|
Video clip: Lắng nghe giọng hát của chị Lê Thị Hồng Năm |
Chuyện tình của hai mảnh ghép bất hạnh
Giữa dòng người tấp nập nơi phố thị, hình ảnh cặp vợ chồng người bị mù nắm chặt tay nhau đi bán hàng rong mưu sinh khắp các tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) không kể nắng, mưa khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xúc động lẫn sự nể phục. Thế nhưng, mấy ai biết được đằng sau cái nắm tay không rời ấy là cả một chặng đường đầy sóng gió, lẫn nước mắt của hai số phận kém may mắn. Đó chính là câu chuyện của anh Tống Hoàng Trung Hiếu (SN 1980, trú tại Buôn Ma Thuộc) và chị Lê Thị Hồng Năm (SN 1977, quê Thanh Hóa)
Trong căn phòng trọ nhỏ bé, chị Năm không ngần ngại nắm lấy tay anh Hiếu rồi kể cho chúng tôi nghe về mối nhân duyên với người chồng cùng cảnh ngộ của mình. Chị kể: “Tôi là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa). Thế nhưng, chỉ sau hai ngày sau khi sinh, mẹ phát hiện con mắt trái của tôi nhắm nghiền. Nửa tháng sau đó, con mắt còn lại cũng không thể mở ra để quan sát, nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. Lúc đó, mẹ vội đưa tôi đến bác sĩ thăm khám thì mới hay biết, do sinh thiếu tháng nên cả hai con mắt của tôi đều đã bị mù và không có cách nào để chữa trị”.
Dù vậy, gia đình vẫn không ngừng hy vọng, đưa chị Năm đi điều trị khắp nơi với mong muốn tìm lại ánh sáng cho cuộc đời của con gái mình. Thế nhưng, cho đến năm chị 18 tuổi, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, bố mẹ đành bất lực từ bỏ việc chữa trị, tìm lại đôi mắt sáng cho con. Cho đến năm 2001, sau khi mẹ qua đời, chị Năm phải nén nỗi đau thương để lặn lội đi bán tăm kiến tiền về nuôi bố.
|
Tình yêu thương đã giúp cho anh chị vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại. |
“Từ bé, mọi sinh hoạt của tôi hầu như đều do mẹ lo liệu. Vì thế, khi mẹ đột ngột qua đời, tôi suy sụp, tưởng mình không thể gượng dậy được. Tuy nhiên, nghĩ đến bố, tôi đã không cho phép mình bỏ cuộc mà cố gắng vượt qua khó khăn. Với niềm đam mê được đi hát nên tôi quyết định đi theo 1 đoàn ở Hà Nội đi hát để bán hàng rong mưu sinh với mức lương từ 300-400.000 đồng/tháng. Thế nhưng, sau nhiều tháng lao động vất vả, tôi trở về với hai bàn tay trắng vì không được trả đồng lương nào” – chị Năm tâm sự.
Ít năm sau, sau khi bố mất, vì không muốn trở thành gánh nặng cho các anh, chị của mình nên chị Năm quyết tâm bước ra đời đi làm kiếm tiền tự lo cho bản thân. Trong một lần tình cờ, người bạn thân của chị ở Đắk Lắk mượn điện thoại của anh Hiếu gọi cho chị Năm. Biết được anh Hiếu là người có cùng cảnh ngộ, chị Năm ngỏ ý nhờ người bạn thân của mình làm mai cho anh chị với hy vọng có thêm một người bạn. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh Hiếu và chị Năm đã đem lòng yêu thương nhau dù chưa một lần gặp gỡ, gần gũi nhau. Tuy nhiên, khi tình yêu của anh chị chưa kịp hé nở thì bị bạn bè, người thân hai bên gia đình ngăn cản, phản đối kịch liệt. Mọi người lo ngại, liệu hai con người mù lòa lấy nhau về thì làm gì để sống và làm thế nào để vượt qua những khó khăn, cản trở trong cuộc sống.
Với bản tính không ngại khó, khổ và không ngừng vươn lên trong cuộc sống, chị Năm và anh Hiếu đã quyết tâm cùng vượt qua mọi rào cản, sự ngăn cấm để nuôi dưỡng tình yêu của mình. Cho đến ngày 18/9/2009 (âm lịch), được sự ủng hộ của bạn bè, anh Hiếu và chị Năm đã có một đám cưới đạm bạc không người thân, không tiệc tùng, ngoài đôi nhẫn cưới chứng minh cho tình cảm của anh chị.
Mơ ước một lần được đi thi hát
|
Chị Năm dọn dẹp phòng trọ sau một ngày đi bán rong trở về. |
Sau khi nên duyên vợ chồng, anh Hiếu và chị Năm đã đi đến nhiều nơi để kiếm kế mưu sinh bằng việc hát dạo, bán hàng rong. Thế nhưng, cuộc sống diễn ra không mấy dễ dàng. Nói đến đây, anh Hiếu cho hay: “Thời gian đầu đi bán, mỗi ngày hai vợ chồng chỉ kiếm được 100-200.000 đồng nên không đủ chi phí phục vụ sinh hoạt và trả tiền trọ. Do đó, mỗi bữa hai vợ chồng phải ăn chung một tô mì để tiết kiệm chi tiêu. Đáng nói, vào giữa năm 2017, sau khi chuyển về Đắk Lắk để mưu sinh chưa được một tháng thì tôi bị té từ trên gác trọ xuống dẫn đến gãy chân. Một thời gian dài sau đó, mọi gánh nặng kinh tế đều đè lên vai vợ. Khó khăn là vậy nhưng tình yêu đã trở thành động lực giúp chúng tôi từng bước vượt qua mọi khó khăn và luôn cảm thấy rất hạnh phúc”.
Không chỉ ngưỡng mộ trước tình yêu bất diệt của vợ chồng anh Hiếu, nhiều người dân trong xóm trọ còn ngạc nhiên bởi chưa từng nghe tiếng to, tiếng nhỏ, hay cãi vã của đôi vợ chồng tật nguyền này. Theo đó, sau khi kết thúc một ngày bán hàng rong vất vả ngoài đường, vợ chồng anh Hiếu lại dắt tay nhau trở về phòng trọ và san sẻ công việc nhà cùng nhau. Trong căn phòng trọ nhỏ bé, chật hẹp, trong lúc chị Năm lọ mọ chuẩn bị bữa cơm thì anh Hiếu phụ giúp vợ lau dọn phòng, gấp chăn mền. Cứ thế, sau gần 10 năm sống chung, dù cho cuộc sống có đối diện với nhiều trở ngại, vất vả nhưng căn phòng nhỏ của anh chị vẫn luôn đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương.
Khi được hỏi về việc sinh con, chị Năm lặng đi rồi nói: “Dù tật nguyền nhưng là một phụ nữ, tôi cũng khao khát được thực hiện thiên chức làm mẹ, muốn có một đứa con bi bô gọi ba mẹ mỗi ngày. Thế nhưng, với hoàn cảnh như hiện nay, vợ chồng tôi không dám nghĩ đến việc sinh con. Bởi không chỉ sợ con cái sinh ra bất hạnh như mình mà chúng tôi còn lo không lo được cho con có một cuộc sống sung túc, đầy đủ như bao đứa trẻ khác”.
Vừa dứt lời, chị Năm bất ngờ cất tiếng, hát lên ca khúc Vu Lan nhớ mẹ như một lời tri ân, tưởng nhớ đến người mẹ quá cố của mình. Hơn thế, chị chia sẻ: “Với sở thích ca hát từ nhỏ, tôi luôn mơ ước một lần được tham gia thi hát để thỏa mãn đam mê của mình. Thế nhưng, với một người tật nguyền, mù lòa như tôi thì ước mơ có lẽ cũng chỉ là ước mơ…”.
Văn Nguyên