Hành trình hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam

22/12/2024 - 16:15

PNO - Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam - được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, 10 lời thề danh dự quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng đã vang lên. Chỉ 3 ngày sau, đội đã đánh chiếm 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho những chiến thắng vẻ vang của QĐND Việt Nam sau này mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Qua từng giai đoạn, tên gọi có sự thay đổi, nhưng QĐND Việt Nam vẫn luôn là quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Được sinh ra từ nhân dân nên bộ đội Cụ Hồ luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Cả triệu chiến sĩ đã ngã xuống, hàng trăm ngàn người đã để lại một phần máu xương để đất nước được nối liền một dải Bắc - Nam.

Trải qua 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, quân đội không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, giữ vững và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trên tất cả mặt trận gian khổ, quân đội luôn là lực lượng đi đầu, lao vào tâm bão, đối mặt với thiên tai, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả. Trong những cơn lũ lịch sử, từ miền Trung đến miền Bắc, người lính luôn có mặt sớm nhất, ở nơi khó khăn nhất, bất chấp hiểm nguy để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Hình ảnh những chiến sĩ mang từng bao gạo, dựng từng chiếc cầu tạm, vượt lũ dữ cứu dân, ngụp trong bùn đất tìm kiếm người mất tích không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn là tình thương yêu đối với đồng bào.

Chúng ta không quên 13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi nỗ lực cứu công nhân trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế) năm 2020. Cũng năm ấy, 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị. Những mất mát đó là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.

Không chỉ giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ sự toàn vẹn của mỗi tấc đất, dặm biển, vùng trời Tổ quốc, QĐND Việt Nam đã và đang không ngừng khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín đối với quốc tế. Năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Những người lính mũ nồi xanh với lá cờ đỏ sao vàng thêu trên ngực áo không chỉ là người chiến sĩ gìn giữ hòa bình thế giới mà còn là sứ giả văn hóa, đại diện cho con người, quân đội, đất nước Việt Nam, góp phần ghi dấu ấn rực rỡ trên chặng đường hình thành và phát triển của QĐND Việt Nam.

Trong giai đoạn mới, QĐND Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức mới. Đó là sự phức tạp của an ninh khu vực, căng thẳng giữa các cường quốc, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như chiến tranh mạng, biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi quân đội phải được xây dựng theo hướng tinh gọn, mạnh mẽ, hiện đại, đủ sức đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong mọi tình huống.

Nhìn lại hành trình 80 năm, có thể khẳng định, sự lớn mạnh của quân đội không chỉ đến từ truyền thống anh hùng, trí tuệ và bản lĩnh, mà còn từ lòng tin yêu của nhân dân. Sự gắn kết máu thịt giữa quân đội và nhân dân chính là điểm tựa vững chắc để quân đội ta luôn giữ vững vai trò nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển, cùng toàn dân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc.

Trung tướng Nguyễn Đôn Tuân

Nguyên Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI