Hành trình của "cô bé lọ lem" Hoàng Yến

13/04/2016 - 22:04

PNO - Vóc dáng mảnh mai, nụ cười duyên bẽn lẽn, nhưng Trần Hoàng Yến là cái tên gây nhiều chú ý với khán giả yêu múa...

Hanh trinh cua
Trần Hoàng Yến

Vóc dáng mảnh mai, nụ cười duyên bẽn lẽn, nhưng Trần Hoàng Yến là cái tên gây nhiều chú ý với khán giả yêu múa qua những vai chính trong các vở diễn lớn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO): Cô bé Lọ Lem, Kẹp hạt dẻ, Cô bé búp bê (ballet), Đánh mất và tìm lại, Cây nỏ thần, Vọng phu biển (đương đại), cùng những vở diễn cách mạng như Còn mãi bản hùng ca, Người giữ cồn… Biên đạo Nguyễn Phúc Hùng nhận xét: “Nếu nói về ngoại hình, Yến không phải là người có lợi thế cho môn ballet. Cổ ngắn, chân cong, vai xuôi, phải nói là… xấu! Thế nhưng kỹ thuật và biểu cảm trên sân khấu của Yến làm khán giả quên mất những điều ấy.

* Vai chính nặng ký như Cinderella là bước ngoặt lớn đối với chị ?

- Khi Cô bé Lọ Lem lần đầu công diễn tại Liên hoan Giai điệu mùa thu 2013, tôi được phân vai bà tiên đỡ đầu, người giúp cho các ước mơ của Lọ Lem thành hiện thực. Đến lần vở tái diễn (10/2013), tôi mới được giữ vai chính (vì Minh Tú bận thi Thử thách cùng bước nhảy - PV). Lọ Lem là vai để lại cho tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc, đó có thể coi là vai chính đầu tiên của tôi, dù chỉ tập lại vai chính của người khác. Vở này tôi múa xuyên suốt từ đầu đến cuối, ba màn. Khi diễn xong màn thứ ba, tôi chỉ muốn khóc vì mình đã hoàn thành được vai. Đến lúc đó tôi vẫn chưa chắc sự thể hiện của mình có thật sự tốt, mà chỉ biết rằng mình đã cố gắng hết sức và vượt qua được nỗi lo lắng, sợ hãi.

* Không được biên đạo người Na Uy Johanne Jakhelln Constant trực tiếp hướng dẫn tập luyện hẳn gây cho chị nhiều khó khăn?

- Đa phần khi đóng chính trong các vở ballet, tôi không được tập từ đầu mà phải tập từ clip lưu trữ nên gặp khá nhiều khó khăn. Không được trực tiếp tập với biên đạo thì chủ yếu làm theo cảm giác của mình, luôn sợ mình làm không được đúng và không được tốt. Đầu tiên là tập khung bắt buộc, sau đó phụ trách chuyên môn sẽ chỉnh về kỹ thuật cho mình, còn về biểu diễn thì tự làm theo cảm xúc.

Khi nhận vai cô bé Lọ Lem, tôi phải nhiều lần gọi cho diễn viên (DV) Minh Tú, để hỏi kỹ về những điều biên đạo đã chỉ dẫn cho Tú, nắm những yêu cầu quan trọng về nội dung, vì mỗi vai diễn đều có những chỉ dẫn riêng do biên đạo trực tiếp truyền đạt. Thêm một điều nữa là coi clip rất dễ bị ảnh hưởng những người trước đó, vì thế tôi phải nỗ lực sao cho mình khác đi, vẫn giữ nội dung, cảm xúc nhưng thể hiện theo cách của mình. Trong lần trở lại này, với nhiều thay đổi về DV, đoàn Vũ kịch đã tổ chức tập luyện miệt mài hàng tháng trời để vở diễn có chất lượng tốt nhất và mỗi DV đều tìm thấy cho mình những cảm xúc mới.

Hanh trinh cua

* Diễn đôi với bạn diễn múa giỏi và nhiều kinh nghiệm như anh Đàm Đức Nhuận (vai hoàng tử), chị thấy là thuận lợi hay áp lực?

- Ngoài diễn chung trong Cô bé Lọ Lem, tôi và anh Nhuận đã làm việc chung rất nhiều. Kỹ thuật của anh rất tốt nên khi múa đôi với anh, tôi có cảm giác rất yên tâm. Khi làm việc chung, tôi và anh Nhuận hiểu ý nhau rất nhanh và trình diễn ăn ý.

* “Gia tài” vai diễn của chị đến nay có thể coi là dày dặn nhất trong các nữ DV cùng thế hệ tại HBSO. Chị có nghĩ mình được ưu ái?

- Tôi vào nhà hát từ năm 2009, thời gian đầu tôi vào nhà hát không có nhiều vở diễn, đất diễn như bây giờ nên nhiều khi cũng nản lòng. Những năm gần đây, tôi thấy DV múa có điều kiện thuận lợi và nhiều cơ hội hơn so với các anh chị đi trước. May mắn là mọi người trong đoàn đều động viên mình nỗ lực hết sức cho những vai diễn. Vào nhà hát được khoảng ba năm, tôi quyết định nỗ lực để thay đổi. Từ đó có nhiều cơ hội được mở ra. DV múa mà được diễn chính thì thích lắm, “sướng” lắm, chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể, chứ không còn thời gian vẩn vơ xem tại sao mình lại nhận được vai đó.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI