Hành trình khẳng định mình của phụ nữ: Khẳng định kiểu nào mới đỉnh?

20/10/2021 - 05:37

PNO - Bạn đã khẳng định được mình chưa? Ở dấu mốc ấy, bạn đã mỉm cười toại nguyện hay ngổn ngang những nỗi niềm? Bàn tròn nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 giữa tiến sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - phân viện tại TP.HCM), nhà văn Trần Trà My và luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM) hy vọng sưởi ấm những góc khuất lạnh giá của người phụ nữ trên hành trình “đi tìm tôi”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phóng viên: Thưa các anh chị, phụ nữ khẳng định mình là khẳng định điều gì ở mình? Thành công rực rỡ trong sự nghiệp, lắm tiền nhiều của, vươn đến học vị cao chót vót, đạt quán quân trong cuộc thi tài năng - nhan sắc, mỗi bài viết Facebook được cả ngàn like… là mỹ mãn chưa trong công cuộc khẳng định?

Luật sư Trần Hoài Nhân: Phụ nữ khẳng định mình là khẳng định năng lực bản lĩnh bản thân về một lĩnh vực, công việc cụ thể nào đó, gắn với mục tiêu, lý tưởng và ý niệm giá trị của mỗi người. Vậy nên việc phụ nữ có học vị cao, đi thi nhan sắc đoạt giải hay Facebook nhiều like… cũng là những sự khẳng định.

Nhà văn Trần Trà My: Xin hỏi ngược lại khẳng định mình để làm gì? Thành công, xinh đẹp, giàu có, hàng triệu người ngưỡng mộ nhưng đêm về có khi thui thủi một mình, khi ốm đau, muốn một người đưa giùm ly nước, lấy giùm viên thuốc cũng không thể. 

Xã hội bây giờ dạy phụ nữ phải biết khẳng định giá trị bản thân, kiếm nhiều tiền… Thậm chí còn có xu thế không lấy chồng, không cần đàn ông, vì họ quá mạnh để làm được mọi thứ. Theo tôi, khi phụ nữ chưa tự chữa lành những vết thương trong tâm hồn mình sẽ mang tư tưởng như vậy. 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Phụ nữ khẳng định mình khi cô ấy sống vui vẻ, bình an, tràn đầy tình yêu thương với chính cô ấy và mọi người xung quanh. Khi đó, cô ấy thật đẹp. Và tôi đang học sống như thế. Khẳng định mình theo cách như vậy thật “ngầu” phải không?

* Đã bao giờ anh chị buộc phải khẳng định mình vì lời thách thức? 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Tôi chưa nhận lời thách thức nào như thế. Sẽ là áp lực khi khẳng định mình để chứng tỏ với thiên hạ, còn khi khẳng định mình để vượt lên chính mình mới thực sự là động lực. 

Nhà văn Trần Trà My: Chưa có ai đủ uy lực để tạo áp lực cho chính cuộc đời tôi cả. Mỗi ngày trôi qua tôi đều tự tạo động lực, tiếp nhận thông tin tích cực, tìm niềm vui cho mình, tạo cơ hội và cả những thử thách.

Cũng có ngày tôi muốn mình được yếu đuối để được khóc, để được ai đó cưng chiều. Cũng có ngày mọi chuyện xui xẻo ập đến làm tôi lúng túng. Nhưng dù gì thì mọi chuyện xảy ra nó cũng chỉ là sự trải nghiệm trong hành trình làm người.

Luật sư Trần Hoài Nhân: Thách thức thường thiên về ý nghĩa tiêu cực, chẳng hạn “em dám ly hôn không?”. Với phụ nữ chúng ta nên khuyến khích, động viên, nếu cần thì “khích tướng” một chút là cũng đủ tạo ra “ép phê” rồi. Tôi từng động viên bà xã rằng chắc chắn cô ấy sẽ thi đỗ những kỳ thi đó, chỉ cần không chủ quan và học hành cần cù. Và quả thật chiêu “khích tướng” này đã hiệu nghiệm!

Giữa phụ nữ và đàn ông, khó có thể nói ai chịu áp lực nhiều hơn bởi còn phụ thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh, năng lực cá nhân và tình huống cụ thể.

* Ai sẽ “chấm điểm” cho mình sau những tháng ngày khẳng định? 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Kết quả của quá trình khẳng định mình đạt hay chưa do chúng ta tự lắng nghe cơ thể, tâm hồn, tâm trí ta. Điều này không dễ, đây là một hành trình chuyển hóa nội tâm qua nhiều sự kiện đến rồi đi trong đời mỗi người.

Nhà văn Trần Trà My: Còn nhớ có lần tôi đi học một khóa học về kỹ năng. Trong giờ giải lao, dùng tiệc trà, tôi ngồi quan sát anh giảng viên liên tục ăn bánh ngọt. Và khi kết thúc khóa học đó tôi đã mua tặng anh giảng viên ấy 1kg bánh quy gạo lứt. Tôi bảo: “Tại em thấy anh ăn nhiều đồ ngọt sẽ không tốt cho sức khỏe”. Và anh giảng viên ấy đã tròn xoe mắt mà thốt lên rằng: “Em là người phụ nữ thật tinh tế khi quan sát cuộc sống rất nhanh”.

Đến giờ tôi vẫn thấy vui khi được nghe câu khen này. Quả thật tôi sợ nghe những lời khen nào nghị lực phi thường, nào mạnh mẽ giỏi giang, nào thông minh, chịu khó… 

Tôi chỉ thích được khen đẹp và tinh tế. Vậy là quá vui rồi! 

Nhà văn Trần Trà My
Nhà văn Trần Trà My

Luật sư Trần Hoài Nhân: “Ban giám khảo” gồm chính người đó và mọi người xung quanh chấm điểm trên nguyên tắc hài hòa. Một chị tự nhận thấy mình thông minh, sắc sảo bậc nhất trong cơ quan và hãnh diện ra mặt. Mọi người công nhận chị thông minh, sắc sảo thật nhưng lại e dè, khoảng cách bởi sự thông minh, sắc sảo này thiếu hẳn yếu tố hòa đồng, khiêm tốn. Vậy ai “chấm điểm” sự khẳng định của chị ấy là ưu thế?

* Thôi thúc khẳng định mình có khi nào lấy cắp thứ quý giá của bạn không?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Theo cách tôi hiểu thì khẳng định mình không lấy cắp đi thứ gì, ngược lại cho ta rất nhiều sự tự do từ bên trong.

Nhưng nếu ai đó cố khẳng định mình bằng thành công rực rỡ, hào nhoáng thì mất nhiều lắm. Mất sự thanh thản và bình an mỗi giây phút. Họ sống trên miệng lưỡi, ánh mắt người khác, chứ không sống cho họ. Và họ sẽ luôn ngụp lặn trong sự đau khổ vì nay người đời khen, mai người đời chê.

Rất nhanh thôi, thậm chí sự thay đổi không tính bằng ngày mà trên mạng ảo, tính bằng giây. Vậy mệt mỏi lắm!

Nhà văn Trần Trà My: Vậy nên tôi mới nói tôi chỉ mong muốn khẳng định mình là phụ nữ tinh tế mà thôi! Nó sẽ càng đầy lên chứ không mất đi gì cả.

Luật sư Trần Hoài Nhân: Khẳng định mình một cách thái quá có khi phụ nữ đánh mất đi điều quý giá. Cô gái không quen uống rượu bia nhưng vì muốn chứng tỏ… đã cố uống thì khả năng bị xâm hại, mất tự chủ là rất cao.

* Khát khao khẳng định mình có giúp người phụ nữ dễ hạnh phúc trong tình yêu - hôn nhân hơn không?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Nếu khẳng định mình theo cách chứng minh với thiên hạ thì người vợ đó sẽ bất hạnh. Chính cô ấy khổ và gia đình chồng con cũng thế. Người vợ như vậy đâu còn thời gian để yêu thương gia đình của mình. 

Còn nếu người vợ hạnh phúc từ bên trong bằng sự khẳng định với chính mình, để tự tin, để thoải mái, bình an, cô ấy sẽ bao dung với bản thân, với chồng, với con, cô ấy sẽ hạnh phúc trong tình yêu.

Luật sư Trần Hoài Nhân
Luật sư Trần Hoài Nhân

Luật sư Trần Hoài Nhân: Điều này tùy thuộc vào ý niệm giá trị của người phụ nữ về cuộc sống. Chị A. nấu ăn dở, muốn đi học nấu ăn để có những buổi cuối tuần trổ tài cho gia đình thêm nồng ấm thì là sự khẳng định tốt. Nhưng nếu chị A. kiếm tiền giỏi lại muốn khẳng định thêm khả năng kiếm tiền mà không chú ý ứng xử thì nó là rào cản của hạnh phúc.

Điều nên tránh là khẳng định thái quá bản thân về một lĩnh vực mà lờ đi các lĩnh vực khác, bởi cuộc sống hạnh phúc là sự nỗ lực hoàn thiện cái mình chưa có, chưa đạt bên cạnh sở trường. Nó giống như một khóa học, có thể không bắt buộc bạn giỏi đều các môn nhưng nếu dính “điểm liệt” thì khó đỡ!

Nên tránh khẳng định thái quá (Ảnh minh họa)
Nên tránh khẳng định thái quá về một lĩnh vực mà lờ đi các lĩnh vực khác(Ảnh minh họa)

* Xin hỏi nhỏ, đàn ông có sợ các chị em khẳng định mình không?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Đàn ông chắc chắn sợ người phụ nữ trong nhà thích khẳng định mình, kiểu chứng minh tôi tài giỏi với thiên hạ. Người vợ đó sẽ “đốt cháy” chính họ và gia đình trong tham vọng.

Còn người phụ nữ tự do và hạnh phúc họ lại sẽ phát huy tài năng trong các lĩnh vực thế mạnh, họ vẫn sẽ thành công. Và quan trọng nhất họ coi trọng gia đình, tình yêu giữa những người thân hơn mọi sự khen chê bên ngoài.

Nhà văn Trần Trà My: Nếu thông minh mà đi kèm với sự tinh tế dịu dàng, có chút yếu đuối, nũng nịu thì tốt quá. Còn kiểu thông minh gồng lên mạnh mẽ, bằng mọi giá khẳng định, khẳng định… thì thôi, tôi xin chào thua! 

Luật sư Trần Hoài Nhân: Sợ chứ! Có 1/3 sợ, 1/3 thích và 1/3 không sợ phụ nữ khẳng định mình. Sợ khi đàn ông không bằng hoặc không thể bằng một phụ nữ (anh ấy chỉ cao 1,55m nhưng phải lòng một cô người mẫu đến… 1,8m).

Thích khi sự khẳng định của người phụ nữ bổ khuyết cho hạn chế của mình, và không sợ khi mình chế ngự, dẫn dụ và khuyến khích cô ấy phát huy đam mê, tài năng, để tốt cho cô ấy và cống hiến cho xã hội.

* Xin cảm ơn các anh chị! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI