Khắp con phố Tựu Liệt (Thanh Trì) không ai không biết vợ chồng anh Tú, chị Phương vì kỳ tích nuôi 2 bé sinh non 7 tháng sống sót. Nay hai bé Quế An và Quế Chi vừa qua sinh nhật hai tuổi, khỏe mạnh, phát triển bình thường. Đó là niềm hạnh phúc nhất đối với vợ chồng anh Tú, chị Phương.
|
Hai bé Quế An, Quế Chi vừa qua sinh nhật 2 tuổi. |
Đôi vợ chồng kết hôn đầu năm 2013, chị Phương ở nhà buôn bán, còn anh Tú mở một công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cuối năm đó, họ chào đón con gái đầu lòng. Lúc con mới được 9 tháng, chị Phương lại lỡ mang thai. Anh chị lo lắng hơn khi biết đây mang thai đôi. Tuy nhiên, họ không thể lường trước được nuôi cặp sinh đôi này gian nan nhường vậy.
Chị Phương chia sẻ, suốt thời gian mang bầu, chị vừa bán hàng, vừa chăm. Chị đi siêu âm đều đặn, hai thai nhi phát triển đều và chị không hề được cảnh báo về việc sinh non. Sáng sớm ngày 21/10/2014, khi cái thai được 27 tuần thì chị Phương thấy bụng đau lâm râm. Lúc đang đánh răng thì những cơ xuất hiện. Từ kinh nghiệm sinh nở lần trước, chị biết mình sắp đẻ.
"Tôi chạy vào phòng gọi chồng ‘Anh ơi, em muốn đẻ rồi’, nhưng chồng tôi không tin. Gọi vài lần, anh ấy mới cựa mình nói: "Em đừng đùa. Mới 7 tháng chứ mấy’”, chị Phương kể.
Thấy vợ nhăn nhó vì đau, mắt anh Tú dần biến sắc. Đến lúc nhận thức được vấn đề, anh cuống cuồng chạy xuống nhà đón taxi. “Họ sợ bà đẻ, không ai chịu chở. Đón cả 15 phút mà không được. Cuối cùng mới bắt được chiếc taxi. Mẹ tôi với vợ đi trước. Tôi cho con gái đến trường rồi dọn đồ theo sau”, anh Tú kể, giọng hối hả.
|
Sinh non ở tuần tuổi thứ 27, 2 bé An-Chi có lúc ngủ quên thở. |
Giờ nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Phương vẫn không khỏi rùng mình. Ngồi trên xe, đến bệnh viện gần nhà nhất là Việt Nhật, chị Phương cảm tưởng mình đẻ rơi ra đến nơi. “Tôi vỡ ối trên xe. Cảm giác mót đẻ vô cùng khó chịu nhưng tôi phải kìm lại, một tay giữ ghế vì đau, còn một tay giữ phía dưới, chỉ sợ con rớt ra xe”.
Chiếc xe chạy đến viện hơn 7h. Cáng cấp cứu đã chờ sẵn. Bác sĩ cùng nhân viên y tế chạy đến thì thấy đầu em bé đã thò ra ngoài. “Lúc đó bác sĩ bảo tôi: ‘Đã đẻ rồi thì rặn tiếp đi’. Tôi yếu ớt nói: “Em sinh đôi”. Biết tình thế nguy hiểm, ai nấy đều giật mình rồi tức tốc đưa tôi đến phòng cấp cứu”, chị Phương nhớ lại, cảm tưởng như mới xảy ra hôm qua. Khi các bác sĩ mổ, chị cắn răng chịu đau vì thuốc tê chưa kịp ngấm.
Hai con ra đời, chị Phương cũng mệt thiếp đi. Bé chị tên Quế An, nặng 900 gr, bé em tên Quế Chi, nặng 1,1 kg, bé chị yếu hơn do bị ngạt thở. Cả hai bé phải chăm sóc trong lồng kính. Chị Phương tỉnh lại vào buổi chiều hôm đó và được chồng đưa đến phòng gặp con. Nhìn cảnh hai con bé như bắp ngô, trên người chằng chịt các loại dây dợ, chị Phương đau đớn và tự trách mình. Các bác sĩ đều tiên lượng khả năng sống sót của hai bé vô cùng thấp. Lúc đó, họ chỉ biết cầu trời cứu giúp.
|
Quế An - Quế Chi lúc nhỏ. |
Trong hơn 2 tháng tiếp theo các bé nằm lồng kính, mỗi ngày chị Phương vắt sữa mang đến bệnh viện cho con, còn việc chăm sóc hoàn toàn phải nhờ bác sĩ. Đến dịp Noel năm đó, vợ chồng chị Phương vui mừng khi nhận được điện thoại từ bệnh viện thông báo tình trạng hai bé khá hơn. Từ nay, vợ chồng chị sẽ phải thuê một phòng bệnh để túc trực để bé nào khỏe hơn sẽ được ra nằm cùng mẹ.
"Quế An được cho ra với mẹ trước. Ngay hôm đầu khi tôi đang nằm cạnh, mới quay đi quay lại đã thấy con tím ngắt, không thở, phải gọi bác sĩ gấp", chị Phương run run nhớ lại. Sau lần đó vợ chồng chị mới biết, các bé sinh non sẽ có những lúc "quên thở", nếu không phát hiện kịp thời đồng nghĩa sẽ bé sẽ chết.
Trước cửa ải khó khăn này, anh Tú, tuy là giám đốc nhưng đã bàn giao toàn bộ công việc cho nhờ bạn quản lý để nghỉ ở nhà để chăm con. Vợ chồng anh chị thay phiên nhau, ban ngày vợ thức, ban đêm đến lượt chồng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con. Chị Phương kể, một câu chuyện giờ nhớ lại không biết nên vui hay nên buồn: “Chập tối hôm ấy chồng đang thiu thiu ngủ thì tôi gọi lấy nhờ cái bỉm. Anh ấy bật dậy và theo phản xạ tự nhiên cầm ngay cái máy thở áp lên mặt con. Cả phòng bệnh ai nấy cười ồ lên”.
|
Chị Phương và con gái. |
Lần con quên thở đến tím tái lần trước đã ăn sâu trong tiềm thức anh Tú, chị Phương đến mức không lúc nào chợp mắt họ không nghĩ đến. Chỉ trong hơn một tháng ở viện chăm con, anh Tú, từ 65 kg đã sụp xuống hơn 50kg. Chị Phương thì gầy nhom như que củi.
Sau 93 ngày ở viện, hai bé được đưa về nhà. Việc chăm sóc các con gian nan hơn do không có ai giúp đỡ, trong khi họ vừa chăm hai bé sinh đôi, lại thêm cả bé gái đầu mới 19 tháng. Anh Tú lại sắp xếp nghỉ việc thêm vài tháng nữa cùng vợ chăm con.
Sau nhiều tình huống nguy hiểm, ông bố này vững tâm lý hơn, chăm con khéo như bác sĩ. Anh cho hay: “Trong mấy tháng đầu về nhà, các con ăn tốt. Có điều ăn không biết kìm nên rất dễ bị sặc, dễ ngạt, mặt mũi tím tái rồi không thở được. Nhiều lần các con cứ thế mút bình mà quên mất việc thở. Lúc đó, vợ chồng tôi phải búng chân, búng tay, làm sao cho con khóc thì sẽ thở được".
May mắn trong khoảng 9 tháng đầu các bé ít ốm, ăn giỏi, lên cân đều. Sau giai đoạn đó, sức đề kháng kém nên các dễ bị bệnh, bị rất nhanh và nặng. Một bé bị thì bé còn lại cũng bị theo. Trước lúc hai tuổi, có những lần chị Phương, anh Tú phải chăm con ở viện cả tháng.
|
3 cô con gái của anh Tú, chị Phương. |
Về các mốc phát triển, hai bé biết lẫy, biết bò hay biết đi không hề kém thua kém các bạn. Chỉ có điều, nói lại chậm biết hơn. Theo chị Phương, trong hai con, bé chị nhận biết kém hơn bé em, bù lại bé chịu ăn hơn. Về mốc tập nói, bé chị cũng nói giỏi hơn em.
“Các con chậm nói, nhưng khi biết lại nói liền hai ba từ luôn. Như Thóc (bé chị) biết gọi đầu tiên tiếng ‘cô cô’, sau đó nói ‘cốm ơi, gạo ơi’… Hiện tại, hai con vẫn chưa nói tốt. Vợ chồng mình phải nhờ giáo viên can thiệp thêm”, chị Phương cho hay.
Vượt qua những khó khăn trên, đến thời điểm này các bác sĩ đều nhận định hai bé sống được là một kỳ tích. Điều đáng nói là những tiên lượng xấu trước kia về các vấn đề của trẻ sinh non như tim không đóng, phổi, chức năng tai, mũi, mắt... đến nay đều bình thường. Chỉ duy có bé chị Quế An bị một chút vấn đề về mắt.
Đến thời điểm này, vợ chồng chị Phương đã có thể tạm thở phào. “Hai năm qua là khoảng thời gian khó nhọc kinh hoàng đối với chúng tôi. Đến một giấc ngủ sâu cũng không có, bởi cứ nằm xuống là chập chờn hình ảnh con tím tái, không thở. May thay đến nay các con đều đã ổn. Nhìn lại chặng đường vừa qua, chúng tôi càng tâm niệm hơn một điều: Chỉ cần con khỏe mạnh thì vất vả đến mấy, vợ chồng tôi cũng sẽ theo được đến cùng”, người mẹ trẻ có 3 con bộc bạch.
Nhật Hà