Hành tinh đơn độc và những hành trình bất tận

25/03/2018 - 15:47

PNO - Đôi khi con người ta vẫn cô đơn giữa một biển người vô tận như thế và cảm giác ấy thật khó tả, khi bạn là kẻ đơn độc trên hành trình khám phá những miền đất lạ.

Hồi năm 2006, tôi nghe nhà thơ Dạ Thảo Phương nhắc đến chuyện du lịch bụi ở Lào. Thấy thú vị quá, tôi hỏi chuyến đi ấy chị thực hiện cùng ai. Dạ Thảo Phương ngước mắt nhìn tôi ngạc nhiên: Chị đi một mình. Tôi nhìn chị đầy kính nể và không kém phần tò mò. 

Hanh tinh don doc va nhung hanh trinh bat tan
Ảnh minh họa

Một tháng sau tôi mua vé xe buýt sang Lào, song vẫn phải rủ thêm người khác cho vui. Trên chuyến xe đường dài đầy ắp người da trắng và những chiếc ba-lô khổng lồ, tôi gặp nhiều hành khách du lịch bụi một mình.

Một chị người Canada mặc chiếc áo pull in hình Angkor Wat cho biết chị một mình bay đến Phnom Penh, rồi từ đó đi Angkor Wat, Sài Gòn, Hà Nội. Bữa nay sang Vientiane rồi rời đến Luang Prabang, tiếp theo sẽ là Bangkok và từ sân bay Thái Lan trở về Canada.

Tổng cộng chuyến khám phá Đông Dương, một địa danh xa xôi và bí ẩn đối với người phương Tây, kéo dài 15 ngày. Tất cả gói gọn trong chiếc ba-lô lấm bụi đang dựng trên sàn xe và một chiếc thẻ American Express. Tôi thấy người phụ nữ trẻ thật cô đơn trên chiếc xe chở đầy những người xa lạ đang lăn bánh đến một vùng đất xa lạ. 
Cuối cùng tôi cũng có được cảm giác đơn độc ấy trên những cuộc hành trình. Và trong lúc một mình sải bước dưới những tòa cao ốc gắn kính đen lạnh lẽo, trên bãi biển vắng người hay một mình trong hẻm núi hoang vu, tôi mới hiểu vì sao có những người thích độc hành.

Nếu bạn có một người bạn đồng hành hợp gu thì đó là điều tuyệt vời, nhưng nếu người đi cùng bạn tới nơi chỉ thích chui vào khách sạn bật điều hòa mát lịm xem ti vi, đến giờ thì ngủ trưa hai tiếng, xong ra hồ bơi mặc bikini nằm khoe dáng hàng giờ, tắm giặt mất ngót tiếng, vừa lên xe ô tô đã kéo rèm che cho khỏi nắng rồi lim dim ngủ, gặp danh lam thắng cảnh chụp quàng vài bức ảnh kỷ niệm rồi lại lên xe nghỉ ngơi, tới bữa ăn ở một quốc gia cách mái nhà thân yêu của mình đến chục giờ bay mà vẫn đòi phải có một chén nước mắm cho đúng khẩu vị thì tốt hơn hết, bạn nên đi du lịch một mình. 

Hanh tinh don doc va nhung hanh trinh bat tan
Ảnh minh họa

Những người bản địa bắt gặp tôi đi du lịch một mình cũng tỏ thái độ ngạc nhiên và thông cảm giống như khi tôi nhìn thấy người phụ nữ Canada nọ. Nhưng khoảnh khắc lặng lẽ đứng trên đỉnh Ngũ Hành Sơn nhìn xuống đại dương bao la, một mình chui vào những hang động đầy dơi không một bóng người bên phía tây Ngũ Hành cùng chiếc đèn pin to bằng bắp tay thuê của người địa phương, trong lòng tôi len lỏi những cảm giác thật kỳ lạ. Đó chính là sự tự hào và kiêu hãnh của những người độc hành khi lặng lẽ khám phá thế giới này. 

Những hành tinh đơn độc(*) trên cuộc hành trình dài sẽ mất hẳn sự ỷ lại và dựa dẫm vào một đoàn du lịch có lịch trình vạch sẵn, được phục vụ đến tận chân răng. Họ luôn phải tự mình đưa ra quyết định, tự mình giải quyết vấn đề và cũng… một mình hưởng thụ cảm giác cô đơn lạ lùng mà tuyệt vời ở một nơi xa lạ. 

Đôi lúc tôi hình dung ra cảnh mình đi lạc trong những hang núi tối tăm với chiếc đèn pin hết năng lượng và mắc kẹt lại đó vĩnh viễn. Rồi khi một mình trên chiếc taxi giữa Manila đông đúc người, tôi cố gắng giải thích với người tài xế chỉ có thể nói được tiếng Tagalog rằng, mình muốn đến khu Intramuros. Anh ta lại tuôn một tràng tiếng Tagalog trong khi vẫn đi vòng vèo giữa những con phố dài và hẹp, vắng vẻ mà tôi không hề thấy giống với đường đi của mình ngày hôm qua.

Cuối cùng, nỗi lo thắt ruột cũng biến mất khi khu phố cổ Tây Ban Nha xuất hiện trước mặt. Lúc chiếc pedicab đưa tôi đi dọc con đường trải đá hộc với những bờ tường trắng chạy dài đặc trưng của kiến trúc Địa Trung Hải, cảm giác an lành giữa những con người không cùng chung ngôn ngữ từ từ dấy lên một cách dễ chịu.

Những anh nài ngựa, những người khách đi đường và bác tài pedicab vui vẻ cầm máy bấm hộ tôi những tấm ảnh lưu niệm trước tháp chuông nhà thờ, không quên hỏi tôi là người nước nào. Đó là những người bạn chỉ gặp một lần nhưng tồn tại mãi trong hồi ức.

Hanh tinh don doc va nhung hanh trinh bat tan
Ảnh minh họa

Mùa thu năm ngoái, tôi đi dự trại viết của nhà xuất bản Công an nhân dân ở Rạch Giá. Trên đường về Sài Gòn, tôi nhìn thấy cột mốc cây số chỉ địa giới Long Xuyên. Ồ, tôi đã đi hết miền Tây Nam bộ, mà hình như chưa ghé Long Xuyên, Châu Đốc. Lúc ấy truy cập mạng ngay trên xe ô tô, thấy ghi Châu Đốc chỉ cách Long Xuyên 57 cây số, tôi mừng rỡ báo với trưởng trại là nhà văn Trần Thanh Hà: “Cả đoàn cứ về Sài Gòn trước, em xuống xe ở đây để vào Long Xuyên”.

Rồi trước những đôi mắt kinh ngạc của cả đoàn, tôi bảo bác tài dừng lại ngay lối rẽ xuống phà Vàm Cống. Tôi đứng trước ngã ba bụi mù giữa nút giao của tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Nắng chang chang trên đầu, va-li kéo để trước mặt và trong tay là vật dụng thần thánh: chiếc smartphone.

Trong lúc chờ taxi, tôi tìm khách sạn trên Agoda và đặt một phòng giữa trung tâm thành phố. Kể từ giờ phút ấy, tôi tiếp tục con đường độc hành. Buổi tối, tôi mua một vé xem phim trong phòng chiếu lớn nhất Long Xuyên nằm trên tầng năm của trung tâm thương mại Vincom. Không những tôi không có bạn đồng hành, mà thậm chí còn không cả người xa lạ xem cùng. Một mình tôi một rạp.

Những Cineplex, CGV, Galaxy nhung nhúc người quen thuộc ở Hà Nội biến mất. Khoảnh khắc ngồi ghế cuối cùng đối diện màn ảnh rộng không bóng người ở Long Xuyên thật kỳ dị, là lạ và rờn rợn. Nhưng rồi tôi thích nó, cái cảm giác lạ lùng chưa từng nếm trải ấy.

Cũng như chiều hôm sau tôi lang thang một mình trong rừng tràm Trà Sư đẹp như thần thoại, cả những con đường hun hút dài trong chiều muộn dẫn đến cửa khẩu Tịnh Biên sát biên giới Campuchia và một mình xuôi theo đường hầm lòng đá của chùa Hang - ngôi chùa đẹp nhất trong đời tôi từng được biết.

Lúc ấy nghĩ, mình mới là người hạnh phúc nhất thế gian, bởi chẳng ai biết đến cảm giác này, thứ xúc cảm càng lúc càng khiến người ta trở nên nghiện ngập. Bạn bè tôi, giờ đang xuôi ngược trên những con đường mờ bụi của Hà Nội, Sài Gòn - nơi mà ở cùng một thành phố nhưng đôi khi hàng bao năm trời cũng chẳng thể gặp nhau - để vội vã nổi lửa cho bữa cơm chiều, còn tôi lặng ngắm hoàng hôn trôi dọc những cánh đồng dập dìu thốt nốt. 

Tôi cũng không thể nào quên cảm giác cô độc trên quán cà phê tầng thượng được gắn kính của một trung tâm thương mại nhìn ra bãi biển Kuta (Bali, Indonesia). Tôi ngồi trước những món ăn chưa nhìn thấy bao giờ, giữa những người đang vui vẻ ăn uống, lặng lẽ ngắm mặt biển lóng lánh nắng thi thoảng tạt bụi nước vào những chiếc lều bằng voan trắng trên bờ cát.

Những người này không biết tôi là ai, còn những người biết tôi lại chẳng thế biết tôi đang ở đâu. Giờ phút này tôi là kẻ vô danh và vô hình trên mặt đất. Đôi khi con người ta vẫn cô đơn giữa một biển người vô tận như thế và cảm giác ấy thật khó tả, khi bạn là kẻ đơn độc trên hành trình khám phá những miền đất lạ.

 Di li

(*) Lonely Planet (Hành tinh đơn độc) là tên của series sách chỉ dẫn du lịch lớn nhất thế giới mà tác giả của nó là cặp vợ chồng Maureen và Tony Wheeler

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI