Làn sóng Hallyu, bước đà phát triển của thời trang Hàn Quốc
Trong thời kì khủng hoảng kinh tế, đứng trước nguy cơ vỡ nợ những năm 90, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung khiến thế giới bất ngờ khi lựa chọn giải trí là ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện hình ảnh quốc gia. Thời điểm đó, bước đi này được đánh giá là táo bạo, tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, hiệu quả của nó dường như không tưởng. Không chỉ vậy, quyết định này cũng được xem là phù hợp với tình hình lúc đó của xứ kim chi bởi phát triển văn hóa không đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng vật chất mà cần nhất là tài năng và thời gian.
Thời gian đó, mục tiêu chính của các tập đoàn giải trí được xác định rõ ràng là không chỉ mang lại lợi nhuận trực tiếp cho các hoạt động âm nhạc, phim ảnh mà còn góp phần thúc đẩy ngành thời trang, tiêu dùng và du lịch. Với mục tiêu cụ thể như thế, từ đó cho đến nay, các tập đoàn giải trí nói riêng và ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn nói chung không ngừng phát triển.
|
Làn sóng Hallyu thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang Hàn Quốc |
Năm 2017, theo báo cáo của Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã đạt 5 tỷ USD. Trong đó, ước tính với 1 USD đầu tư cho giải trí thì Hàn Quốc sẽ nhận lại được 5 USD. Theo một nghiên cứu của Đại học London, số tiền 5 USD thu về này không chỉ từ âm nhạc mà còn từ việc bán các mặt hàng khác như quần áo, phụ kiện, điện thoại…
Từ các nhóm nhạc thế hệ đầu như H.O.T, Shinhwa, Fin.K.L cho đến Bigbang, Wonder Girl, SNSD, Psy… đã xây dựng nền móng vững chắc, đưa âm nhạc điện tử Kpop đến gần hơn với công chúng toàn châu Á và bước đầu tiếp cận thị trường thế giới. Tiếp nối thành công của các bậc tiền bối đi trước, "thế hệ gen 3" BTS, Blackpink, EXO… hiện đang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc toàn cầu, khẳng định những bước tiến vượt bậc của làng giải trí xứ kim chi.
Năm 2018, Love Yourself: Tear của BTS trở thành album nhạc pop đầu tiên của Hàn Quốc chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard 200. Không dừng ở đó, 7 chàng trai của nhóm BTS còn có 3 dự án liên tiếp: Love Yourself: Tear, Love Yourself: Answer và Map of the Soul: Persona đạt vị trí số 1 trên Billboard 200 trong vòng 1 năm, và cũng là một trong những nhóm nhạc phát hành hàng triệu album.
|
Gu thời trang đường phố sành điệu của Jennie, Jin (BTS) và HyunA. |
Trước BTS, làn sóng Hallyu cũng từng xâm nhập thị trường Mỹ như nhóm Wonder Girls với ca khúc Nobody (năm 2009) lọt vào Hot 100 ở vị trí 76, hay Gangnam Style của Psy (2012) lập kỷ lục đứng thứ 5 trong những MV có lượt xem nhiều nhất trên thế giới.
Sự thành công của Kpop đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang nước này từng bước phát triển. Theo trang Euromonitor, thị trường may mặc và phụ kiện Hàn Quốc có giá trị khoảng 5 tỷ USD và tăng trưởng trung bình 7,2% mỗi năm. Rất nhiều những mẫu thời trang xuất phát từ Hàn như áo bóng chày, mũ gấu, quần legging… được mọi người đổ xô săn lùng vì mang tính phổ biến (phù hợp với nhiều nhóm đối tượng) cũng như mang tính ứng dụng cao.
Khi các idol xứ Hàn tạo xu hướng thời trang, thúc đẩy doanh thu các thương hiệu
Với lợi thế sẵn có là một lượng fandom (hay fanclub, nơi tập trung những người hâm mộ cùng một thần tượng) trung thành, nhiệt tình và có chiều sâu, các ca sĩ Hàn dễ dàng trở thành cái tên được các nhà mốt hàng đầu săn đón, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa âm nhạc và thời trang. Hàng loạt các thần tượng của xứ kim chi liên tục được mời làm đại sứ thương hiệu hoặc khách mời VIP trong các buổi ra mắt bộ sưu tập mới của hãng như Jennie, G-Dragon (Chanel), IU (Gucci), Taeyang (Fendi)…
|
Lisa (Blackpink) diện một thiết kế của của nhà một Alexandre Vauthier có giá khoảng 70 triệu đồng trên bì tạp chí Vougue. Sau khi báo phát hành 9 tiếng, thương hiệu này thông báo đã bán hết mẫu trang phục này. |
Những trang phục đời thường, trên sân khấu hay trong các video âm nhạc của các thần tượng, tất cả đều dễ dàng trở thành xu hướng thời trang trong vài ngày, nhất là với các gương mặt như G-Dragon (Bigbang), Jin, Jungkook (BTS), Lisa, Jennie (Blackpink)…
Các idol luôn nổi bật với vẻ ngoài trẻ trung, hiện đại cùng những ý tưởng độc đáo. Với lịch làm việc dày đặc, họ không có nhiều thời gian đi chơi, giao lưu nên phong cách đời thường của idol được thể hiện hầu hết qua thời trang sân bay. Nắm rõ tình hình thực tế, nhiều nhà mốt hàng đầu như Fendi, Chanel, Louis Vuitto... liên tục tài trợ váy áo cho Yoona, Taeyang, Jennie, G-Dragon, HyunA. Có thể nói, hiệu ứng cho vài phút được các idol xứ hàn khoác lên người hiệu quả hơn hẳn các chiến dịch quảng cáo được đầu tư bài bản của các thương hiệu này - mẫu trang phục được các thần tượng Kbiz chọn diện sẽ ''cháy hàng'' ngay sau đó.
|
Taeyang là khách mời đặc biệt của nhà mốt Fendi trong show diễn thời trang của họ tại Milan mới đây. |
Sinxity, cựu giám đốc sáng tạo YG và là nhà sáng lập Axis (một công ty giải trí Hàn Quốc) cho biết: “Phong cách của thần tượng được giám sát cẩn thận bởi đội ngũ stylist (khoảng 6 người) và xu hướng thời trang của họ thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Một số người nhìn vào những ngôi sao Kpop mặc đồ ở sân bay và làm theo phong cách của họ. Sản phẩm họ mặc gây ra sự đột biến lớn cho thương hiệu trong vòng 24-48 giờ”.
Minh chứng cho nhận định này là trong video quảng bá du lịch Seoul (Hàn Quốc), chiếc áo khoác sọc caro do V (BTS) diện có giá hơn 1.000 USD của thương hiệu Fear of God cháy hàng trong 1 ngày trên các trang web lớn như MatchesFashion, Farfetch… ; hay chiếc đồng hồ Casio G-Dragon đeo lúc xuất ngũ cũng nhanh chóng bán sạch trong vài giờ ngắn ngủi.
|
Áo choàng thành viên V (BTS) mặc nhanh chóng bán hết hàng trong 1 ngày. |
Không chỉ là sản phẩm của các thương hiệu lớn, các idol còn thúc đẩy tăng trưởng doanh số cho các nhãn hàng nhỏ lẻ. Năm 2019, khi bức ảnh Jungkook (BTS) mặc một bộ Hanbook cách tân của một nhãn hiệu nhỏ Zijangsa ở sân bay được tung ra, ông chủ cửa hàng này cho biết đã lập tức nhận được nhiều đơn hàng khủng, thậm chí trang web của công ty bị sập và không đủ hàng để cung cấp cho người mua.
“Các ca sĩ Kpop và ngôi sao Hàn Quốc nói chung có tầm ảnh hưởng lớn với nhãn hàng. Họ đóng vai trò quan trọng trong công việc kinh doanh thời trang của tôi”, Charles Jeffrey - NTK London thừa nhận.
Những cái bắt tay đại thắng giữa idol và nhãn hàng
Không chỉ đơn thuần là gương mặt đại diện cho các nhà mốt hàng đầu, bản thân các nghệ sĩ đã bắt đầu thể hiện gu thẩm mỹ và hợp tác cho ra mắt nhiều mẫu quần áo, giày dép và túi xách. Tháng 11/2019, "ông hoàng thời trang Kpop" G-Dragon thắng lớn khi hợp tác cùng thương hiệu Nike phát hành mẫu giày Para-Noise cháy hàng trong 30 phút mở bán trên toàn thế giới.
|
Mẫu giày Para-Noise do G-Dragon hợp tác cùng Nike cháy hàng trên toàn thế giới. |
Ban đầu mẫu giày có giá bán 200 USD nhưng do khan hiếm và lượng người mong muốn được sở hữu đôi giày của thần tượng khá cao so với số lượng sản xuất nên Para-Noise được đôn giá lên ngất ngưỡng, tới 4.000 USD (cao gấp 20 lần giá do thương hiệu và G-Dragon thẩm định). Para-Noise được coi là một trong những đôi giày thể thao thành công nhất năm 2019, và theo thông tin từ truyền thông xứ Hàn, sẽ có một sự hợp tác khác giữa G-Dragon và Nike trong năm 2020.
Trước đó, năm 2018, nhóm nhạc BTS cũng đã khuấy động làn sóng thời trang phong cách đường phố với sự hợp tác cùng PUMA, phát hành PUMAxBTS Basket Patent Sneakers. Cựu thành viên EXO Kris Wu hợp tác với Burberry, Taeyang với nhà mốt Fendi cho ra mắt bộ sưu tập túi xách, áo hoodie và áo phông...
Mới đây nhất, CL (cựu trưởng nhóm 2NE1) được chọn là gương mặt sánh vai cùng Beyonce trong chiến dịch quảng bá cho bộ sưu tập Adidas x Ivy Park, bao gồm quần áo, giày dép và phụ kiện.
|
Các thần tượng được định hình phong cách thời trang ngay từ khi còn là thực tập sinh. |
Nữ ca sĩ Beyonce còn cẩn thận viết những dòng tình cảm dành cho CL trên trang cá nhân: “Đây là phần quà đặc biệt trong bộ sưu tập sắp tới của Adidas x Ivy Park. Chị đã chọn những món chị yêu thích nhất để tặng em bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng”.
Ngoài sở hữu lượng fan khổng lồ, tiếp cận được thị trường châu Á béo bở, rộng lớn thì việc các thương hiệu thời trang phương Tây chuyển hướng đầu tư cho các nghệ sĩ Kpop còn chính bởi phong cách thời trang của họ được định hình rất rõ ràng, bài bản ngay từ khi debut.
Không cần mất nhiều thời gian, các nhãn hiệu chỉ cần mô phỏng hình ảnh của nghệ sĩ thông qua loạt sản phẩm của họ kết hợp phong cách giản dị, thời thượng để lựa chọn gương mặt phù hợp với thương hiệu, bộ sưu tập mà mình hướng đến.
Chung Thu Hương