Hành trình của ngôn ngữ

04/06/2022 - 08:03

PNO - Sức mạnh của ngôn ngữ là điều không ai có thể chối cãi. Nó có thể đánh tan một đạo quân, khiến kẻ thù nao núng hoặc đoàn kết cả một dân tộc, khiến người với người có thể thương yêu nhau hoặc căm thù nhau.

Ngôn ngữ là thứ duy nhất khiến con người trở nên khác biệt so với loài vật. Từ những nỗ lực biểu đạt ý bằng lời nói sớm nhất, ngôn ngữ giúp con người tư duy, phát triển trí não và lưu giữ những nền văn minh. Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 7.000 ngôn ngữ hiện diện. Dẫu không biết viết nhưng người ta có thể thuộc làu làu hàng trăm tác phẩm thơ ca. Vậy ngôn ngữ đã có tiến trình phát triển kỳ diệu như thế nào?

Daniel L. Everett - tác giả cuốn sách Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người đã đi tìm đáp án cho câu hỏi trên thông qua nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của ngôn ngữ. Everett lần theo bước chân của hàng chục ngàn thế hệ loài người, lần lượt bóc tách nhiều lý thuyết tồn tại từ lâu trong các lĩnh vực như sinh học, ngôn ngữ học nhằm chứng minh rằng ngôn ngữ không phải bản năng bẩm sinh của con người.

Trong cuốn sách này, Everett ghi lại lịch sử tiến hóa độc đáo, đa dạng của ngôn ngữ loài người. Đan xen giữa nhiều thông tin khoa học là những giai thoại tác giả thu thập được trong gần 40 năm nghiên cứu thực địa tại nhiều bộ lạc bản địa khu vực rừng Amazon. Cuốn sách mang đến những lời giải thuyết phục về những điều người đọc ngỡ đã biết và những khám phá mới mẻ, thú vị, bất ngờ.

Chẳng hạn, người hùng trong Lược sử ngôn ngữ… không phải là Homo sapiens như đa số lâu nay vẫn nghĩ mà là Homo erectus, loài người từng sống cách đây hơn 60.000 thế hệ. Homo erectus, theo cách hình dung của Everett về tổ tiên của loài người, là những “thợ săn vĩ đại nhất”, “nhân vật giao tiếp vĩ đại nhất”, “khách lữ hành gan dạ nhất” và cũng có thể là “vận động viên chạy cự li dài nhất trên trái đất”.

Dù có đến 7.000 ngôn ngữ nhưng tiếng Anh lại được xem là ngôn ngữ toàn cầu với hơn 1,5 tỷ người dùng hiện nay trong khi ban đầu, đây cũng chỉ là một phương ngữ đồng đẳng với nhiều phương ngữ khác. Trong cuốn Cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ Anh: Tiểu sử Anh ngữ từ năm 500 đến năm 2000, Melvyn Bragg giải đáp các câu hỏi xoay quanh lịch sử phát triển của tiếng Anh và cách ngôn ngữ này chinh phục cả thế giới. Đó là một hành trình vĩ đại và gian truân chẳng kém bất kỳ cuộc chinh phạt của chính trị gia nào.

“Cuốn sách này chu du qua thời gian và không gian từ Friesland thế kỷ V cho đến Singapore thế kỷ XXI, từ Wessex của vua Alfred đến miền Tây hoang dã của Buffalo Bill, từ những đồng bằng Ấn Độ tới các tu viện trên Đảo Thánh, từ Cung điện Westminster đến ngôn ngữ Gullah của tộc người da đen ở miền Nam xa xôi nước Mỹ. Dọc hành trình, từ nền móng xây đắp bằng tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Do Thái và tiếng Phạn, ngôn ngữ Anh còn được bồi đắp bởi tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Ả Rập, tiếng Hán và hàng chục ngôn ngữ khác.

Ngoài vốn từ vựng cơ bản của những kẻ xâm lược đầu tiên, hàng tháp ngôn từ và tư tưởng mới đã gia nhập ngôn ngữ Anh. Nó đã giải phóng cảm xúc và tư tưởng trên toàn hành tinh. Nó tiếp tục tái phát minh các biến thể tiếng Anh mới ở bất cứ nơi nào nó có mặt và chưa hề tỏ dấu hiệu giảm tốc” (trích lời giới thiệu sách).

Hai cuốn sách, hai góc nhìn riêng chung kết hợp, vừa mang đến sự khái quát về lịch sử ngôn ngữ, vừa có sự chi tiết với tiếng Anh - ngôn ngữ có sức ảnh hưởng trên toàn cầu - bằng phương pháp nghiên cứu chính xác, lập luận chặt chẽ, diễn đạt giản dị, góp phần củng cố thêm vai trò của ngôn ngữ trong xã hội loài người. Nó cũng đặt cho người đọc một câu hỏi mơ hồ nhưng đủ sức lay động: Sẽ như thế nào nếu loài người không còn ngôn ngữ? n

Minh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI