Gieo những hạt giống tốt
Nằm trên lầu 3 của căn nhà cũ (11A Hòa Hưng, phường 12, quận 10, TPHCM), Nhà nhiều Lá (tạm gọi là Nhà) là điểm hẹn thân quen của không ít bạn trẻ yêu thích các hoạt động môi trường tại TPHCM. Nhiều năm qua, Nhà liên tục tổ chức các sự kiện đổi quần áo cũ, pin cũ, sách cũ… để lấy những mầm xanh.
|
Hoạt động “Đổi sách lấy sen” của Nhà nhiều Lá được nhiều bạn trẻ ủng hộ - Nguồn ảnh: Fanpage Nhà nhiều Lá |
Mới nhất, vào 2 ngày cuối cùng của năm 2023, Nhà mở hoạt động “Đổi quần áo cũ lấy cây”. Sau hàng trăm phiên trao đổi, gần 7 tấn quần áo được “nhập kho”, hơn 2.800 mầm sen đá đã được về nhà cùng chủ mới. Con số này khá “khủng” nhưng theo Mỹ Anh (24 tuổi) - quản lý Nhà nhiều Lá tại TPHCM, các thành viên của Nhà dường như đã quen với khối lượng đồ cũ Nhà sẽ nhận được sau mỗi đợt mở hoạt động.
“Nhà được cộng đồng biết đến, tham gia tích cực vào hoạt động “Đổi quần áo cũ lấy cây”, một phần nhờ gần đây, mọi người quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Phần khác, vào những ngày cuối năm, đa số mọi người đều muốn dọn dẹp tủ đồ, xem như một cách để dọn những điều cũ kỹ đã qua, sẵn sàng chào đón năm mới nên hoạt động được ủng hộ rất nhiệt tình. Tuy nhiên, trong “lịch sử” các hoạt động của Nhà, sự kiện đổi pin lấy cây vào tháng 4/2021 mang đến nhiều bất ngờ nhất” - Mỹ Anh chia sẻ.
Nhà nhiều Lá được thành lập vào đầu năm 2021 với mong muốn tạo được không gian đọc sách, trao đổi về thơ ca với người yêu văn học tại TPHCM. Anh Hoàng Quý Bình - chủ của dự án - cùng nhiều bạn trẻ khi ấy gầy dựng tủ sách để mở thư viện miễn phí. Mọi người đến mượn trực tiếp hoặc mượn qua kênh online đều được, chỉ cần họ đặt cọc “niềm tin”. Đọc sách đến đúng hạn thì trả, nếu quên trả thì chỉ cần đóng 1.000 đồng/ngày phát sinh. Sau vài tháng, Nhà được nhiều người biết đến nhưng từ chính những nhân sự chủ chốt của nhóm, các thành viên đều muốn Nhà làm được nhiều việc, mang lại giá trị nhiều hơn cho cộng đồng.
“Hoạt động đổi pin lấy mầm xanh được tổ chức và điều bất ngờ là chỉ trong 9 ngày, nhóm nhận được 100.000 viên pin cũ. Con số không tưởng này khiến nhóm ngỡ ngàng và dần hiểu ra rằng nhiều người đang thực sự có mong muốn bảo vệ môi trường nhưng không có nơi chốn cụ thể để làm điều đó. Nhà quyết định mở rộng các hoạt động bảo vệ môi trường, tìm kiếm, kết nối với các địa điểm tái chế rác thải. Từ đây, Nhà mở rộng sang hoạt động sống xanh, bên cạnh duy trì thư viện miễn phí” - Mỹ Anh chia sẻ.
Trong không gian không phải nhỏ nhưng không thể nói là quá rộng tại 11A Hòa Hưng, các thành viên của Nhà thoăn thoắt trong từng phần việc. Người thì đón khách, nhận quần áo cũ. Người thì phụ trách khu vực trưng bày sen đá để hướng dẫn khách lấy đúng số lượng cây. Người thì gói hàng, tính tiền nếu có ai muốn mua thêm chậu hoặc các sản phẩm tái chế mà Nhà bày bán. Không khí hối hả, nhiều gương mặt mướt mồ hôi nhưng ai nấy đều vui vẻ chuyện trò, tận tình hướng dẫn. Nhà nhiều Lá hiện tại có 30 nhân sự chủ chốt và khoảng 80 tình nguyện viên cho mỗi sự kiện. Nhân sự của Nhà rất trẻ, đa phần là sinh viên hoặc cử nhân vừa tốt nghiệp, đang trong những năm tháng tạo lập sự nghiệp cá nhân. Các thành viên đều nỗ lực cống hiến cho Nhà với niềm yêu thích các hoạt động vì cộng đồng, thích tinh thần sống xanh, mong muốn phát triển kỹ năng cho cá nhân… Thứ họ nhận được không phải là tiền nhưng có khi còn quý giá hơn tiền bạc, nên nhiều thành viên tham gia từ những ngày đầu thành lập đến nay vẫn còn trụ lại.
Phải chuyên nghiệp để đi đường dài
Với khối lượng quần áo cũ lên đến vài tấn sau hoạt động “Đổi quần áo cũ lấy cây”, Nhà nhiều Lá đưa ra nhiều giải pháp để xử lý hiệu quả nhất. Trong tuần đầu sau hoạt động, các thành viên sẽ phân loại một phần số lượng quần áo này và mở phiên chợ đồ cũ đồng giá 5.000, 10.000, 15.000, 20.000 đồng tùy độ mới. Chợ mở ngay tại Nhà để khách có nhu cầu sẽ đến chọn lựa. Tiếp đến, số quần áo còn lại trong kho sẽ được Nhà lọc và mang đến điểm trao tặng quần áo cũ ở TP Thủ Đức. Nhóm thiện nguyện này sẽ tổ chức trao tặng tại chỗ cho những hoàn cảnh khó khăn và mang đến cho bà con vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Quảng Ngãi trong những ngày đầu năm 2024.
|
Các thành viên của Nhà nhiều Lá đang trồng sen đá vào chậu cho khách |
Toàn bộ số tiền thu được từ phiên chợ đồng giá, Nhà nhiều Lá đưa vào quỹ để trả tiền mặt bằng, duy trì hoạt động và góp vào việc xây dựng tủ sách cho trẻ em nghèo. “Ngoài trao tặng cây, Nhà duy trì hoạt động nhờ vào nguồn kinh phí bán những sản phẩm đi kèm. Chúng tôi tìm được nguồn cung cấp sen đá giá rất tốt tại Đà Lạt. Khi đổi quần áo cũ lấy sen đá, mọi người nhận được cây có thể mua thêm chậu, đất, các vật trang trí đi kèm. Ngoài ra, chúng tôi có bán các sản phẩm tái chế như chậu làm từ chai nhựa, nước rửa chén từ quả bồ hòn, đũa tre, giấy vệ sinh từ vỏ hộp sữa tái chế…Kinh phí để vận hành các hoạt động là điều mà nhóm luôn trăn trở. Chúng tôi mong tìm được nhiều giải pháp hơn để mở rộng ngân sách, phục vụ cho các hoạt động ngày càng nhiều của Nhà, đặc biệt trong việc mở thư viện cho các điểm trường” - Mỹ Anh chia sẻ.
Nhà nhiều Lá bắt đầu hoạt động trao tặng thư viện sách từ tháng 10/2022. Đến nay, Nhà đã mở được 3 thư viện miễn phí cho các điểm trường học ở các tỉnh Kon Tum, Bình Thuận, Lâm Đồng. Mỗi thư viện có hơn 1.000 đầu sách do cộng đồng ủng hộ. Trong năm 2024, Nhà nhiều Lá lên kế hoạch mở thư viện miễn phí ở Bình Định, Quảng Nam. Tháng Hai, các thành viên sẽ đi tiền trạm. Đến tháng Ba, Tư sẽ tổ chức các hoạt động vận động để tháng Sáu mang sách đến cho trẻ em. Nhà nhiều Lá cho biết nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng, nhóm không thể thực hiện được các hoạt động trong 3 năm vừa qua. Và để quy tụ được sức mạnh cộng đồng ấy, Nhà tận dụng mạng xã hội để làm cầu nối đắc lực. Nhà hiện có một nhóm gồm 10 thành viên để làm truyền thông trên Facebook và TikTok. Các nội dung, hình ảnh, clip được đăng tải đều mang thông điệp tích cực, cung cấp thông tin hữu ích về các vấn đề môi trường, hoạt động cộng đồng tại TPHCM và cả nước.
|
Một chậu sen đá hoàn thiện được tặng cho người quyên góp |
“Tại TPHCM, bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn để tham gia các hội, nhóm thiện nguyện, hoạt động vì cộng đồng. Ở đây, tôi học hỏi được nhiều thứ. Đây là không gian mở nên tôi có thể quan sát từ nhiều phía. Mình có thể đóng góp ý tưởng cho dự án để mọi người bàn luận, quyết định làm hay không. Sau mỗi hoạt động, nhóm đều họp bàn để rút kinh nghiệm, tiếp tục đưa ra những sáng kiến cho chuỗi sự kiện sắp tới. Ai cũng có công việc riêng, tôi cũng vậy nhưng tôi đang ở giai đoạn biết bản thân muốn và thích làm gì. Vì thế, bên cạnh công việc tự do hiện tại, tôi gắn bó với Nhà để bản thân được trau dồi các kỹ năng, đóng góp được những việc làm nhỏ bé cho cộng đồng” - Mỹ Anh nói thêm.
Diễm Mi