Hành trình giành lại con

15/03/2024 - 12:38

PNO - Cuộc đấu tranh giành lại con ở ngưỡng tuổi dậy thì là một hành trình cam go, đòi hỏi ở người cha sự hy sinh, lòng quyết tâm, tình yêu thương...

Hôm nay nhà có tiệc, anh Hưng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) làm thôi nôi cho con trai. Khi khách đã về, ông Bằng - ba của anh Hưng - chơi với đứa cháu đích tôn để ba má nó dọn dẹp nhà cửa. Thằng cháu kháu khỉnh làm sao, giống y hệt Hưng hồi nhỏ. Ông Bằng bồi hồi nhớ lại 8 năm về trước…

Trở về nhà sau một chuyến công tác dài ngày, ông nhận được thông báo của trường về việc Hưng bỏ học, có hiện tượng gia nhập băng nhóm.

Năm đó Hưng học lớp 11, ông Bằng choáng, bởi ông rất tin con, năm nào Hưng cũng là học sinh giỏi, thế mà… Tìm hiểu kỹ càng, ông biết Hưng chơi với một số bạn bè xấu, bị rủ rê bỏ học, gia nhập băng nhóm.

Đầu tiên là ông xin cơ quan nghỉ phép. Tất cả những ngày phép của ông dồn lại được khoảng 1 tháng. Ông Bằng quyết định hàng ngày tự đưa con đến trường, dù nhà cách trường rất xa.

Trong giờ học, ông ngồi trước cổng trường đợi con cho đến tan học, ông không dám về nhà, ông ngồi canh vì ông sợ thằng Hưng sẽ trốn học nếu không thấy ông. Tìm hiểu tất cả bạn bè của Hưng, ông đến nhà từng cậu, lưu ý phụ huynh và khuyên bọn chúng tập trung vào việc học, đồng thời đừng rủ rê lôi kéo Hưng nữa.

Bài vở của Hưng còn thiếu, tự ông chở Hưng đến nhà bạn bè để mượn vở và buổi tối khi Hưng ngồi học bài thì ông cũng ngồi bên cạnh chép bài học còn thiếu giúp cho con. Ngay giờ học thêm, ông cũng chở con đến lớp và ngồi đợi con hết giờ để đưa về nhà.

Những ngày đầu bị cha kềm cặp dữ quá, Hưng bất mãn phản ứng bằng cách vùng vằng, hằn học với cha. Ông Bằng kiên quyết lắm, khi thì ông “rắn”, khi thì ông “nhu”. Trước sự cương quyết của cha, cậu con phải…. “đầu hàng”. 

Hết 1 tháng nghỉ phép, thấy kiến thức Hưng còn nhiều chỗ hổng, ông Bằng quyết định xin nghỉ không lương. Gia đình khi ấy chỉ một tay bà Bằng lo liệu vừa đi làm, chợ búa , cơm nước, gà qué…

1 tháng, rồi 2 tháng, 3 tháng… thời khóa biểu của ông Bằng vẫn là các hoạt động: kèm con đến trường, cùng ngồi học với con, thỉnh thoảng lại nói chuyện thân mật, tâm tình. Lúc này cha con đã “thân thiện” hơn: Buổi sáng cùng nhau lên sân thượng làm vài động tác thể dục; buổi chiều nếu Hưng không có giờ học thêm, cha con chạy một vòng biển, rồi nhảy ùm xuống bơi.

Cha và con trai như hai người bạn
Cha và con trai như 2 người bạn

Hết 3 tháng nghỉ không lương của ông Bằng, Hưng không còn mặc cảm vì bị cha kèm cặp nữa mà đã ý thức được tình thương yêu của cha dành cho mình. Hưng biết chỉ vì mình mà kinh tế gia đình eo hẹp hẳn, nếu không nói là khó khăn, chỉ trông chờ vào tiền lương vốn đã rất ít oi của bà Bằng. Cậu đã tự giác hoàn toàn chú tâm vào việc học hành và với một ý chí rất lớn: bằng mọi cách phải vào đại học.

Ngày Hưng đậu đại học, ông Bằng đâu đã hết lo lắng. Hưng đi học xa, không có sự kèm cặp của gia đình, biết đâu sẽ bị cám dỗ trở lại? Ông Bằng ở quê nhà mà tâm trí hoàn toàn để hết nơi con đang học, cứ 2 tuần, ông lại “khăn gói quả mướp” đi thăm con. Tiền bạc tốn kém nhiều nhưng ông không ngại, ông chỉ sợ con hư hỏng mà thôi.

Rồi cũng xong 4 năm học đại học với bao công lao của ông Bằng, tiền bạc gia đình ngày càng eo hẹp. Ra trường Hưng được phân công về dạy ở một trường gần nhà. 2 năm sau Hưng lập gia đình với cô bạn học cùng lớp đại học, vợ chồng đều là giáo viên, cuộc sống thanh đạm. Gia đình ông Bằng lúc này có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ, ông bà vui lắm.

Chơi với cháu, ông Bằng nghĩ, cũng may mà hồi đó ông kịp thời biết con có hiện tượng hư hỏng.  Nếu ngày ấy ông không quyết tâm giành lại con trước những cám dỗ, giúp nó vượt qua "tuổi chướng" thì đâu có ngày vui như hôm nay. 

Kim Duy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI