có bóng người.
Một người bạn khác của chồng tôi, từ Huế vào trọ ở quận 8 mấy năm nay. Từng là một thầy giáo dạy tiếng Anh tự do có tiếng, thu nhập tương đối cao nên sau mấy năm tích góp, vợ chồng bạn có hẳn một số vốn.
Thế nhưng thay vì mua một căn chung cư sinh sống ổn định, hai vợ chồng lại đầu tư vào thuê mặt bằng, chồng mở trung tâm ngoại ngữ, vợ sắm cơ sở vật chất mở lớp mầm non. Gần tháng nay, Sài Gòn oằn mình vì dịch thì gia đình hai bạn cũng oằn vai duy trì chi phí, bạn lo nếu trả mặt bằng thì mai kia dịch được đẩy lùi, mọi thứ lần nữa được kích hoạt sẽ khó kiếm chỗ ưng ý, vừa tiền.
Những ngày này, miền Trung đang nắng nóng cao điểm, vài nơi hiện lên trên bản đồ với một màu đỏ ối y như chảo lửa. Nơi tôi sống cũng vậy, nóng bức, ngột ngạt. Chồng tôi kinh doanh trong ngành dịch vụ đang nghỉ việc, các con cũng nghỉ học ở nhà, tôi vừa làm việc online, vừa chăm con, chiều chồng, vừa sắp xếp việc gia đình.
Nhiều lúc mệt đến phát điên nhưng tôi không dám đăng đàn thốt lên những câu than vãn xả stress như cách bấy lâu nay vẫn thường làm. Tôi nghĩ, trong cơn sóng đại dịch, nhà nhà người người đều căng thẳng và mệt mỏi, chẳng tốt lành gì khi gieo thêm một nặng nề.
Tôi theo dõi và cập nhật tin tức hàng ngày. Đâu đó có hàng ngàn người không chỉ chật vật vì cái ăn, cái mặc mà còn bấn loạn vì thiếu không gian hít thở, tương tác. Có nhiều lắm những gia đình mà ở đó vợ chồng con cái rơi vào khủng hoảng vì chưa kịp thích ứng, học cách ứng xử khi phải 24/24 giờ bên nhau. Lòng tôi càng chùng xuống khi nghe người bạn làm nghề kế toán tự do ở TPHCM chia sẻ, bạn bảo bấy lâu phụ trách sổ sách cho 10 đơn vị thì hiện tại phải cuống chân để lo hoàn tất những thủ tục, vì 8/10 công ty giải thể.
Dạo gần đây, thuật ngữ “bình thường mới” được sử dụng thường xuyên như một sự thừa nhận về một trạng thức xã hội đã bị thay đổi sau nhiều đợt dịch bùng phát liên tiếp. Ở đó có những đảo chiều đột ngột của thực tế, thế nhưng để tiếp tục sinh tồn thì con người buộc phải chấp nhận và thích nghi, dù rất rất khó khăn.
Chúng ta có thể công khai thổ lộ điều gì khi mà thể hiện nỗi buồn đồng nghĩa việc đang gieo năng lượng tiêu cực. Còn nếu thể hiện niềm sung sướng, hân hoan lại bất giác thấy như mình là người có lỗi, lạc điệu với ngàn ngàn bất hạnh ngoài kia.
Liệu còn con đường nào an tĩnh hơn để cùng nhau đi qua dịch bệnh? Đâu là liều thuốc chữa lành "mùa COVID"? Đang loay hoay thì một bữa kia, chị bạn gửi cho tôi vài bức hình kèm lời nhắn: “Gửi để em yên tâm, Sài Gòn bị thương nhưng Sài Gòn đang cưu mang nhau sống tốt”.
Tôi nhấn phím, điện thoại hiện lên 12 điểm phát cơm miễn phí ở Sài Gòn. Cùng với dòng chú thích về số lượng suất cơm là những địa chỉ cụ thể và rõ ràng, để người nghèo biết nơi mà tìm đến.
|
Mỗi ngày, hàng ngàn người khó khăn được các bếp cơm “người nghèo nấu cho người nghèo” hỗ trợ phần ăn - Ảnh: Sơn Vinh |
Tôi tiếp tục được những đường dẫn "thiện lành" khác kéo dắt, nào hình ảnh cây gạo ATM ở quận này, siêu thị miễn phí ở quận kia, rồi khoai lang tím, dưa cà mắm muối từ miệt vườn miền Tây gửi đến bà con thành phố…
Tôi gõ thêm những từ khóa như “ấm lòng”, “hỗ trợ mùa dịch”, “từ thiện mùa dịch”, kết quả trả về hàng ngàn nội dung thật sự xúc động về những tấm lòng, về những chuyến chi viện, gây quỹ vắc xin… Tôi rưng rưng.
|
Chị em phụ nữ P12 quận Gò Vấp, TPHCM nấu cơm tặng lực lượng túc trực điểm cách ly - Ảnh: Lê Hoà |
|
Nhiều dì có tuổi vẫn bỏ sức và bỏ của cung cấp các suất ăn cho người trong khu cách ly - Ảnh Lê Hoà |
Hiện nay, cả nước đã có hơn 40 tỉnh thành có ca bệnh, Bắc Giang và TPHCM trở thành những tâm dịch, khó khăn sẽ còn chồng chất khó khăn… Nhưng chúng ta hãy tin rằng, nơi nào còn sự sẻ chia nơi đó còn sự sống, nơi nào còn trìu mến nơi đó cây táo sẽ nở hoa.
Ngày nào đó, cuộc chiến chống dịch sẽ cán đích, chúng ta sẽ nhớ mãi, nhớ mãi về khoảng thời gian này, về hành trình mà chúng ta đã nắm chặt tay nhau…
Hoàng Diệu Thông