Hành trình chiến thắng ung thư: Động lực là khi nhìn thấy những giọt nước mắt của cha

25/09/2022 - 16:23

PNO - Dù nghĩ rằng đã mắc ung thư là sẽ chết nhưng cô bé A.H. dặn lòng mình phải vui vẻ, lạc quan vì chứng kiến giọt nước mắt của cha.

 

Một chiến binh chiến thắng ung thư lan tỏa niềm tin, món quà hy vọng cho bệnh nhi
Một "chiến binh" chiến thắng ung thư lan tỏa niềm tin, món quà hy vọng cho bệnh nhi

"60% thành quả từ tinh thần và ăn uống”

Năm lên 8 tuổi, N.T.H.Y. (Đà Nẵng) bỗng dưng sốt liên miên nhưng không rõ nguyên nhân. Rồi bất ngờ, tại một bệnh viện ở Quảng Bình, cô bé được phát hiện mắc ung thư máu trong sự bàng hoàng của cả gia đình. Không tin vào kết quả này, Y. được đưa ra Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng mọi hy vọng của bố mẹ em khi đó đều bị dập tắt. Khi ấy, nói đến ung thư, với nhiều người như bố mẹ Y., không khác gì một chiếc án tử đã được định sẵn.

13 năm sau, cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong chương trình Con thuyền ước mơ - Hưởng ứng tháng nhận thức về ung thư trẻ em, Y. xuất hiện. Cô bé mắc ung thư ngày nào giờ đã là sinh viên 21 tuổi tại một trường đại học tại Đà Nẵng, hoàn toàn khỏe mạnh và nụ cười luôn rạng rỡ, thường trực trên môi. “3 năm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, dùng hóa chất xạ trị và vô số lần tái khám, tới năm lớp 8, em đã được dừng thuốc và giành chiến thắng trong hành trình chiến đấu của mình”, Y. hạnh phúc chia sẻ.

Kể lại hành trình của mình, theo Y., trong suốt 3 năm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, em may mắn khi luôn được bố mẹ an ủi, kề bên. Thương con gái nhỏ ốm yếu, sợ đồ mua sẵn không đảm bảo dinh dưỡng, bố mẹ Y. đã tìm mọi cách thuê được nồi niêu, xoong chảo và bếp nấu để chế biến thực phẩm cho em mỗi ngày.

“Mọi người vẫn nói rằng, để chiến thắng ung thư, 60% là do tinh thần và ăn uống, 40% còn lại là thuốc. Em may mắn đã có những điều này và hy vọng tất cả các bệnh nhân ung thư giống như em luôn giữ được sự tích cực và tinh thần lạc quan”, Y. nhắn nhủ. Cô cũng cho rằng, sách chính là một người bạn đồng hành đã mang lại cho cô không chỉ kiến thức mà còn niềm tin, yêu đời để chiến đấu lại bệnh tật.

Phát hiện mắc ung thư máu khi mới gần 3 tuổi, N.H.Q. (Đà Nẵng) còn quá nhỏ để nhận thức được những gì đã xảy ra, còn với chị T.T.P. - mẹ của bé, tưởng chừng như cả thế giới đã sụp đổ. Q. là em út trong gia đình có 4 chị em. Khi con phát hiện trọng bệnh, cả nhà cậu bé mới chuyển từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng lập nghiệp, phải đi thuê nhà. Suốt 3 năm Q. điều trị, vợ chồng chị P. thay phiên nhau túc trực bên con.

“Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng khi đó, tôi được các bác sĩ tư vấn có thể điều trị thành công nên từ chỗ bi quan, tôi luôn tin tưởng rằng, con trai mình nhất định có thể khỏi bệnh. Chưa bao giờ tôi từ bỏ, chưa bao giờ hoài nghi về quyết định điều trị cho con của mình”, chị P. vừa nghẹn ngào, vừa nắm chặt lấy tay cậu con trai đang đứng cạnh bên, khi này, đã trở thành cậu học sinh đầu cấp THPT. 

Chị P. chia sẻ, chưa bao giờ chị có ý nghĩ bỏ cuộc và luôn tin con mình có thể đánh bại căn bệnh ung thư máu
Chị P. chia sẻ, chưa bao giờ chị có ý nghĩ bỏ cuộc và luôn tin con mình có thể đánh bại căn bệnh ung thư máu

Cũng giống như Y., N.H.Q. hiện hoàn toàn khỏe mạnh. Khi còn nhỏ chưa hiểu chuyện nhưng lớn lên, được mọi người kể lại, Q. bảo mới thấy càng thương bố mẹ nhiều hơn. Chị gái cả của Q., khi biết em bị bệnh, ngay lập tức đã lên kế hoạch sinh em bé và lưu trữ máu cuống rốn với hy vọng giúp em điều trị. Sau này, khi Q. không phải dùng đến, chị đã tặng lại cho ngân hàng máu cuống rốn, bởi biết đâu, sẽ có em bé cần dùng đến.

Cha mẹ của trẻ bị ung thư rất cần được... chữa lành

Không giấu được hạnh phúc khi có mặt trong chương trình Con thuyền ước mơ, A.H. - cô sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Thủy lợi hồi tháng 8, ríu rít khi gặp lại những người thân quen: “Đã rất lâu rồi, chúng em mới được gặp lại nhau. Lần này, dù chưa đầy đủ nhưng cũng có khoảng 10 gia đình bệnh nhân, họ đều là những người bạn, là bố mẹ của bọn em trong suốt thời gian điều trị ở đây”.

A.H. phát hiện mắc ung thư máu năm học lớp sáu, ở cái tuổi đã xem phim Hàn Quốc và luôn suy nghĩ rằng, mắc ung thư là sẽ chết.

H. nhớ như in ngày bố nhận kết quả và đưa mình vào khoa. “Khi ấy, nhìn thấy những người bạn xung quanh đều trọc lóc, rồi vô tình qua ô cửa sổ, thấy bố liên tục lấy tay áo lau nước mắt, em đã biết... có chuyện chẳng lành”, H. kể lại. Tuy nhiên, 3 năm điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với H. không phải một bức tranh xám màu, thậm chí đây là quãng thời gian mà tới giờ giúp cô cảm thấy biết ơn cuộc đời này nhiều hơn. 

H. cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Và cả sự suy sụp, những giọt nước mắt như chứa sự tội lỗi của họ. “Bố mẹ em giống như nhiều phụ huynh khác, họ luôn dằn vặt, tại sao điều không may mắn đó lại rơi vào con mình, tại sao không để mình gánh chịu”, đó cũng chính là lý do, cô luôn tự dặn mình phải mạnh mẽ, phải vui vẻ, không thể yếu đuối để tạo thêm gánh nặng tâm lý cho gia đình.

Một trong những điều cũng truyền động lực cho H., đó chính là tình yêu thương mà cô cảm nhận được trong quá trình trị bệnh, từ các y bác sĩ, tới các bệnh nhân, phụ huynh... Họ xem nhau như một gia đình lớn. “Ngày hôm qua, chúng em cùng các bố mẹ quay trở lại thăm xóm trọ đã từng ở, cùng bác chủ nhà uống trà đá, ôn chuyện tới tận đêm khuya”, H. hào hứng.

Trong câu chuyện đầy màu sắc lạc quan mà A.H. mang lại cho chúng tôi, cô gái trẻ không quên nhắn nhủ mọi người, đừng chỉ quá tập trung vào những bệnh nhi mắc ung thư, mà hãy quan tâm cả tới những người bố, người mẹ có con bị bệnh:

“Chúng em đôi khi còn quá nhỏ để hiểu được những gì xảy ra, thậm chí là cái chết. Nhưng cha mẹ, họ thực sự mới là những người cần được chữa lành. Em mong rằng, mọi người sẽ truyền thêm cho họ động lực, cho họ thêm kiến thức về bệnh ung thư. Không phải mắc ung thư là hết, mà còn rất nhiều cơ hội, để từ đó có sức mạnh đồng hành cùng con”.

TS Bùi Ngọc Lan chia sẻ đã không còn nhận ra nhiều bệnh nhi năm nào vì giờ các em đã quá lớn và đạt được những giấc mơ của mình
TS Bùi Ngọc Lan chia sẻ đã không còn nhận ra nhiều bệnh nhi năm nào vì "các em lớn quá nhanh"

Phát biểu trong chương trình gặp Con thuyền ước mơ - nơi gặp gỡ những “chiến binh” đã chiến thắng bệnh tật, TS. Bùi Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm Ung thư (Bệnh viện Nhi Trung ương) - xúc động chia sẻ, bà đã không còn nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc mà chỉ nhớ được bố mẹ các cháu. Lý do là các cháu đã lớn quá nhanh.

Nhiều em bé "ốm o" ngày nào giờ đã cao lớn, trở thành sinh viên, du học sinh hay đã tốt nghiệp ra trường và đạt được ước mơ, hoài bão của mình. “Chúng tôi hy vọng, sự hiện diện của những "chiến binh" này sẽ đem lại món quà hy vọng cho các trẻ em ung thư”, TS. Lan nói.

Theo TS. Bùi Ngọc Lan, mỗi năm trên thế giới có khoảng 280.000 trẻ dưới 19 tuổi được chẩn đoán ung thư mới. Tại các nước phát triển, trên 80% trẻ ung thư được chữa khỏi, trong khi đó, tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ chữa khỏi chỉ đạt 20%.

Tháng nâng cao nhận thức về ung thư ở trẻ em được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới với hy vọng chia sẻ những câu chuyện mà trẻ và gia đình trẻ phải đối mặt, thúc đẩy những nỗ lực không ngừng để tìm ra phương pháp điều trị mới, tăng cường sự hỗ trợ, tài trợ cho các trẻ em ung thư. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI