Mới đây, bức ảnh Anh che đạn cho em đã được sửa chú thích thành “Anh: Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em: Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống” đúng với hiện thực lịch sử. Khi thấy chú thích đó, hình ảnh đầu tiên ùa về trong tâm trí tôi là những giọt nước mắt của ông Trần Văn Đức - nhân vật trong bức ảnh, người đã ròng rã đi đòi lại sự thật liên quan đến vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai (làng Sơn Mỹ, H.Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) hơn 50 năm về trước.
Cú sốc ngày trở về
Mỗi khi nhắc đến những chuyến từ Cộng hòa Liên bang Đức về nước chỉ với một ước nguyện trả lại sự thật cho lịch sử, ông Đức lại không nén được xúc động. Cha ông Đức là ông Trần Quy - là cán bộ kháng chiến có uy tín khắp vùng. Sau này, ông Đức được đưa đi học tập tại Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) theo diện con liệt sĩ. Ông sang Đức năm 1983, qua nhiều biến động thời cuộc rồi lập nghiệp, xây dựng gia đình ở đó. Năm 2007, ông mới về lại quê hương, sau gần 1/4 thế kỷ. Ông Đức về xã Tịnh Sơn, đưa một người bạn đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ. Đứng trước những tấm ảnh ghi lại vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, nhất là trước hình ảnh mẹ mình - bà Nguyễn Thị Tẩu - nằm chết trên bờ cỏ, miệng còn ngậm vành nón lá, ông lặng đi.
|
Bức ảnh Anh che đạn cho em đã được sửa lại chú thích với đầy đủ tên anh em ông Đức, và quan trọng là họ “hiện còn sống” |
Đau thương nhanh chóng chuyển thành tức giận khi ông thấy tên đề dưới tấm ảnh là Nguyễn Thị Bộ (Tẩu), còn tấm hình cậu bé Đức (7 tuổi) đang nằm rạp trên đường đất che đạn cho em gái Trần Thị Hà (14 tháng tuổi) lại bị chú thích: “Anh Trương Bốn đang che đạn cho em là Trương Năm. Nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Mọi đề nghị kết nối với người phụ trách khu chứng tích để trình bày sự việc đều bất thành. Trước đó, năm 1976, nhận ra bức ảnh hai anh em mình đang được trưng bày trong nhà chứng tích Sơn Mỹ, ông đã nói với những người đang làm việc ở đó rằng, mình chính là cậu bé trong bức ảnh, nhưng không ai tin lời cậu bé tuổi mới lớn.
Cuộc hội ngộ bất ngờ
Từ năm 2007 đến năm 2010, ông Đức đã đưa ra rất nhiều tài liệu chứng thực để tranh cãi với nhiều cấp, nhiều ban ngành. Cuối cùng, hai cái tên Trương Bốn, Trương Năm được bỏ, nhưng họ không thay tên nhân vật, và vẫn giữ nguyên chú thích “cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Thời gian eo hẹp, địa lý cách trở, ông Đức chỉ biết giãi bày trên mạng xã hội câu chuyện của mình. Còn ở nước Mỹ, năm 2007, một đạo diễn phim tài liệu đã liên hệ với Ronald Haeberle - cựu phóng viên chiến trường, tác giả của bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai làm chấn động cả thế giới. Vị đạo diễn hỏi Ronald, ông có biết là hai đứa trẻ trong bức ảnh này vẫn còn sống không. Khi đó, Ronald đã rất sửng sốt: “Tôi không hề biết, tôi nghĩ là chúng đã chết rồi”.
Ronald nhớ lại: “Năm 2010, Đức qua Mỹ gặp tôi. Đó là cuộc gặp quá bất ngờ, bởi tôi đã muốn khép lại những ký ức đau thương mang tên Mỹ Lai, đã không muốn xem lại những bức hình do chính mình chụp khi xưa nữa”. Khi gặp lại, Đức đã kể cho Ronald nghe rõ ràng, rành mạch bối cảnh ngày hôm ấy: trong đám mười mấy chiếc máy bay chở theo lính Mỹ đến tàn sát dân Sơn Mỹ, chỉ có một chiếc máy bay vẽ hình con cá mập trắng. Đó cũng chính là chiếc máy bay mà Ronald chụp, nó bay từ tây sang đông, rồi lại từ đông sang tây, quanh đó còn có mấy đám khói bay lên. Thậm chí, Đức còn nhớ, khi máy bay quần thảo trên đầu, cậu bé 7 tuổi ngước lên, nhìn thấy người lính Mỹ và tin rằng người đó cầm trên tay máy ảnh, vì nếu là súng thì ngày hôm ấy, Đức đã chết như nhiều đứa trẻ Sơn Mỹ khác.
Nghe Đức kể, nhớ lại thứ tự những tấm phim chụp hai đứa trẻ, bối cảnh và chi tiết chiếc trực thăng vẽ hình cá mập, Ronald đã tin Trần Văn Đức râu ria đang đứng trước mặt mình chính là cậu bé trong bức hình năm xưa. Nhìn những giọt nước lăn xuống từ hốc mắt người đàn ông trung niên, Ronald quyết phải làm điều gì đó cho chuyện này. Năm 2011, Ronald trở lại Việt Nam cùng “cậu bé” trong tấm hình ông chụp năm xưa. Chính trên con đường đất giữa cánh đồng, nơi Ronald đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử giá trị, ông cùng anh em Trần Văn Đức, Trần Thị Hà đã làm một cuộc “dựng lại hiện trường”. Bao đau thương khi ấy lại ập về, cứa vào lòng cả hai anh em Đức và Ronald. Cả ba người không nén được nước mắt.
Khi mọi thứ đều chứng minh Trần Văn Đức và Trần Thị Hà chính là “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” (tên bức ảnh khi công bố năm 1969), Ronald đã có một hành động đầy nhân văn: ông tặng lại anh em Đức chiếc máy ảnh mà hơn 40 năm trước mình đã chụp 19 bức hình đẫm máu ở Mỹ Lai. Chiếc máy ảnh đó không chỉ chụp anh em Đức, mà còn chụp lại xác mẹ ông nằm vùi bên đường, trở thành “nhân chứng” cho thời khắc bà lâm chung.
Sự thật đã được trả về cho lịch sử
Ông Đức nhớ đến từng chi tiết của cái ngày xảy ra vụ thảm sát đẫm máu đó, đến độ trong bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của vụ thảm sát Mỹ Lai: giữa nhiều phụ nữ và trẻ em bị giết hại, có một chiếc túi màu đỏ. Ông Đức khẳng định, đó là chiếc túi mà trước khi chạy giặc, mẹ ông bỏ quần áo của em Hà, sữa và những món đồ quý của gia đình. Còn góc trái phía trên tấm hình, có một đám lúa nhỏ lõm xuống, ông Đức nhớ: “Lính Mỹ bắn chết mọi người từ xa, những đứa nhỏ vẫn sống sót nhưng lính Mỹ đã lại gần và bắn nốt những đứa nhỏ đang khóc. Trước khi chúng đến, má tôi đã bị thương, gia đình chúng tôi có sáu người nằm rìa phía cuối của đám đông đã ngã xuống trên đường, hai bên là cánh đồng. Lợi dụng lúc đó, bà đẩy tôi xuống ruộng lúa. Đó chính là chỗ tôi nằm và thoát chết”.
|
Ông Trần Văn Đức trong một lần trở về Sơn Mỹ cùng Ronald Haeberle - tác giả của những bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai |
Ronald cũng rất nhớ thời điểm đó: “Có khoảng 15 người gồm phụ nữ và trẻ em đi trên con đường đất. Đột nhiên, toán lính Mỹ đứng cách đó 100m bắt đầu xả đạn về phía họ. Ngoài súng M16, họ còn dùng cả súng phóng lựu M79. Tôi đã không thể tin vào những gì mình nhìn thấy”.
Sau hơn 10 năm đấu tranh, khiếu kiện, với những bằng chứng xác đáng của Trần Văn Đức và sự giúp đỡ của chính tác giả bộ ảnh, hành trình của ông Đức đã có kết quả. Tháng 4/2019, tại cuộc họp Hội đồng khoa học Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bà Trần Xuân Thảo - Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc bảo tàng này - đã kết luận bốn nội dung:
1. Điều chỉnh nội dung chú thích cũ của bức ảnh “Người anh đang che đạn cho em. Nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết” thành “Anh: Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em: Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống”.
2. Điều chỉnh danh sách nạn nhân Nguyễn Thị Bộ (Tẩu) thành hai tên riêng biệt là bà Nguyễn Thị Bộ, bà Nguyễn Thị Tẩu.
3. Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm tải toàn bộ tư liệu và phim do ông Trần Văn Đức cung cấp thành một file tư liệu riêng, nghiên cứu tư liệu để tiếp tục sưu tầm, bổ sung.
4. Việc chỉnh lý nội dung thực hiện trong năm 2020.
Khép lại hành trình đi đòi hai chữ “còn sống” cho hai anh em, và trả lại tên cho bức ảnh đau thương của mẹ mình, ông Đức nói: “Có lợi lộc, vẻ vang gì đâu. Chỉ là tôi muốn sự thật phải được trả về cho lịch sử, để an lòng những người còn sống và cả những người đã khuất”.
Ngọc Minh Tâm