Hành trình hồi phục của cô bé "sọ dừa" đột ngột rơi vào hôn mê khi đang chơi với bạn

26/05/2020 - 13:54

PNO - "Bé H. đã đi lại được"... tiếng reo mừng của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vang lên khi gặp lại cô bé "sọ dừa" tái khám sáng nay.

Các bác sĩ phẫu thuật thuyên tắc dị dạng mạch máu não cứu bé H.
Các bác sĩ phẫu thuật điều trị dị dạng mạch máu não cho bé H.

Nhớ lại hành trình hồi phục của cô bé "sọ dừa" đột ngột hôn mê do xuất huyết não khi đang chơi với bạn, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Duy Khải - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) kể: "Một năm trước, bé H., lúc đó mới 6 tuổi, được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, vật vã, yếu nửa người bên trái.

Khi chúng tôi thông báo "bệnh nhi bị xuất huyết não", mẹ của bé - một người phụ nữ da ngăm, vẻ bình dị và khắc khổ bàng hoàng, không trụ nổi trên đôi chân của mình. Nhiều lần chị muốn ngất xỉu".

Qua kiểm tra, chụp CT, các bác sĩ phát hiện một mạch máu não dị dạng nằm sâu trong não bị vỡ khiến bé gái 6 tuổi gục ngã, đột quỵ, yếu nửa người trái rồi dần đi vào hôn mê ngay trong lúc chơi cùng bạn.

Kể từ đó, bé trải qua hành trình hồi phục ngoạn mục với bao nghị lực, lạc quan sau hơn 1 năm theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhờ vào phương pháp tối tân: thông tắc mạch não không cần phẫu thuật mở sọ.

"Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhi bị xuất huyết não mà không do chấn thương. Chúng tôi cũng đoán được nguyên nhân gây xuất huyết não của bé là do vỡ dị dạng mạch máu não. Tuy nhiên, việc cần phải làm lúc bấy giờ là phẫu thuật mở sọ để giải áp cứu sống bé H. trước" - bác sĩ Huỳnh Hữu Danh - Đơn vị Can thiệp Mạch máu não, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhớ lại.

Cuộc mổ thành công, bé H. tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức. Do ở khoa này, thân nhân không thể vào thường xuyên, mẹ bé H. lúc nào cũng túc trực trước cửa khoa, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của con mỗi ngày. Với chị, không có gì quan trọng bằng sức khỏe của cô con gái bé nhỏ.

Nửa tháng trôi qua, cuối cùng bé H. cũng tỉnh và được chuyển về điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh. Mặc dù bé vẫn yếu nửa người do di chứng của xuất huyết não, nhưng đó là kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhi.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ - khoa Hồi sức tích cực vui mừng: "Bệnh viện mừng vì ca mổ đã cứu được mạng sống của bé, và người mừng nhất chính là mẹ bé H.. Bà bật khóc khi biết con gái đã được cứu sống".

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vui mừng khi bé H. đã lành lặn
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vui mừng khi bé H. đã lành lặn

Nhưng để có thể đi lại trên đôi chân của mình, bé H. phải trải qua hành trình tập vật lý trị liệu miệt mài trong những ngày tháng ở bệnh viện và luôn tầm soát bệnh lý dị dạng mạch máu não, tránh khả năng tái phát có thể xảy ra.

Đầu tiên, bé được chụp DSA mạch máu não (phương pháp chụp hình và dựng hình mạch máu phức tạp), và không nằm ngoài dự đoán, các bác sĩ phát hiện bé vẫn bị dị dạng mạch máu não. Dị dạng mạch máu này nhỏ và nằm khá sâu, việc điều trị dứt rất khó khăn. Tuy nhiên nếu không điều trị, bé có khả năng xuất huyết não lại và nguy cơ tử vong lần 2 rất cao.

Một lần nữa, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh quyết định thuyên tắc dị dạng mạch máu não cho bé bằng phương pháp can thiệp nội mạch dưới DSA, một phương pháp can thiệp kỹ thuật cao mới đang được phát triển trên thế giới. Sau 1 giờ, cuộc can thiệp thành công, thông tắc hoàn toàn dị dạng mạch máu của bé. 

"Hôm nay bé tái khám, thấy con tự đi lại trên đôi chân của mình, không phải lo lắng sợ hãi sẽ bị xuất huyết não lại, tôi rất hãnh diện về ngành y" - bác sĩ Vũ bộc bạch.

Dị dạng mạch máu não là bệnh bẩm sinh, không có biện pháp phòng tránh.

Các triệu chứng dị dạng mạch máu não khi khối dị dạng chưa vỡ như: Đau đầu, lơ mơ, mờ mắt... lại rất dễ bị bỏ qua và nhầm với các căn bệnh khác. Do đó, đa phần bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đột ngột đau đầu dữ dội, lên cơn động kinh, bị xuất huyết não, liệt nửa người...

Trong khi đó, về nguyên tắc, bệnh nhân cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ vỡ khối dị dạng. Nếu khối dị dạng tự nhiên vỡ ra (không do chấn thương), bệnh nhân sẽ bị xuất huyết não, tùy mức độ chảy máu mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu chảy máu nặng, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu dẫn đến tử vong. Nếu nhẹ, có thể bị đau đầu dữ dội, đột ngột kèm các dấu hiệu thần kinh như yếu liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác...

Cần đi khám chuyên khoa thần kinh ngay khi có dấu hiệu bất thường như: Đau đầu vô cớ, tê yếu vận động dù rất nhỏ... Việc phát hiện bệnh dị dạng mạch máu não sớm, kịp thời điều trị sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị. Nếu không, dù được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân cũng sẽ phải sống chung với những biến chứng đáng tiếc như động kinh, liệt...

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI