LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021). Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.
Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn Bài 2: Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre... Bài 3: Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người Bài 4: Thời trang và điểm nhấn từ giá trị truyền thống Bài 5: Âm nhạc và những bước chân ra “biển lớn” |
Tự mình tìm lối
Nhớ lại giai đoạn tìm đường cho bộ truyện song ngữ Những chuyến phiêu lưu của Mèo Tita ra thế giới, tác giả Bùi Linh Giang (bút danh Búp Bê, Tử Dao) kể: “Hàng tháng trời, tôi phải tự làm rất nhiều việc như tìm kiếm những mối quan hệ, kết nối với các đại lý/các nhà xuất bản (NXB) nước ngoài đến tìm hiểu cách thức gửi hồ sơ... Sau đó viết tóm tắt tác phẩm, thậm chí viết luôn phần phân loại thị trường mục tiêu cho xuất bản phẩm. Hồ sơ đến các đại lý lẫn các NXB quốc tế đều bặt vô âm tín, chỉ có phản hồi duy nhất của NXB Olympia (Anh) đồng ý mua bản quyền”.
|
Một số tác phẩm được phát hành ra nước ngoài |
Những chuyến phiên lưu của Mèo Tita (5 tập, NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành) được NXB Olympia mua bản quyền và phát hành trên Amazon, bản giấy và bản ebook. Bộ truyện kể về hành trình lưu lạc của chú mèo mồ côi và nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của một bạn nhỏ. Sách truyền tải thông điệp tích cực, ý nghĩa về mối quan hệ gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Sau thành công của Mèo Tita, chị cho ra mắt bộ truyện song ngữ Susie và những câu chuyện ngọt ngào (gồm 4 tập). Đây tiếp tục là bộ sách tranh vừa chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống vừa kể câu chuyện hướng đến cộng đồng bạn đọc nhỏ tuổi khắp thế giới.
Artbook Hành trình đầu tiên (The First Journey) được 2 tác giả Phùng Nguyên Quang - Huỳnh Kim Liên gửi dự thi và được vinh danh tại giải thưởng Scholastic Picture Book Award (Singapore). Sách được xuất bản ở đảo quốc này trước khi được NXB Kim Đồng mua bản quyền, phát hành tại Việt Nam. Bộ tranh được vẽ theo cảm hứng từ những tác phẩm về vùng đất phương Nam của các nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… Tác phẩm kể với thế giới câu chuyện về miền Tây sông nước, với những bức họa công phu, ấn tượng về hình ảnh con trâu, cánh đồng, rừng tràm, đầm sen…
Hành trình đầu tiên còn được New York Times, The Wall Street Journal, Publishers Weekly viết bài khen tặng. Tác phẩm đã được bán bản quyền tại Singapore, Mỹ và Nhật Bản. Trong phiên bản Mỹ, NXB Penguin Random House còn dành riêng một trang để giới thiệu chi tiết về Mekong Delta (đồng bằng sông Cửu Long).
Sách tranh, đặc biệt là sách song ngữ, luôn có lợi thế trong việc tiếp cận với thị trường nước ngoài. Chị Vũ Yến - đại diện NXB Tổng hợp TPHCM - cho biết: “Bằng cách này, các đơn vị xuất bản quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận nội dung và mua bản quyền phát hành trực tiếp tác phẩm mà không cần phải chuyển ngữ. Chúng tôi mong muốn hướng đến sự giao lưu 2 chiều, không chỉ mình mua bản quyền sách ngoại mà còn từng bước tìm cơ hội đưa sách Việt ra thế giới”.
Trong nhiều dự án sách tranh của mình, chị Nguyễn Chiều Xuân - Giám đốc Lionbooks - cũng chọn in song ngữ, chấp nhận đầu tư thêm thời gian và kinh phí để chuẩn bị tiềm năng sẵn sàng “xuất ngoại”. Tất cả sách tranh của Lionbooks đều là những câu chuyện thuần Việt, khai thác bối cảnh, văn hóa khắp mọi miền đất nước. Trong hành trình kể câu chuyện Việt ra thế giới của đơn vị còn có sự bắt tay của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Điển hình là các cuốn sách tranh Đón tết về nhà, Đủng đỉnh trăng đi được Tiệm Mọt - chuỗi tiệm sách tiếng Việt ở nước ngoài - hợp tác, mua bản quyền, chuyển ngữ sang tiếng Đức, Anh, Pháp và phát hành khắp các châu lục.
Ngôn ngữ của tranh tác động trực tiếp vào thị giác, mỹ cảm người đọc và luôn có nhiều cơ hội hơn cho thể loại sách tranh trên hành trình ra thế giới. Phần lớn sách của NXB Kim Đồng được mua bản quyền và phát hành tại các nước là sách tranh. Câu chuyện văn hóa Việt cũng nhờ sự cộng hưởng của tranh mà bước đi với lộ trình khả quan, đầy hy vọng.
Hiện thực hóa giấc mộng “vươn tầm”
Hiền Trang (giải Ba, Văn học tuổi 20 lần 6 và giải khuyến khích Văn học tuổi 20 lần 7) là nhà văn trẻ đầu tiên của Việt Nam vinh dự có mặt trong chương trình lưu trú International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa, Mỹ. Đây là chương trình từng có sự tham gia của những tên tuổi lớn: Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), Mạc Ngôn, Dư Hoa, Vương An Úc, Lâu Diệp, Tàn Tuyết (Trung Quốc), Han Kang (Hàn Quốc)… Nhà văn Hiền Trang cho biết, cô từng không có ý định gửi hồ sơ tham dự vì có quá nhiều yêu cầu về hồ sơ và cần gửi trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khi đọc phần giới thiệu chương trình, sự xuất hiện của những tên tuổi lớn của thế giới đã hấp dẫn cô. Được hòa mình vào không khí văn chương quốc tế, lắng nghe người và trình hiện những góc nhìn, những quan điểm về văn chương, đối với Hiền Trang đó là một trải nghiệm thật sự ý nghĩa và khó quên. Dẫu chưa phải là xuất bản tác phẩm ra nước ngoài, câu chuyện của Hiền Trang cũng là cách giới thiệu một diện mạo, một tiếng nói của văn trẻ Việt đến với bạn bè quốc tế một cách đậm dấu ấn.
Nhà văn Lê Quang Trạng (sinh năm 1996, An Giang, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cũng vừa đại diện văn trẻ Việt Nam tham dự diễn đàn Văn học châu Á, tổ chức vào trung tuần tháng Chín tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Cây bút An Giang đã tự tin phát biểu trước diễn đàn, chủ đề Đô thị châu Á: Điểm đến của các nhà văn triển vọng: “Tôi cho rằng, không ai viết tốt về đô thị hơn là những người viết trẻ chúng tôi; bởi phần nhiều trong số chúng tôi đã bước ra khỏi chiến tranh và làng quê nông nghiệp để hội nhập cùng quá trình đô thị hóa. Chúng tôi có nhiều cơ hội để dấn thân, khám phá và thấu cảm thân phận con người dưới guồng quay đô thị hóa”.
|
Nhà văn Lê Quang Trạng (thứ hai từ trái sang) phát biểu ở diễn đàn Văn học châu Á tổ chức tại Hàn Quốc - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Một tiếng nói của đại diện văn trẻ cất lên trước bạn bè quốc tế về một vấn đề đương đại, như một cách giới thiệu đầy bản lĩnh về khả năng và nội lực của thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam. Nếu các nhà văn thế hệ trước ra thế giới với những tác phẩm viết về chiến tranh, nông thôn Việt thì người trẻ hôm nay đã tiếp bước, ghi dấu bằng những tác phẩm về cuộc sống ở nhiều chiều, với góc nhìn soi chiếu và sự phản biện của tiếng nói trẻ rất khác biệt, đậm dấu ấn thế hệ.
Nhắc đến những tác phẩm văn hóa Việt ra nước ngoài nổi bật trước nay, sẽ là: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần); các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng… cùng một số tác phẩm của các nhà văn khác thuộc thế hệ 7X-9X. Tuy vậy, bao năm qua, đó vẫn là những tác phẩm đơn lẻ, ra nước ngoài thông qua những mối quan hệ cá nhân hoặc kết nối từ phía các đơn vị xuất bản. Số lượng tác phẩm được chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài cho đến nay vẫn chưa đủ sức vẽ nên bức tranh “văn học Việt” trên bản đồ văn chương thế giới.
Những dịp tham gia hội chợ sách quốc tế của các nhà làm sách Việt lâu nay chủ yếu dừng lại ở việc kết nối quan hệ, tìm mua bản quyền tác phẩm các nước, rất hiếm khi có chiều ngược lại.
Theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks, Ủy viên Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn TPHCM - một trong những cái khó của việc xuất khẩu văn chương là chưa có được một quỹ dịch thuật. Mong muốn văn chương xuất ngoại, trước nhất cần phải cho thế giới biết, có cơ hội tiếp cận và hiểu được nội dung, giá trị mà các tác phẩm chuyển tải.
Hội Nhà văn TPHCM thành lập Hội đồng Văn học dịch cũng chính vì mong muốn làm được điều này, bằng nỗ lực tìm nguồn tài chính, tài trợ để có thể hiện thực hóa giấc mộng vươn tầm ra thế giới của văn học Việt.
Trong cuộc chuyển mình hội nhập, xuất khẩu văn chương nói riêng hay sách Việt nói chung là một trong những vấn đề cần được lưu tâm và mở lối. Con đường ra thế giới của sách Việt khởi đầu từ những bước đi đơn lẻ, thụ động, đến dần có sự cộng hưởng, chủ động hơn. Nếu như 10 năm trước, việc xuất khẩu văn chương Việt vẫn còn trong tâm thế “dò đường” thì bây giờ đã thấy được nhiều tín hiệu lạc quan. Một quỹ dịch thuật văn học cùng với sự đầu tư đúng mức của Nhà nước và các ban ngành liên quan là cách làm hiệu quả của một số quốc gia Đông Nam Á, cũng là điều các tác giả, các nhà làm sách, hội nghề nghiệp mong đợi ở thời điểm này.
Lục Diệp
Kỳ tới: Khơi mạch, nguồn văn hóa