|
Những ngày đầu khởi nghiệp, Thuận vào vai anh shipper ngược xuôi khắp đường phố Sài Gòn |
Từ làng quê ra phố lớn
Có lẽ chẳng ai ngờ được những món ăn “nước sôi lửa bỏng” như cháo bột (bánh canh) cá lóc, miến lươn, bún lươn xào nghệ lại được Thuận đóng gói như mì ăn liền rồi xuất đi khắp các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha…
Năm 2009, Nguyễn Đức Nhật Thuận (sinh năm 1991, Hải Lăng, Quảng Trị) rời làng, trở thành sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM. Vài năm sau, Thuận tốt nghiệp, được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở TPHCM với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.
Con phố ngày ngày Thuận phải ngang qua để đến chỗ làm khá sầm uất với những dãy nhà cao tầng, miên man hàng quán. Nơi này treo biển bún bò Huế, nơi khác phở Hà Nội, đi một đoạn lại thấy mì Quảng… Hầu như ẩm thực bốn phương đều về đây hội tụ, chỉ không có món gì đại diện cho miền quê Quảng Trị cát trắng gió Lào. Mang suy nghĩ ấy cộng thêm tâm trạng luôn quay quắt nhớ nhà, thèm hương vị từ những món ăn quê hương do chính tay mẹ nấu, Thuận đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt: nghỉ việc, mở quán ăn có tên gọi Cà Mèn trong một con hẻm thuộc đường Gò Dầu, quận Tân Phú, TPHCM. Đó là năm 2015.
Vài chiếc bàn nhựa, vài chiếc ghế con, Thuận bày ra đặc sản của quán gồm các món: bánh ướt Phương Lang, cháo bột vịt, bánh lọc và bún mắm nêm.
Thuận chia sẻ: "Nhiều năm học tập, sinh sống ở Sài Gòn, mỗi lần nhớ nhà, tôi và các bạn đều rảo đi khắp nơi chỉ mong gặp lại hương vị ẩm thực quen thuộc chốn quê nhà. Thế nhưng, lần nào chúng tôi cũng thất vọng trở về. Các món ăn hầu như đều được chế biến từ nguyên liệu “fake” (nhái), gia giảm độ ngọt, mặn, cay không phù hợp. Sau này, khi thành chủ quán ăn, tôi muốn làm điều gì đó thật khác. Tất cả món ăn ở quán tôi đều được giữ nguyên độ cay đúng chất miền Trung".
|
Miến lươn - một sản phẩm đóng gói mang đậm hương vị quê hương của Cà Mèn |
Khi đã thu hút được lượng khách hàng ổn định, Thuận mở bán thêm nhiều sản vật quê hương như gà, vịt sống, nước mắm, ruốc, các loại gia vị như tiêu, củ nén, ớt… Hầu hết hàng hóa đều được ba mẹ, họ hàng của Thuận chuyển từ Quảng Trị vào TPHCM thông qua đường xe khách, hàng không.
Anh kể: “Nhờ khoảng thời gian làm việc tại công ty xuất nhập khẩu, tôi có nhiều thuận lợi khi làm việc với các đơn vị vận chuyển ở sân bay. Tuy nhiên, để đồng hành cùng thực khách bằng những món ăn chuẩn vị quê mà không bị đội giá cũng là một sự nỗ lực, đánh đổi rất nhiều. Để bù vào chi phí, tôi cùng đội ngũ cộng sự đã phải làm cùng lúc nhiều việc. Mỗi ngày, chúng tôi thường thức dậy lúc 5g sáng để chờ nhận hàng, sau đó sơ chế, nấu nướng, phục vụ, dọn dẹp đến tận đêm khuya”.
Bằng tấm lòng mong mỏi quảng bá văn hóa ẩm thực quê hương, độ phủ sóng của Cà Mèn ngày càng lan tỏa, mọi người tấp nập tìm đến hẻm. Năm 2018, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Thuận mở thêm 2 chi nhánh ở quận Phú Nhuận và TP Thủ Đức (TPHCM).
Khởi nghiệp không cô đơn
|
Cháo bột tươi được đội ngũ Cà Mèn đóng gói để xuất khẩu |
Thuận kể: “Những ngày mở rộng chi nhánh, đầu óc tôi quay cuồng không ngừng; đến đêm, khi đã mệt rã rời, con số vẫn cứ lởn vởn. Vợ tôi, ngoài giờ làm ở công ty, luôn đầu tắt mặt tối phụ tôi. Mỗi ngày, vợ chồng tôi quần quật như cái máy, vậy mà đến dịp cận tết, khi ngồi rà soát lại sổ sách thì chỉ thu lãi khoảng 500.000 đồng. Lúc đó, để trả nợ cho mối hàng, tôi phải mang cả máy tính của vợ đi cầm trong nước mắt”.
Thời gian khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm. Đến năm 2019, Thuận quyết định rút gọn quy mô, chỉ giữ lại cơ sở Cà Mèn duy nhất tại địa chỉ 27B đường Hoa Sứ, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Để tiếp tục phát triển tệp khách hàng, tăng cường kênh bán online qua mạng, Thuận dành thời gian tìm hiểu về kỹ năng, kiến thức truyền thông. Anh thâm nhập vào rất nhiều hội nhóm ẩm thực, các hội đồng hương người Quảng Trị, người miền Trung sinh sống xa quê. Thuận không đăng bài quảng bá sản phẩm theo nội dung “Tôi bán gì? ở đâu? giá bao nhiêu?”, mà thu hút sự chú ý bằng cách kể những kỉ niệm về quê hương, làng xóm… Những tiếng lóng từ làng như “mạ”, “tui”, “có chi mô” được lồng ghép, xuất hiện dày đặc mang đến cảm giác thân thuộc, gần gũi cho mọi người.
Chính điều này giúp Thuận gieo duyên, gặp được nhiều bạn đồng hành đáng quý. Đó là anh Đăng Tôn Cảnh, chủ cơ sở bún sạch Vạn Linh đóng tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị; anh Phan Trung Thông, chủ thương hiệu miến Song Son, Quảng Bình; chị Nguyễn Thị Kim Huyền, nữ doanh nhân, CEO LNS International Corporation (đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm Việt Nam vào hơn 1.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Mỹ)…
Thuận cho biết: “Những người như anh Cảnh, anh Thông, chị Huyền không chỉ là đối tác làm ăn thông qua việc cung cấp nguồn nguyên liệu chuẩn sạch hay các gói dịch vụ vận chuyển mà còn là những người bạn cùng tâm tư, đích đến trên con đường khẳng định bản thân. Trong tương lai, tôi muốn cùng các bạn trẻ cùng chí hướng trên quê hương Quảng Trị hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, luôn vì sự phát triển của cộng đồng. Chúng tôi sẽ khởi nghiệp không cô đơn”.
Trở về
|
Nhật Thuận (thứ năm từ phải qua) trong buổi ký kết phân phối độc quyền sản phẩm cháo bột cá lóc sang thị trường Mỹ |
Ở Việt Nam, số người trẻ khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh ẩm thực có hàng vạn nhưng nung nấu chế biến những món ăn tươi của quê hương thành dạng đóng gói như mì ăn liền rồi mang đi khắp 5 châu như Nguyễn Đức Nhật Thuận thì chẳng nhiều. Với món cháo bột cá lóc - một món ăn quen thuộc của người Quảng Trị chỉ thực sự ngon khi ăn ngay tại chỗ, khi mà bột và cá được hòa quyện, thấm thía trong nồi nước lèo đang sôi ùng ục - thì việc mang đi xa lại càng không thể. Thế mà Thuận làm được.
Suốt thời gian dài, Thuận cùng đồng đội nỗ lực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo cách đóng gói những miếng cá tươi, bột tươi nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Tháng 6/2022, Thuận tung ra thị trường những gói cháo bột cá lóc theo phiên bản “mì ăn liền”, nhận về cơn mưa lời khen.
Tháng 3/2023, lô hàng đầu tiên của Cà Mèn được xuất đi Mỹ gồm gần 4.000 gói cháo bột cá lóc. Giữa tháng 9/2023, 20 pallet gồm 56.000 gói cháo bột cá lóc xếp đầy container được kéo ra cảng Cát Lái để tiếp tục xuất đi Mỹ. Hiện tại, sản phẩm đóng gói của Cà Mèn ngoài cháo bột cá lóc còn có thêm bún lươn xào nghệ và miến lươn.
Thuận kể: “Trước đây, các sản phẩm của Cà Mèn cũng đã theo bạn bè đến Hàn, Nhật, Singapore, Đức, Mỹ nhưng vẫn chủ yếu bằng con đường xách tay, số lượng không nhiều, lại bị đội giá. Vậy nên bây giờ, tôi quyết định quảng bá đặc sản quê hương bằng cách xuất khẩu chính ngạch. Dự kiến từ nay đến năm 2026 sẽ có đến 5 triệu sản phẩm được phân phối tại Mỹ. Thời điểm này, Cà Mèn đang trao đổi để sắp tới sẽ có đại lý ở Berlin (Đức), từ đó mở rộng cơ hội đưa cháo bột cá lóc vào thị trường EU”.
Anh chia sẻ thêm: “Nhiều người khuyên tôi nên lấy tiền tích lũy được đi mua đất, đầu tư bất động sản thay vì kinh doanh ẩm thực vất vả. Thật sự, khi quyết định đầu tư sản xuất, tôi hy vọng không chỉ giúp bản thân ổn định cuộc sống mà còn tạo điều kiện cho nhiều người khác được đầy đủ, thành công. Hiện tôi đang nỗ lực chuẩn bị những thủ tục pháp lý để sớm khởi công nhà máy sản xuất cháo bột cá lóc đóng gói đặt tại Quảng Trị. Việc nhà xưởng được đặt ở Quảng Trị sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động tại chỗ, thu hút thêm con em Quảng Trị trở về quê hương nắm giữ các vị trí chủ chốt của dự án. Tôi khao khát được trở về”.
Diệu Thông
Ảnh do nhân vật cung cấp