Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Báo chí TPHCM với sự có mặt của ông Phạm Quý Trọng - Phó vụ trưởng, Phó trưởng cơ quan thường trực khu vực phía Nam Ban Tuyên giáo Trung ương, giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và bà Trần Tố Nga, người vẫn bền bỉ đeo đuổi vụ kiện vì nạn nhân chất độc da cam hơn 1 thập kỷ qua.
30 giờ đồng hồ của một cuộc đấu tranh vì hòa bình
Có mặt tại sự kiện, ông Olivier Parriaux thay mặt người bạn của mình kể lại câu chuyện của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam, ngày 18/1/1969. Khi đó, Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục, Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý. Họ đều là những thanh niên trẻ hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do Mỹ và Pháp tiến hành trước đó, tại Việt Nam.
|
Ông Olivier (đứng giữa) kể chi tiết hành trình ông cùng người bạn Bernard của mình (ngồi) treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris |
Theo lời kể của ông Olivier Parriaux, ngay khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, 3 chàng trai người Lausane nhận ra rằng, việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris sẽ là sự kiện đáng để "ăn mừng", vì điều đó dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ quyết định lựa chọn một địa điểm có ý nghĩa với cả thế giới, đó là nhà thờ Đức Bà Paris.
Ông Olivier cho biết, quyết định đó xuất phát từ nhiều động cơ được hình thành bởi lương tâm chính trị của ông và 2 người bạn trong những năm 1960 - giai đoạn cao trào của cuộc đấu tranh. Một trong những động cơ quan trọng là ông muốn sự có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng trong tiến trình sắp tới của Hội nghị Paris.
Hành trình 30 giờ đồng hồ đó bắt đầu từ 6g sáng ngày 18/11/1969 tại Lausane, quê hương của các ông ở Thụy Sĩ với lá cờ 2 màu xanh đỏ có diện tích 17m2 đã được ông Bernard nhờ vợ may trong bí mật trước đó. Ông cũng cẩn thận chọn chất liệu may cờ là loại vải lụa mỏng và nhẹ để đảm bảo nó bay bổng trên đỉnh nhà thờ. 15g, họ có mặt ở Paris và theo các du khách leo lên tháp chuông của nhà thờ Đức Bà rồi leo qua các hàng rào của hành lang. “Việc leo qua hàng rào không khó khăn. Bernard quấn lá cờ quanh người, còn tôi thì giấu 1 lưỡi cưa sắt nhỏ trên lưng. Không có đèn, không có điện thoại cầm tay” - ông Olivier kể.
Họ đã rất khó khăn để leo lên đỉnh tháp cao 94m. Giữa Olivier và ông Bernard gắn với nhau 1 sợi dây và ông Olivier có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho bạn của mình nhưng ông hoàn toàn không đảm bảo điều ấy.
Nghe tiếng động lớn, người bạn thứ 3 đang ở dưới đất canh giữ nhìn lên thì thấy lá cờ tung bay trong ánh sáng ngập tràn của thủ đô Paris. Lúc đó là 2g sáng ngày 19/11/1969. 3 chàng trai trẻ leo lên xe và không quên tạt qua trụ sở nhật báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí về hành động của mình trước khi về Thụy Sĩ. Dù chỉ ở trên đỉnh nhà thờ vài tiếng đồng hồ ít ỏi, nhưng với ông Olivier, bấy nhiêu thời gian đủ để báo chí biết được hình ảnh này. 12g trưa, ông và những người bạn về đến quê nhà.
|
Hình ảnh lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay giữa bầu trời Paris ngày 19/11/1969 |
4g sáng, lực lượng cảnh sát gần đó thấy lá cờ phấp phới trên đỉnh nhà thờ, đã báo động và cảnh sát địa phương đến ngay tức khắc. Họ phát hiện những thanh sắt cầu thang không còn nữa. Thấy không leo lên được, cũng không muốn vượt qua nguy hiểm để leo lên đỉnh nhà thờ, cảnh sát đã gọi cho lính cứu hỏa.
Chúng tôi đang dấn thân vào một cuộc đấu tranh khác
Ông Olivier cũng chia sẻ những bất ngờ không thể tránh khỏi mà ông và bạn đã vượt qua. Đó là họ phải nhảy qua khoảng trống giữa 2 bức tường cao 36m so với mặt đất mà không có không gian để lấy đà cũng như đã ước tính sai kích thước của những bức tượng khiến việc leo trèo khó khăn hơn. Ngoài ra, khi xuống được bên dưới để về, ông đã “đụng mặt” cảnh sát và nghĩ chắc chắn sẽ bị bắt. Nhưng thấy bảng số xe của Thụy Sĩ, cảnh sát đã cười rất tươi và cho xe đi.
“Nỗi lo sợ bị té ở độ cao 36m và 94m lớn hơn so với những nỗi sợ khác. Ngoài ra, nếu cảnh sát bắt thì chúng tôi sẽ bị tù. Nhưng những nguy hiểm đó không làm cho chúng tôi chùn bước, bởi chúng tôi nghĩ đến cuộc chiến tranh của các bạn, nghĩ đến hàng trăm ngàn người đang chiến đấu và hy sinh” - ông Olivier nói về sức mạnh giúp ông và bạn vượt qua những khó khăn khi treo cờ trên đỉnh nhà thờ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng sẽ kể gì cho người thân khi trở lại quê nhà, ông cho biết sẽ kể lại cho bạn bè sự đón tiếp nồng hậu của người dân TPHCM mà ông không nghĩ mình xứng đáng nhận được. Ngoài ra, khi đến đây, ông và người bạn cũng nhận ra rằng, hậu quả chiến tranh chưa chấm dứt ở Việt Nam bởi ngay bây giờ, vẫn còn hàng tấn bom đạn chưa nổ cũng như sự tồn tại khủng khiếp của chất độc da cam đang tàn phá thiên nhiên lẫn con người Việt Nam.
|
2 người hùng của người dân Việt Nam cùng bà Trần Tố Nga chụp ảnh lưu niệm sau buổi giao lưu |
“Những gì chứng kiến tại Trung tâm nạn nhân chất độc da cam khiến chúng tôi phẫn nộ. Từ khi viết cuốn sách, chúng tôi đã quyết định dấn thân vào một cuộc đấu tranh khác. Tôi đã gặp bà Trần Tố Nga, người đã đấu tranh cho chất độc da cam - không phải cuộc đấu tranh chống lại nhà nước mà là đấu tranh chống lại các tập đoàn sản xuất hóa chất của Mỹ. Chúng tôi quyết định đồng hành với bà trong vụ kiện này với sự tự nguyện tham gia của các luật sư. Hiện nay, chúng tôi cũng kêu gọi nguồn lực ở Thụy Sĩ để chi trả cho các sự kiện pháp lý nhằm giúp các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Chúng tôi mong rằng sự kiện tạo ra tiền lệ cho việc thực hiện các vụ kiện khác sau này” - ông Olivier khẳng định
Thu Lê