PNO - PNCN - Phiên xét xử không dưng trở thành buổi hòa giải bất đắc dĩ khi vị chủ tọa cố gắng thuyết phục nguyên đơn rút kháng cáo; vì việc đó chẳng những tốt cho mối quan hệ hai bên mà còn tránh ảnh hưởng đến tình cảm con cháu sau...
edf40wrjww2tblPage:Content
1. Bà Thu và bà Ngọc là chị em bạn dâu nhưng mười năm nay không thuận hợp. Sống ở hai căn nhà sát vách thuộc P.Cát Lái, Q.2, họ càng có “điều kiện” ra vào đụng nhau, dễ dàng… sinh chuyện. Đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra vào một ngày đầu tháng 5/2012. Trong lúc cùng vài người ra trước cửa hóng mát, con bà Ngọc thấy nắng nóng nên dùng vòi nước xịt ra đường thì bà Thu bắt gặp, cho là tưới như vậy sẽ khiến nước đọng nên lấy chổi quét. Bà Thu quét mạnh tay, nước bắn tung tóe lên mọi người; mẹ con bà Ngọc khó chịu dẫn đến cãi vã, đánh nhau. Bà Thu bị thương tích phải nhập viện điều trị.
Không bằng lòng với mức xử phạt hành chính của CA P.Cát Lái, bà Thu khiếu kiện đến CA Q.2. Bà được yêu cầu đi giám định, kết quả tỷ lệ thương tật chiếm 1%. Không đủ cơ sở khởi kiện bà Ngọc tội cố ý gây thương tích, bà Thu gửi đơn đến tòa đề nghị bà Ngọc bồi thường hơn sáu triệu đồng; gồm 3,4 triệu viện phí và hơn 2,5 triệu thực hiện giám định. Xử sơ thẩm, TAND Q.2 tuyên bà Ngọc chỉ bồi thường một nửa viện phí cho bà Thu, tức 1,7 triệu đồng; bởi hai bên đều có lỗi. Còn chi phí giám định bà Thu yêu cầu được thanh toán không hợp lệ nên tòa tuyên bác. Bà Thu kháng án.
2. Trong mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ đều là con dâu của một gia đình, không thấy bóng dáng của hai người chồng - đóng vai trò cầu nối khuyên can, xoa dịu mối bất hòa. Bà Thu nói: “Tôi luôn cảm thấy mình đơn độc trên hành trình tìm kiếm bình yên. Chính sự im lặng của chồng là một cách tiếp tay để họ (bà Ngọc - PV) tự tung tự tác, đối xử với tôi rất tệ”. Theo bà Thu, vợ chồng bà không còn tình cảm, sống ly thân từ nhiều năm nên tất yếu ông không bảo vệ, bênh vực bà. “Cả mẹ chồng, trước đây sống cùng tôi nhưng mấy năm nay “theo” về ở bên Ngọc, cũng quay lưng với tôi” - bà Thu nói.
Chứng minh sự “tự tung tự tác” của em dâu, bà Thu kể, rất nhiều lần mẹ con bà Ngọc sang đập phá tường cột nhà bà. Biên bản lời khai tại ủy ban phường cũng cho thấy, có lần bà Thu đang gia cố bờ kè nhà mình thì bà Ngọc mời chính quyền xuống ngăn cản nhưng do nhận thấy việc bà Thu làm không vi phạm, chính quyền đã không can thiệp. Sau đó, nhân lúc bà Thu đi vắng, bà Ngọc sai con đập bỏ bờ kè. Nhiều lần bị quậy phá như vậy nên bà Thu không dám đi làm, phải ở nhà… canh tài sản. Cuộc sống của bốn mẹ con bà theo đó túng bấn hơn. Từ sự bất hòa giữa hai người mẹ mà quan hệ giữa các con họ cũng trở nên lạnh lùng, như người dưng nước lã. Bức tường giữa hai gia đình không dưng trở thành giới tuyến chia cách tình bà cháu, anh em…
Luật sư cũng khuyên bà Thu rút kháng cáo vì chữ “tình”
3. Phiên phúc thẩm diễn ra vào tháng Chín theo đơn kháng cáo của bà Thu, không có mặt bà Ngọc. Tại tòa, bà Thu khẳng định phía bị đơn phải đền bù hơn sáu triệu đồng mới thấy... công bằng; dù bà biết rõ, công sức cùng những khoản chi cho việc kiện tụng còn hơn cả mức bồi hoàn kia. Vị chủ tọa phân tích, mâu thuẫn của cả hai vốn chỉ ở mức chuyện gia đình, do ngay từ đầu không được hòa giải nên theo thời gian tích tụ, nâng lên thành hận thù.
Chủ tọa nói với bà Thu: “Tiền bạc dễ dàng tạo ra nhưng tình nghĩa không phải sớm chiều tạo dựng được. Bà luôn cho rằng mình thân cô thế cô, vậy có khi nào nghĩ đến việc cần nhau khi trái gió trở trời để ứng xử khác hơn? Mối hiềm khích giữa người lớn, nếu không giải quyết, sẽ để lại nhiều hệ lụy cho con cháu mai sau. Trước mắt, đó là ngăn cách tình anh em, bà cháu…; không dạy được các con bài học về tình thâm, thương yêu, đoàn kết mà còn vô tình gieo rắc sự hận thù trong lòng lớp trẻ. Bản án hơn thua liệu có bằng những mất mát ấy? Nó không phải sự chấm hết của mâu thuẫn, ngược lại, càng khiến các bên thù địch nhau hơn”. Vị chủ tọa mong bà Thu rút đơn kháng cáo, bởi nhận thấy bà không khúc mắc chuyện tiền bạc mà chỉ vì muốn cho… đã nư.
Gần hai tiếng đồng hồ phân giải, thuyết phục, cuối cùng, vị chủ tọa thở phào khi bà Thu đồng ý rút kháng cáo. Dù vậy, bà Thu vẫn phân vân: “Tôi hiểu ra vấn đề, nhưng nhỡ bên ấy không hiểu, sang kiếm chuyện thì sao? Điều quan trọng là giải quyết, dẹp bỏ mâu thuẫn đã kéo dài này”. Thấu hiểu sự lo ngại của bà Thu, chủ tọa khẳng định, chính thiện chí của bà hôm nay là minh chứng cho sự thỏa hiệp, làm dịu mối bất hòa; đồng thời chia sẻ “bí quyết” giải quyết xung đột: “Nên bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện thẳng thắn cũng như cho nhau sự giúp đỡ để tìm thấy tiếng nói chung. Bà cũng không nên có lối ứng xử hễ bên kia đổ một chút dầu vào ngọn lửa xích mích, thì bà lấy đó làm giận, châm tiếp một đợt dầu khác cho hả dạ. Sự nhún nhường, bao dung, nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói sẽ khiến đối phương tự nhìn nhận, xem xét bản thân để xử sự đúng hơn. Hành trình này có thể ban đầu rất đơn độc nhưng chắc chắn là nhận được thiện cảm, sự ủng hộ của nhiều người và kết quả sẽ dần tốt đẹp”.
TUYẾT DÂN (tên nhân vật đã được thay đổi)
Hành động đúng
Tranh chấp giữa bà Ngọc và bà Thu - chị em bạn dâu chỉ là vấn đề bồi thường thiệt hại. Điều đáng quan tâm ở đây là nguyên nhân và hoàn cảnh phát sinh tranh chấp. Nhiều vụ án hình sự mang tính gia đình đã khiến người rơi vòng lao lý, kẻ mất mạng hoặc phải chịu thương tích nặng nề có mâu thuẫn xuất phát từ những chuyện rất nhỏ nhặt. Như vụ việc này, không ai nói trước hậu quả sẽ thế nào nếu cứ tiếp diễn xô xát giữa hai bên. Trong mối quan hệ gia đình, việc hòa giải, làm dịu mâu thuẫn rất dễ, bởi có sẵn nền tảng tình thương. Thế nhưng, nhiều người đã chọn cách giải quyết nhằm thỏa mãn cái tôi của mình, từ đó chồng chất thêm xích mích, thù hằn. Phiên tòa diễn ra trong sự cố công hòa giải, thuyết phục của vị chủ tọa là một hình ảnh sáng, rất xúc động. Việc bà Thu rút đơn kháng cáo kịp thời là một hành động đúng. Mong rằng sự tự nguyện của bà phần nào xoa dịu mối bất hòa giữa hai chị em.
Doanh nhân Ngọc Thị Yến luôn xuất hiện trên thương trường với phong cách uy nghiêm. Nhưng khi ở nhà bà luôn là người vợ, người mẹ, người bà giản dị.