Hành trình cùng 'chinh phục' con và cái kết ngọt ngào

31/03/2017 - 13:00

PNO - Ngày 2/4 được Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ với mong muốn mọi người hiểu về chứng bệnh này, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ những đứa trẻ đang chung sống với chứng rối loạn trên.

Điều thiêng liêng kết nối những tâm hồn trẻ tự kỷ với thế giới, mở cánh cửa rộng cho các em bước vào cuộc sống chính là sợi dây tình cảm kết nối từ tình yêu vô điều kiện của các bậc sinh thành. 

Hanh trinh cung 'chinh phuc' con va cai ket ngot ngao
Cậu bé Elijah - Ảnh: Timothy Archibald

Khi con trai thứ ba Jacob Barnett (SN 1998) tròn hai tuổi, chị Kristine Barnett cùng chồng (sống ở bang Indiana, Mỹ) nhận ra những dấu hiệu bất thường về phản ứng, hành vi của con.

Điều không mong đợi nhưng phải chấp nhận đó là con chị bị tự kỷ. Bác sĩ tuyên bố thẳng rằng Jacob có thể sẽ không biết đọc hoặc viết, suốt đời sẽ phải sống dựa dẫm vì mức độ bệnh quá nghiêm trọng.

Vợ chồng Kristine Barnett kiên trì cho Jacob học theo nhiều phương pháp giáo dục đặc biệt được giới thiệu ở các trung tâm nhưng hoàn toàn không có tác dụng. Trước những lời nhận xét tiêu cực về con trai, vợ chồng Kristine Barnett lẳng lặng chọn lựa con đường cho Jacob.

Với kinh nghiệm giáo dục mầm non, chị Kristine từng ngày quan sát, hòa mình vào thế giới của Jacob, dùng kiến thức chị có được cộng với một số phương pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ để cùng con chinh phục hành trình mà rất nhiều người đã lắc đầu tỏ ra không tin tưởng. 

Đặc điểm của trẻ tự kỷ là rất thích lặp đi lặp lại một hành động nào đó. Mọi người đều nghĩ đó là hành động vô nghĩa nhưng thật sự, đó là lúc trẻ đang tập trung quan sát.

Chị Kristine từng thấy con mình chơi mãi với một ly nước và chăm chú nhìn ánh sáng chiếu vào chiếc ly ấy. Chị mang đến cho con thêm 50 chiếc ly khác, để con thỏa sức làm thí nghiệm.

Quả thật, hình ảnh chị nhìn thấy được là một “nhà khoa học” Jacob nghiêm túc với “công trình” của mình. Cậu bé có một trí nhớ hình ảnh siêu việt và khả năng tính toán nhanh như chớp.

Kristine nhận ra bên trong vẻ ngoài không bình thường của Jacob là một tâm hồn nhạy cảm, một khối óc tiềm năng của một thiên tài. Không ai ngờ cậu bé có chỉ số IQ cao hơn cả nhà vật lý học người Đức Albert Einstein.

Một lần, Kristine dẫn con trai đến hội thảo về vũ trụ. Cậu bé xin phát biểu, hỏi mọi người có biết vì sao các hành tinh quay quanh sao Hỏa theo quỹ đạo hình êlip không.

Cả khán phòng im lặng và Jacob trả lời một cách chính xác. Lúc ấy cậu ba tuổi. Năm 11 tuổi, Jacob bước vào đại học và năm 15 tuổi, cậu bé được nhận vào học tiến sĩ tại Viện Vật lý lý thuyết Perimeter ở thành phố Waterloo, Canada.

Các nhà khoa học tầm cỡ đã dự đoán một ngày nào đó, Jacob sẽ trở thành chủ nhân giải Nobel vì tài năng vượt trội của mình. 

Jacob bị tự kỷ và đó không phải là điều thiệt thòi của cậu bé. Em may mắn vì có một gia đình đồng hành, giúp những điều tiềm ẩn bên trong tỏa sáng trọn vẹn. Không phải tất cả những ông bố, bà mẹ đều tìm ra được tia sáng ẩn bên trong tâm hồn những thiên thần nhỏ bé.

Hanh trinh cung 'chinh phuc' con va cai ket ngot ngao
Hình minh hoạ trẻ tự kỷ. Ảnh: Hungyentv

Chị Fiona Brown (sống ở Queensland, Úc) đã phải nghỉ việc, dành toàn thời gian ở nhà chăm hai con Emma (tám tuổi) và Sebby (bốn tuổi) đều mắc chứng tự kỷ. Có những lúc các con gay gắt, cau có, khóc lóc hàng giờ liền rồi kẹp đầu vào cửa sổ, từ trầm cảm trở nên tăng động bất thường, Fiona chỉ biết nhìn con rồi khóc.

Điều chị có thể làm là tham gia cộng đồng những bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ, cùng động viên nhau dành nhiều tâm sức hơn nữa, cố gắng tìm kiếm sự kết nối với con nhiều hơn nữa.

Fiona nói: “Chúng tôi phải chinh phục con mình từng ngày và điều đau lòng nhất là chứng kiến sự phủ nhận, kỳ thị của cộng đồng. Đó mới là điều khiến chúng tôi tổn thương”. 

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Timothy Archibald (sống ở San Francisco, Mỹ) có con trai Elijah là trẻ tự kỷ. Anh tìm hiểu về chứng bệnh này và biết rằng, điều duy nhất anh có thể làm cho con mình là phải sẵn sàng bước vào thế giới của con, chấp nhận sự không hoàn hảo ấy chứ không phải cố thay đổi con mình.

Anh thực hiện dự án hình ảnh Echolilia ghi lại những khoảnh khắc chân thật nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con với mục đích truyền cảm hứng cho những vị phụ huynh có con tự kỷ.

Rất nhiều phụ huynh đã gửi thư chia sẻ với anh và tâm sự rằng họ nhìn thấy hình ảnh con mình qua Eli, từ đó họ nhận ra mình đã sai. Qua những bức ảnh của Timothy chụp con trai, nhiều bố mẹ thừa nhận bấy lâu họ đã quên dõi theo cùng con, họ chỉ biết ngăn cản và phản đối khi thấy những hành vi bất thường của con mình. 

Thiên Như (Theo news.com.au, Inquirer, Globe and Mail)

Hiện có tới 80% số người tự kỷ trưởng thành không có việc làm, phải sống phụ thuộc.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là việc hiểu không chính xác về tự kỷ, dẫn đến hạn chế khả năng phát triển của người tự kỷ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 160 người thì có một người tự kỷ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng này bao gồm: yếu tố di truyền, môi trường sống, thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Điều quan trọng nhất khi hỗ trợ người tự kỷ là bước vào thế giới của họ, giúp họ nhận thức, thực hành sự độc lập của cá nhân. Từ đó, ghi nhận những điểm mạnh và thiên hướng của họ, tạo điều kiện cho họ phát triển thế mạnh này.

Tuyệt đối không kỳ vọng họ phải xử sự theo mong muốn của chúng ta như tương tác bằng mắt hoặc nhanh chóng nắm bắt điều chúng ta truyền đạt.

Hãy kiên nhẫn và luôn kiên nhẫn vì người tự kỷ cực kỳ nhạy cảm, sẽ từ chối giao tiếp khi phát hiện họ không được tôn trọng. 

Như chị Kristine đã chia sẻ: “Thay vì bó hẹp suy nghĩ bản thân với cái tên chứng tự kỷ, tôi chú ý đến thiên hướng và sự say mê của con để phát hiện thế mạnh của con mình.

Chúng ta không nên cố biến điểm yếu trở thành mảng màu hoàn hảo. Trong mỗi đứa trẻ đều có một tia sáng. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện cho tia sáng ấy trở thành một nguồn sáng mạnh mẽ, ngày càng rực rỡ hơn”.

(Theo autismum.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI