Hành trình giúp mình, giúp người từ đôi chân không lành lặn

10/09/2024 - 06:17

PNO - Ở số 57 Ngô Thì Sỹ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, có một nhà hàng tên là Happy Heart, tạm dịch “Trái tim vui vẻ”. Nhà hàng này đặc biệt ở chỗ chủ và nhân viên đều là người khuyết tật.

Chị Hương Thảo và nhân viên nhà hàng Happy Heart trong một ca làm việc
Chị Hương Thảo và nhân viên nhà hàng Happy Heart trong một ca làm việc

10 năm nhân viên, 10 năm làm chủ

Tôi gặp chị Hồ Thị Hương Thảo - chủ nhà hàng Happy Heart - khi chị đang cùng nhân viên chế biến món ăn. Đôi chân khuyết tật luôn phải có chiếc nạng trợ giúp không xua tan được nụ cười luôn nở trên khuôn mặt xinh tươi của chị.

Chị Hương Thảo sinh năm 1981, quê ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 6 tuổi, một cơn bạo bệnh đã làm đảo lộn cuộc đời chị. “Có lúc, tôi phải nằm viện hơn 3 tháng trời. Vết thương tái phát, gia đình đưa tôi đi khắp nơi để chạy chữa. Ba mẹ tôi là giáo viên nhưng phải lần lượt xin nghỉ ở nhà để chăm lo cho tôi” - chị nhớ lại.

Chân đau, nhưng thấy bạn bè cùng xóm đi học, chị cũng nằng nặc đòi đến trường. Nhưng buổi học đầu tiên cũng là buổi học cuối cùng của chị trên ghế nhà trường. Chị kể: “Ba mẹ rất chú trọng việc học hành của con cái. Sau ngày đó, ba nói sức khỏe không cho phép tôi học ở lớp. Ông ở nhà chỉ dạy tôi cách đọc, viết, làm toán. Ba là người thầy đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi. Gia đình khó khăn nhưng ba vẫn mua sách, báo tiếng Việt, tiếng Anh cho tôi học”.

Năm 20 tuổi, sau khi chấp nhận cưa chân, chị Hương Thảo bắt đầu tập đi nạng. Khó khăn nhưng chị vẫn nỗ lực tập đi để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Được bạn bè khuyên nhủ, chị đến TP Đà Nẵng tìm một lối đi mới. Năm 2005, chị được gia đình bà Kathleen Huff nhận vào làm việc cho Bread of Life - tiệm bán bánh, cà phê ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, có nhân viên là người khuyết tật.

Ở đó, chị vừa làm, vừa tự học kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng làm bếp, pha chế, phục vụ bàn, giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ban đầu, chị được phân công giao thực đơn cho khách, nhận đặt món, sau chuyển sang chăm sóc khách hàng. Dần dần, chị trở thành người hướng dẫn các nhân viên khiếm thính và kết nối họ với gia đình.

Chị làm việc được gần 10 năm thì Bread of Life ngưng hoạt động, người chủ trở về nước. Không muốn những đồng nghiệp cũ ở quán thất nghiệp, chị Hương Thảo nung nấu dự định mở một nhà hàng mới. Năm 2015, chị hợp tác với một người bạn Canada là khách cũ của Bread of Life để thành lập Happy Heart.

Chị thuê một đầu bếp ở TPHCM về đào tạo, trang bị nghiệp vụ từ đầu cho mọi người với công thức mới. Khi nhà hàng vào guồng, người bạn Canada về nước, chị chuyển mặt bằng của Happy Heart từ quận Hải Châu về khu phố tây An Thượng của quận Ngũ Hành Sơn và hoạt động ổn định đến nay.

Nơi ngập tràn yêu thương không lời

Thi thoảng, chị Phạm Hồng Liên - thực khách quen - lại đưa chồng con đến nhà hàng Happy Heart để ăn sáng, uống cà phê. Sự ấm áp và yêu thương ở đây luôn níu chân chị Liên và nhiều người khác. “Ăn miếng bánh, ngắm nhìn bà chủ và các em nhân viên luôn rạng ngời trong thân thể thiệt thòi, thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Đây là bài học về tình người và sự nỗ lực mà mình muốn dành cho con” - chị Liên chia sẻ.

Em Nguyễn Trọng Huy vào làm việc từ năm 2021, nay đã thành thạo nhiều khâu và phụ chị Hương Thảo quán xuyến nhà hàng
Em Nguyễn Trọng Huy vào làm việc từ năm 2021, nay đã thành thạo nhiều khâu và phụ chị Hương Thảo quán xuyến nhà hàng

Ở khu phố tây nên Happy Heart phần lớn phục vụ cho người nước ngoài. Ở đây không ồn ào bởi nhân viên khiếm thính phải giao tiếp, nhận món với khách bằng ký hiệu. Làm việc trong ca chiều cuối tuần, anh Phan Tài Toàn (45 tuổi) vừa hối hả chốt đơn thức ăn cho khách mua đem về, vừa phục vụ món tại chỗ cho một gia đình người nước ngoài. Là người khiếm thính và khiếm thanh, anh Toàn giao tiếp với khách bằng ký hiệu tay nhanh nhẹn.

Anh Toàn là 1 trong 11 nhân viên đang làm việc tại nhà hàng. Anh Toàn - Trưởng ca bánh mì - và chị Oanh - 38 tuổi, đầu bếp chính của nhà hàng - là 2 nhân viên làm việc từ khi thành lập nhà hàng đến nay. Chị Hương Thảo kể, anh Toàn có thể làm mọi khâu từ phục vụ, thu ngân, pha đồ uống đến làm bánh mì. Qua ký hiệu, anh chia sẻ rất thích nấu nướng. Hiện tại, Happy Heart là nơi anh có thể vừa làm việc với sở thích, vừa có thu nhập lo cho con ăn học.

Nhân viên ở Happy Heart được trả thù lao phù hợp với năng lực và công việc. Cuối năm 2021, sau đợt dịch COVID-19, cha mẹ của Nguyễn Trọng Huy (21 tuổi) đến xin cho Huy vào làm việc. Huy bị câm điếc bẩm sinh nên nhà hàng phải dạy toàn bộ kỹ năng ứng xử, giao tiếp, làm việc. Cha mẹ Huy nói cứ đào tạo em và họ sẵn sàng trả chi phí đào tạo, nhưng chị Hương Thảo không thu phí mà trái lại còn trả lương học việc cho Huy. Có động lực, Huy làm rất hăng say và tiếp thu nhanh. Đến nay, Huy đã thạo việc và cùng anh Toàn đứng ra quán xuyến nhà hàng mỗi lần chị Hương Thảo đi vắng.

Cách đây 2 tháng, bé Niên được cha mẹ xin vào Happy Heart làm. Do bị câm điếc bẩm sinh nên bé hầu như không có các kỹ năng giao tiếp. Chị Hương Thảo cho biết: “Mình phải kiên nhẫn chỉ dạy cho Niên rửa chén, lau nhà, tuân thủ các nội quy. Tiếp thu chậm, khó nên nhiều lúc Niên đổ quạu, khóc vì cảm giác bất lực. Tôi bèn thuê người của công ty vệ sinh chuyên nghiệp đến đào tạo cho bé. Đến nay, Niên đã quen dần và thành thạo công việc của mình”.

Nhà hàng Happy Heart là địa chỉ mà các trường khuyết tật ở khu vực miền Trung liên hệ để gửi học sinh đến thực tập. Chị Hương Thảo chia sẻ: “Để đào tạo cho các em làm được việc thì không khó, nhưng khó hơn là đào tạo các kỹ năng giao tiếp. Nhiều em bị câm điếc bẩm sinh nên cha mẹ khó thấu hiểu để bày dạy các kỹ năng. Một số người bạn của tôi cũng có ý định làm nhà hàng kiểu này, hỏi tôi cần phải làm gì, tôi nói là cần thời gian. 70% thời gian của tôi là ở nhà hàng để rèn luyện cho các em, dồn tâm tư cho các em, lắng nghe và quan sát các em để giúp các em phát huy được giá trị của mình”.

Do 70% thời gian ở nhà hàng nên nhiều lúc, chị thấy thiệt thòi cho con gái và ông xã. Chị chia sẻ: “Thật ra, gia đình tôi cũng không có chi đặc biệt, nhưng tôi may mắn có ông xã luôn ủng hộ việc kinh doanh và làm từ thiện. Còn con gái cũng thông cảm và hiểu công việc của tôi nên bé từ nhỏ đã không cần mẹ chăm sóc như các trẻ khác. Có lúc tôi thấy tội cho con nhưng đành chịu, vì mấy bạn khuyết tật đang cần mình”.

Trăn trở của chị là bố trí được nhiều chỗ ở để giúp đỡ thêm các hoàn cảnh khuyết tật ở các vùng quê xa. “Tôi muốn các em thấy được giá trị của mình đồng thời xã hội cũng thấy được giá trị của các em” - chị Hương Thảo nói.

Thỉnh thoảng, cô con gái lớp Mười một và ông xã lại tháp tùng chị Hương Thảo đi làm từ thiện ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật. Đây là các hoạt động thường xuyên, được chị kết nối với các du khách nước ngoài là thực khách của nhà hàng Happy Heart có tấm lòng thơm thảo. Để có tiền làm từ thiện, chị Hương Thảo còn mở thêm một shop nhỏ bán đồ cổ.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI