Hạnh phúc vững bền qua hàng thập kỷ

28/06/2024 - 05:52

PNO - Kỷ niệm 23 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2024), các cấp hội phụ nữ ở TPHCM tổ chức tuyên dương các gia đình tiêu biểu. Mỗi gia đình được tuyên dương là mỗi câu chuyện hay, xúc động về tình yêu, sự gắn kết, đồng lòng...

Trân trọng, tin yêu và giữ gìn hạnh phúc

Là “Gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu” của quận 4, chị Nguyễn Thị Tần (52 tuổi) hồi tưởng về quãng đường mà vợ chồng chị đã cùng nhau đi qua. “Trong suy nghĩ của người phụ nữ, khi đã chọn người đó là chồng, là cha của con mình thì không bao giờ có ý nghĩ buông tay” - chị Tần khẳng định khi được hỏi: có tin hạnh phúc vợ chồng sẽ là mãi mãi?

Chị Tần quen anh Ne Za Din (gốc Ấn) từ năm 19 tuổi, khi họ ở chung xóm. Đến nay, cuộc hôn nhân của họ đã bước sang tuổi 26 với quả ngọt là 2 con gái. Cô lớn hiện làm Phó bí thư Đoàn phường 1, quận 4, cô nhỏ đang học lớp Bảy. Chị buôn bán và chăm con, còn chồng làm thợ nhôm kính. Như bao nhiêu cuộc hôn nhân, vợ chồng họ cũng không tránh khỏi mâu thuẫn, cãi vã, giận hờn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tần và anh Ne Za Din tham dự ngày hội Gia đình hạnh phúc do Hội LHPN quận 4 tổ chức ngày 25/6 vừa qua - ẢNH: THU LÊ
Gia đình chị Nguyễn Thị Tần và anh Ne Za Din tham dự ngày hội Gia đình hạnh phúc do Hội LHPN quận 4 tổ chức ngày 25/6 vừa qua - ẢNH: THU LÊ

Thế nhưng, vì đã thống nhất với nhau dù có chuyện gì cũng không được gây gổ trước mặt con, chuyện gì không thể hòa giải được thì nhờ người lớn, do đó suốt 26 năm qua họ chỉ “căng” với nhau đôi ba lần. Mà cũng chỉ ở mức chiến tranh lạnh vài ba ngày, rồi thôi.

Nghe vợ nói, anh Ne Za Din chỉ cười. Là trụ cột gia đình nên anh phải ra ngoài nhiều. Còn vợ ở nhà cũng vất vả khi vừa buôn bán kiếm tiền, vừa chăm sóc con, đưa đón con đi học. Cho nên, khi con đã lớn, anh ủng hộ vợ làm bất cứ điều chị thích mà lâu nay chưa làm được. Được sự hậu thuẫn của chồng, mấy năm qua, chị Tần trở thành thành viên nòng cốt của nhóm từ thiện “Bếp yêu thương 360”, mỗi tháng nấu 400-500 suất ăn từ thiện.

Những “bữa ăn yêu thương” do Hội Phụ nữ quận 4 tổ chức chị cũng góp sức. Mỗi lần vợ bận việc hội hoặc tham gia hoạt động từ thiện, anh Ne Za Din lại sắp xếp công việc để thay vợ lo việc nhà.

Nói về chuyện gia đình đầm ấm, anh Ne Za Din cho biết, hạnh phúc đến tự nhiên khi “thuận vợ thuận chồng”. Được tuyên dương là một lời nhắc nhở để vợ chồng thêm trân trọng, tin yêu và cố gắng giữ gìn hạnh phúc đang có.

Hơn nửa thế kỷ xây đắp yêu thương

Vợ chồng bà Trần Thị Ruông và ông Phạm Văn Hảo (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) năm nay đã ngoài 70 tuổi và có hơn 50 năm cùng nhau xây đắp gia đình hạnh phúc, yêu thương. Ông bà quen nhau từ khi còn là cán bộ Đoàn, ông công tác ở Đội quyết thắng cảm tử phá thủy lôi, còn bà tham gia trực chiến bắn máy bay tầm thấp ở Hải Phòng. Năm 1972, họ kết hôn và có 2 con trai. Đến đầu những năm 2000, ông bà mới theo các con vào TPHCM sinh sống.

Vợ chồng ông Hảo - bà Ruông - ẢNH: THIÊN ÂN

Cùng nhau đi qua hơn nửa thế kỷ, ông Hảo nói: “Điều cốt lõi để xây dựng gia đình hạnh phúc chính là sự nhường nhịn, bao dung, nhìn vấn đề theo hướng tích cực”. Nói rồi, ông nhìn vợ, cười hạnh phúc. Ông bảo, bà là người có tinh thần chịu khó, chịu khổ, dành hết cả thanh xuân để chăm lo cho chồng, cho con. Còn bà kể: “Trong thời gian ông làm nhiệm vụ phá thủy lôi, thường cả năm mới được về thăm gia đình một lần. Thấy ông về là biết ông còn sống, tôi mừng còn không hết thì thời gian đâu để buồn phiền”.

Sau ngày giải phóng, ông Hảo vẫn tiếp tục nhiệm vụ phá thủy lôi ở các bến cảng. Bà Ruông vừa đi làm xí nghiệp vừa chăm con nhỏ. Bữa cơm tối của bà thường chỉ có chén cơm nguội vào lúc 9-10 giờ đêm. Nửa đêm, con ốm, cũng một mình bà xoay xở. Dù vậy, bà chưa bao giờ than phiền hay trách móc, bởi ông Hảo là người chồng, người cha có trách nhiệm, thương vợ thương con.

Bà Ruông kể về một biến cố xảy ra đã gần chục năm, khi bà bị tai biến, phải nằm một chỗ suốt mấy tháng trời, ông Hảo và các con ngày đêm túc trực chăm sóc. Ông lên mạng học cách nấu các món ăn dinh dưỡng, học cách chăm sóc người bị tai biến, dành nhiều thời gian để nói chuyện, động viên… giúp bà có thêm tinh thần để tập luyện, trở lại sinh hoạt bình thường.

Bà Ruông - ông Hảo và các cháu - ẢNH: THIÊN ÂN
Bà Ruông - ông Hảo và các cháu - ẢNH: THIÊN ÂN

Sau nhiều tháng tập luyện, bà Ruông dần phục hồi. Thấy vợ đi đứng trở lại được bình thường, ông Hảo động viên vợ tiếp tục tham gia công tác xã hội để tinh thần khuây khỏa, còn ông sẽ thay bà quán xuyến nhà cửa trong ngoài, đi chợ, nấu cơm. Nhờ có sự ủng hộ của chồng, bà Ruông mạnh dạn tham gia các hoạt động tại địa phương và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố.

Bà Ruông tâm sự: “Để xây dựng được gia đình hạnh phúc thì phải xây được nếp nhà, biết trên biết dưới. Nhìn từ bên ngoài, mọi chuyện lớn nhỏ, học hành của các con đều do tôi quyết định nhưng anh ấy luôn là người định hướng và ủng hộ phía sau. Trong ứng xử vợ - chồng, cũng cần giữ ý, khéo léo, nhẹ nhàng. Những lúc nóng giận thì phải bớt lời”.

Hội nâng chất mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc

Kỷ niệm 23 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Hội LHPN TPHCM phối hợp với UBND và các đoàn thể thành phố tổ chức ngày hội Gia đình văn hóa, hạnh phúc với hoạt động tuyên dương “Gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu” và hội thi nấu ăn “Gia đình với ẩm thực Việt”.

Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, như: tuyên dương gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu nhiều thế hệ, hội thi nấu ăn “Gia đình vào bếp”, hội thi ẩm thực đặc trưng các nước Đông Nam Á, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa, triển lãm Infographic chủ đề về gia đình, ra mắt mô hình Điểm tựa - hỗ trợ phụ nữ, trẻ em...

Thông qua chuỗi sự kiện, chúng tôi mong muốn, các hoạt động sẽ góp phần lan tỏa các chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, góp phần nâng cao, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình, từ đó có hành động thiết thực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

Một trong những hoạt động xuyên suốt của hội hiện nay là quan tâm, chỉ đạo nâng chất các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, giới thiệu cách làm hay từ các cơ sở về công tác xây dựng gia đình hạnh phúc phối hợp tổ chức tuyên dương thành viên, đặc biệt là các gia đình trẻ, gia đình nhiều thế hệ cùng sống chung.

Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và phát triển các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của gia đình và phụ nữ trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, nâng chất các mô hình để thu hút nhiều hơn sự tham gia của nam giới, để từ đó khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ trong gia đình và hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ trong các hoạt động nâng cao kiến thức, chăm sóc sức khỏe, vẻ đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hội đang nỗ lực thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Vai trò của phụ nữ TPHCM góp phần giữ gìn, vun đắp và xây dựng gia đình hạnh phúc” với kỳ vọng sẽ làm cơ sở khoa học để các cấp hội ứng dụng, đưa vào thực tiễn phong trào, hoạt động hội nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Thu Lê - Thiên Ân

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoatdonghoivi /strCate=hoatdonghoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdiendanvi /strCate=diendan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhungnguoiphunuquanhtoivi /strCate=nhungnguoiphunuquanhtoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvicuocsongantoanchophunutreemvi /strCate=vicuocsongantoanchophunutreem
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoivacuocsongvi /strCate=hoivacuocsong