Hành trình đến giảng đường nhiều gian nan của sinh viên vùng bão lũ

10/10/2022 - 06:17

PNO - Mỗi năm, rời quê vào trường, hành trang của các sinh viên nghèo miền Trung là bao âu lo. Để con em được học, các bậc phụ huynh đã phải khó nhọc mưu sinh.

Rối bời lo toan 

Nguyễn Thị Minh Huyền - tân sinh viên Trường đại học Y Dược Huế - ngồi ngay mép chiếc giường đang choán gần 2/3 diện tích căn phòng trọ vỏn vẹn 4m2 để bắt đầu những bài học đầu tiên của một sinh viên y khoa. 

Những ngày đầu tiên trên đất Huế của tân sinh viên ngành y đa khoa Nguyễn Thị Minh Huyền - Ảnh: CTV
Những ngày đầu tiên trên đất Huế của tân sinh viên ngành y đa khoa Nguyễn Thị Minh Huyền - Ảnh: CTV

Căn phòng được thuê với giá 600.000 đồng tại P.Vĩnh Ninh, TP.Huế, cách trường không quá xa để Huyền có thể đi học bằng xe đạp. Chiếc bàn gỗ cũ đặt ở khoảng không gian còn lại của căn phòng. Đây không chỉ là góc học tập mà còn là nơi đặt nồi niêu, rổ rá, gạo, mắm, mì tôm và các loại gia vị. Chị Nguyễn Thị Mười -  mẹ Huyền - nói: “Vậy là coi như tạm ổn. Lạy trời Phật cho mình mạnh giỏi để có sức khỏe làm ăn, lo cho con”.

Gương mặt chị vẫn không giấu được nỗi lo. Sáu năm học ngành y đa khoa của con gái không khiến chị quá lo, cho đến ngày nghe tin học phí của trường tăng gần gấp đôi năm trước. Ban đầu, Huyền dự định thi vô Trường đại học Y Dược TPHCM, nhưng đến năm lên lớp 10, nghe học phí các trường đại học ở TPHCM tăng cao nên các thầy cô khuyên ra Huế học vì biết gia đình không thể lo nổi.

“Trước khi đăng ký nguyện vọng, Huyền kiểm tra, thấy học phí năm trước là 14,3 triệu đồng nên tôi cũng yên tâm. Đến khi con đăng ký xong thì trường công bố học phí năm nay là 24,5 triệu đồng. Nghe vậy, tôi mất ngủ nhiều đêm, còn Huyền cũng muốn bỏ cuộc. Thầy cô, bạn bè cứ động viên suốt” - chị Mười tâm sự.

Quê chị Mười ở thôn Năng Đông, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Chị Mười là mẹ đơn thân, gia đình thuộc diện cận nghèo nên mấy năm qua, Huyền được miễn toàn bộ học phí. Năm 2017, chị nằm trong diện được hỗ trợ 58 triệu đồng để dựng nhà chống lũ, được Nhà nước cho vay thêm 15 triệu đồng, mỗi tháng trả 158.000 đồng cả gốc lẫn lãi. Do đó, học phí đại học mỗi năm của con gần như vượt ngoài khả năng của chị. Thêm vào đó, ba con heo nái của chị lại chết sạch do dịch tả châu Phi trước ngày bão Noru đổ bộ vào miền Trung; 1,5 sào ruộng thu hoạch sớm trước bão cũng chỉ được hơn 1 tạ lúa khô, không đủ để ăn, nói gì đến bán. 

Ngày nhận tin mình đậu ngành y đa khoa của Trường đại học Y Dược Huế, Huyền thức trắng đêm ngồi viết thư gửi đến các quỹ học bổng khuyến học, mong nhận được sự hỗ trợ. “Nhà chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau nên mọi khó khăn về tài chính đều đè lên đôi vai gầy của mẹ. Nghề nông vất vả, phụ thuộc nắng mưa nên thu nhập mỗi vụ mùa luôn bấp bênh. Thêm vào đó, học phí lại tăng cao…” - Huyền viết trong nước mắt.

Không để sự nghèo khó cản bước con đường học hành của một học sinh giỏi, các thầy cô giáo Trường THPT Tư Nghĩa, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm lớp 11 đã quyên góp được 12 triệu đồng để hỗ trợ học phí học kỳ I cho Huyền. Một cựu học sinh của trường cũng hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Huyền học phí học kỳ II.

Sau bão Noru, chị Mười thu xếp chuyện nhà để cùng con gái ra Huế nhập học. Đây là lần đầu tiên Huyền bước ra khỏi mảnh đất làng, nên chị Mười quyết định đi cùng con. Hành trang của hai mẹ con trên chuyến xe đêm là mấy chục ký gạo vừa thu hoạch, 15 gói mì tôm là quà của địa phương dành tặng hộ cận nghèo, một ít quần áo, chiếc xe đạp cũ đã theo Huyền từ năm học lớp 8 và 7 triệu đồng mà chị Mười mượn được từ người thân và hàng xóm. 

Trong căn phòng trọ, Huyền tâm sự, em quyết tâm theo ngành y từ năm đang học lớp 8 khi chứng kiến bà ngoại phát bệnh và mất trước sự bất lực của gia đình. “Em sẽ cố gắng hết sức để học, tới đâu hay tới đó. Khi lịch học ổn định, em sẽ xin phụ việc để trang trải cuộc sống” - Huyền nêu dự định. Còn chị Mười cũng dự tính, sẽ về quê chuẩn bị cho vụ sau, rồi ráng mượn tiền mua heo giống nuôi, để năm sau có tiền lo cho con. 

Nguyễn Thanh Sang - cựu học sinh lớp 12A5 Trường THPT số 1 Tuy Phước, tỉnh Bình Định - cũng rời quê sau cơn bão Noru để vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Sang cho biết, bắt đầu từ tháng này, lũ thường dâng liên tục. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Sang được anh ruột là Nguyễn Văn Thông cưu mang, nhưng anh Thông hiện đang nuôi hai con nhỏ, ruộng ít, phải làm thêm nghề chạy xe lôi chở hàng, ai kêu gì chở nấy. 

Với mức học phí ngành cơ - điện tử khoảng 22 triệu đồng/năm mà Sang phải đóng, anh Thông lắc đầu: “Tới đâu hay tới đó chứ không biết sao”. Hành trang vào đại học của Sang là 5 triệu đồng mà anh chị gom góp được. Cũng may, sau hai tuần nhập học, hồ sơ xin ở ký túc xá miễn phí của Sang đã được nhà trường chấp thuận. Sắp tới, Sang sẽ tìm việc làm thêm.

Chiếc xe đẩy, xấp vé số nuôi giấc mơ con

Chiếc xe đẩy bán bánh xèo miền Trung của chị Nguyễn Thị Trúc - quê ở tỉnh Quảng Ngãi - nằm nép ở một góc của cổng sau chợ An Sương chỉ có 2-3 chiếc bàn nhựa cho khách ngồi ăn. Đẩy xe ra lúc 15g nhưng đến 18g, số bột pha sẵn 1,5kg vẫn còn trong thau, trong khi số bánh xèo đã đổ vẫn nằm xếp chồng trên khay, chị Trúc quyết định chia bánh xèo vào nhiều bịch nhỏ, rà xe máy qua các khu nhà trọ xung quanh, chào bán với giá rẻ hơn.

 

 

Huỳnh Gia Huyên phụ mẹ bán bún thịt nướng, bánh xèo bằng xe đẩy trong khi chờ ngày học chính thức ở Trường đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Huỳnh Gia Huyên phụ mẹ bán bún thịt nướng, bánh xèo bằng xe đẩy trong khi chờ ngày học chính thức ở Trường đại học Kinh tế TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Nhìn dáng chị gầy gò, mệt mỏi, vài người cũng thương tình, mua ủng hộ để chị về sớm. “Hôm nào bán đắt, tôi lời được gần 200.000 đồng, còn hôm nào trời mưa, hay ế như hôm nay, tôi chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Đành chịu, xả hàng về sớm chứ ở muộn hơn thì hôm sau không có sức đi bán tiếp” - chị Trúc thở dài.

Chị Trúc bị bướu cổ nhiều năm qua, thường bị hụt hơi, thở dốc, còn chồng chị là Huỳnh Ngọc Danh bị bệnh tiểu đường. Cả hai đều phải uống thuốc mỗi ngày. Năm năm trước, do quê nhà bị bão, lũ triền miên, vợ chồng chị Trúc vào TPHCM mưu sinh với đủ thứ nghề để gửi tiền về quê nuôi ba đứa con và người mẹ già. Cuối cùng, họ trụ được với nghề bán bún thịt nướng và bánh xèo bằng xe đẩy.

“Mẹ cho con đi bán với ba mẹ nha” - Huỳnh Gia Huyên nài nỉ ngay khi từ tỉnh Quảng Ngãi vào TPHCM chuẩn bị nhập học. Thấy con chưa đi học, chị Trúc gật đầu. Sáng sớm, Huyên phụ mẹ đẩy xe bún hơn 1km từ nhà trọ (tổ 8, khu phố 3A, phường Tân Hưng Thuận, quận 12) đến trước cổng Trường THPT Trường Chinh, chiều lại đẩy sang chợ An Sương, phụ đổ bánh xèo, nhặt rau, dọn bàn đến tối. Bữa cơm tối của cả nhà ở phòng trọ chẳng có gì ngoài rau và một món kho được hâm đi hâm lại mấy ngày liền. Huyên trải lòng: “Em thừa biết ba mẹ cực khổ, nhưng chưa từng nghĩ là khổ đến mức này”.

Ngày rời tỉnh Quảng Ngãi vào TPHCM, cô tân sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM hình dung về tương lai của mình bằng tất cả sự tự tin. Nhưng khi chứng kiến cảnh mưu sinh vất vả của cha mẹ, Huyên nghĩ mình cần phải cố gắng hơn nhiều. Huyên cho biết, trước mắt, em sẽ cố gắng thuộc tên đường, chỉnh sửa giọng nói cho phù hợp với môi trường rồi đi dạy kèm, kiếm thêm thu nhập bởi khoản học phí gần 30 triệu đồng/năm thật sự là một áp lực lớn. 

“Hôm trước, đưa Huyên đi làm thủ tục nhập học, tôi mượn người quen được 13 triệu đồng, đóng hết 12,7 triệu đồng. Thấy con ham học nên vợ chồng tôi cũng ráng, được lúc nào hay lúc đó, chỉ mong con sau này không phải vất vả, cực nhọc như mình nữa” - chị Trúc rưng rưng.

Cuối tháng 9, Phạm Thị Trinh vào TPHCM theo giấy hẹn nhập học của Trường đại học Mở TPHCM. Do mẹ ở quá xa nên Trinh tạm tá túc trong quán ăn của người dì ở quận Gò Vấp và chưa biết sẽ ở đâu trong những ngày sắp tới. Dù ở chung thành phố, hai mẹ con Trinh vẫn chưa được gặp nhau.

Cũng rời tỉnh Quảng Ngãi vào TPHCM mưu sinh vì tương lai của con, gần ba năm nay, chị Phạm Thị Tùng và con gái là Phạm Thị Tố Trinh chưa gặp lại nhau. Mỗi ngày, chị Tùng lãnh chừng 300 tờ vé số, bán khắp các con đường ở huyện Củ Chi, cho đến hơn 21g mới về phòng trọ trên đường Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Mỹ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Mỗi khi về phòng, chị lại cùng con gái tâm sự qua màn hình điện thoại. Chị cho biết, những lúc mệt mỏi, chỉ cần nghe giọng con là thấy ấm lòng.

Để theo đuổi giấc mơ vào đại học, những năm học phổ thông, Trinh phải đi phục vụ quán ăn, phát tờ rơi, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống ở quê. Chị Tùng kể: “Hồi đầu, thấy nhà nghèo quá, tôi không muốn cho con đi học nữa. Con nhỏ khóc quá trời. Nhưng mà nếu con đi học thì tôi lại không biết lấy đâu ra tiền. Vậy mà nó vẫn cứ âm thầm học hành, rồi thường xuyên gọi điện thuyết phục tôi. Thấy con ham học, có kế hoạch đi làm thêm để trang trải chi phí nên tôi xuôi theo. Thôi kệ, mình ráng thêm mấy năm nữa để con có được cái nghề nuôi thân, không cực khổ như mẹ nó”. 

Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện cho sinh viên học hành
Với phương châm tạo mọi điều kiện và cơ hội để sinh viên được học tập suốt đời, trong khoảng từ năm 2017 đến giữa năm 2022, nhà trường đã triển khai nhiều chương trình học bổng dành cho sinh viên, như học bổng tuyển sinh, học bổng khuyến khích học tập. Chúng tôi cũng có các chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng cho sinh viên. 

Nhà trường đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đột xuất cho sinh viên, như trao học bổng hỗ trợ sinh viên miền Trung bị lũ lụt năm 2020, học bổng cho sinh viên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2021, học bổng cho sinh viên mồ côi hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo; tặng thực phẩm, thuốc men cho các sinh viên kẹt tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19… 

Ngoài học bổng, nhà trường cũng kết nối với các ngân hàng lớn để giúp sinh viên vay tiền đóng học phí với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ sinh viên trả góp học phí với lãi suất 0%. Bên cạnh đó, để giúp sinh viên tiết kiệm chi phí, trường ưu tiên phê duyệt hồ sơ ký túc xá với những trường hợp sinh viên khó khăn.

Vào giảng đường đại học là hành trình đầu tiên mở ra cánh cửa vào đời. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng may mắn có được sự hỗ trợ cần thiết về mặt tài chính để bước tiếp trên con đường học vấn. Thông qua các chính sách hỗ trợ, nhà trường mong muốn mang đến nguồn động viên tích cực, tạo động lực giúp sinh viên vững bước trên con đường tìm kiếm tri thức. Chúng tôi hy vọng trường là ngôi nhà thứ hai, là người bạn đồng hành của sinh viên. Các bạn tân sinh viên hãy cứ cố gắng học tập thật tốt và tìm hiểu, theo dõi các chương trình hỗ trợ, chương trình học bổng để nắm bắt cơ hội của mình. 

Ông Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM

Hội đồng hương giúp sinh viên nghèo vượt khó

Thấu hiểu tình cảnh khó khăn của các tân sinh viên và cha mẹ các em, từ năm 2014 đến nay, bằng nhiều kênh khác nhau, những người Quảng Ngãi đang sống ở TPHCM đã không ngừng vận động, quyên góp gây quỹ và trao học bổng cho các tân sinh viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng học tập xuất sắc. Trị giá mỗi suất học bổng thấp nhất là 3 triệu đồng. Số tiền này không lớn nhưng đó là sự tiếp sức cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau khi trao học bổng, chúng tôi vẫn tiếp tục quan tâm, tương tác, dõi theo chuyện ăn học, đạo đức để giúp các em trở thành công dân tốt. Trong năm học này, chúng tôi sẽ trao khoảng 150 suất học bổng cho các tân sinh viên. Nếu có thêm nguồn hỗ trợ, chúng tôi sẽ tiếp tục trao thêm các suất học bổng.

Nhà văn Trần Nhã Thụy (Ban tổ chức chương trình học bổng “Tiếp sức tới trường” dành cho tân sinh viên quê Quảng Ngãi)

Thu Lê - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI