Hành trình mới của IDECAF

01/10/2023 - 09:40

PNO - Sân khấu kịch IDECAF - một thương hiệu nổi bật đã khẳng định uy tín hơn 25 năm qua - vừa trải qua giai đoạn biến động mạnh. Ông Huỳnh Anh Tuấn - “ông bầu” của sân khấu IDECAF, nhà hát Thanh Niên, nhà hát Nụ Cười, nhà hát Rồng Vàng - đã cởi mở chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về kế hoạch sắp tới.

Phóng viên: Sau thời gian xáo trộn, định hướng mới của sân khấu IDECAF như thế nào thưa ông?

Ông Huỳnh Anh Tuấn: Từ tháng Chín này, sân khấu kịch IDECAF được đổi tên thành nhà hát kịch IDECAF. Việc này nhằm phát triển nhiều hơn các hoạt động biểu diễn kịch chuyên nghiệp phục vụ cộng đồng như: sân khấu sử Việt học đường, sân khấu ngoại khóa giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh cấp I, II (các đề tài tâm lý, sự kiện gắn với các hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp…). Đồng thời hình thành từng bước giao lưu, dàn dựng với nhiều đối tác trong và ngoài nước.

* Ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể?

- Hiện tôi có 2 điểm diễn kịch là sân khấu IDECAF và nhà hát Thanh Niên. Tại IDECAF, chúng tôi đang tập trung phục dựng và biểu diễn lại trên 20 vở từng được khán giả yêu mến. Chúng tôi có một kịch mục phong phú và đầy đặn, hợp thị hiếu đa dạng đối tượng khán giả, chỉ là cần thời gian để chăm sóc lại, cũng như thay các vai cần thiết. Các vở Khalip - Một ngày làm vua, Sắc màu, Thuốc đắng giã tật bản mới đã biểu diễn và được khán giả đón nhận. Thời gian tới, những Tơ duyên, Hợp đồng mãnh thú, Mưu bà tú, Lời nguyền phù thủy, Tiếng vạc sành, Con ma nhà hát, Cậu đồng, Trùm lừa, Cái tráp vàng… cũng sẽ trở lại.

Cùng với đó là kế hoạch dựng và ra mắt vở mới. Từ đây đến tết 2024 sẽ lần lượt dựng 4 vở mới tại sân khấu IDECAF. Tạm thời, tôi chỉ có thể tiết lộ đây là các tác phẩm đề tài hiện đại, do các đạo diễn trẻ là Đình Toàn, Quang Thảo và Thái Kim Tùng dàn dựng. Còn tại nhà hát Thanh Niên cũng sẽ dựng 2 vở mới do đạo diễn Hồng Ngọc phụ trách nghệ thuật.

* Cuối năm 2022, nhà hát Thanh Niên ra mắt cùng chương trình “Ấn tượng 25 năm IDECAF”, tái diễn các tác phẩm kinh điển của sân khấu, nhưng chỉ diễn được vở 12 bà mụ thì gián đoạn. Lần “tái thiết” này, ông có tiếp tục chương trình?

- Kế hoạch của tôi không chỉ khôi phục chương trình “Ấn tượng 25 năm IDECAF” mà còn ra mắt sân khấu Sử Việt. Kịch mục là 3 vở kịch lịch sử người lớn từ dấu ấn 25 năm: Lý Thường Kiệt - Ngàn năm tình sử, Nguyễn Trãi - Bí mật vườn Lệ Chi, Lê Thánh Tông - Vua thánh triều Lê và 5 vở dành cho học sinh cấp I, cấp II là Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền.

Ngoài ra, còn có 3 vở đề tài sử Việt mới là Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn), Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) và Nữ đại đế Mê Linh (tác giả: Vũ Minh - Bạch Long) cũng sẽ được dàn dựng, ra mắt trong thời gian sớm nhất. Riêng vở Nữ đại đế Mê Linh sẽ có bản dựng kịch và cải lương.

Vở Khalip - Một ngày làm vua, tái dựng trên sân khấu IDECAF, đang được khán giả đón nhận
Vở Khalip - Một ngày làm vua, tái dựng trên sân khấu IDECAF, đang được khán giả đón nhận

* Nghe qua, có thể thấy rõ năng lượng và cả tham vọng của ông. Nhưng ông có lường hết những khó khăn, nhất là nguồn nhân lực phải bổ sung nhiều nhân tố mới liệu có đủ để đáp ứng những kịch bản kinh điển và những đề tài khó như thế?

- Tôi biết ý bạn đang muốn hỏi liệu ai sẽ vào vai Tả quân Lê Văn Duyệt hay Trần Thủ Độ, ai sẽ thế vai Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi hay Lê Thánh Tông khi những người cũ đã ghi dấu ấn quá sâu đậm. Dĩ nhiên là khó nhưng vẫn phải làm và chúng ta hãy thử đặt niềm tin vào lớp trẻ, vào nguồn nhân lực biểu diễn rất đông đảo, nhạy bén, đa tài, đa năng hiện nay của sân khấu TPHCM. Có rất nhiều bạn trẻ tài năng, chỉ là thiếu cơ hội.

Các kế hoạch tôi chia sẻ đều đang chạy. Riêng 3 vở lịch sử đã hoàn thành phần thiết kế ý tưởng, chuẩn bị phục trang. Điển hình như với vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, tôi đã ra Huế và làm việc với các nghệ nhân truyền thống để toàn bộ phục trang và bối cảnh của vở đều đúng với không gian văn hóa cung đình Triều Nguyễn.

Lần này, nhà hát kịch IDECAF mong muốn dẫn dắt khán giả, nhất là học sinh, sinh viên đến xem vở vào không gian văn hóa nơi diễn ra sự kiện kịch, không chỉ qua chuyện kịch, diễn xuất mà cả y trang, kiến trúc, âm nhạc… được tái hiện 80 - 90% bối cảnh lịch sử (theo tài liệu nghiên cứu để lại).

* Ngày xửa ngày xưa (NXNX) là thương hiệu nổi bật của sân khấu IDECAF 25 năm qua. Tương lai của “thương hiệu” này như thế nào?

- Chúng tôi vẫn chăm sóc thương hiệu NXNX như bao năm qua, vì đây là món ăn tinh thần của nhiều thế hệ thiếu nhi TPHCM. Rất nhiều khán giả kịch người lớn của IDECAF lớn lên cùng NXNX. Chương trình NXNX số 34 - vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) - vừa lập kỷ lục với 62 suất diễn, trung bình khoảng 1.100 khách/suất; tính ra bằng lượng khách trung bình của 1 sân khấu trong 3 năm.

Với bao khán giả, bao tình cảm yêu mến như vậy, chúng tôi càng có trách nhiệm giữ gìn NXNX và phải làm hay hơn nữa. Ngoài việc tiếp tục các cuộc phiêu lưu mới sẽ “đánh lớn” trong dịp hè thì theo yêu cầu của khán giả, các vở NXNX rất thành công trước đây, như: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá, Alibaba và đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó, Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi, Võ công tiểu quái… cũng sẽ trở lại với phiên bản gọn nhẹ hơn theo từng đợt diễn (khoảng 10 suất/đợt).

* Cảm ơn và chúc các kế hoạch của ông thành công. 


Ninh Lộc  (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI