Lối nói chuyện hài hước, dí dỏm, lúc nào cũng chọc cho người khác cười khiến tôi yêu anh ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc. Anh là bạn thân của cô bạn cùng phòng với tôi, hai người suốt ngày chí chóe đủ thứ chuyện, tôi cũng yêu luôn cả tình bạn ấy. Chắc chắn đó là một người tốt, họ mới có một tình bạn thủy chung từ thời cấp 2 đến giờ, chắc chắn anh là một người tuyệt vời thì mới được cô bạn gái của tôi mến đến như thế. Tin người như thế sẽ đưa lại hạnh phúc cho mình và tôi chọn anh.
Anh học cầu đường ở Hà Nội, tôi đeo đuổi giấc mơ cô giáo dạy Văn ở Huế. Yêu xa được 2 năm, anh dẫn tôi về ra mắt gia đình. Ba mẹ vui lắm, nói đến chuyện tương lai, chuyện họ hàng, nội ngoại, chuyện hồi xưa ba tán mẹ... đến tối mịt mới ngủ. Sáng hai đứa thức dậy muộn, mẹ để sẵn hai tô bún bò ở bàn, dậy ăn xong đi chơi, mọi việc mẹ làm hết rồi. Thở phào nhẹ nhõm vượt qua nỗi lo anh con trai một, làm dâu xa xứ, mẹ chồng lại khó tính nữa thì khổ.
Tôi về ra mắt nhà anh, hạnh phúc thân quen như ở nhà mình. Ảnh minh họa
Anh có một cô em gái đang học lớp 12, tôi đã không lường trước được, đâu có ngờ... đó là “cửa ải” khổ cực nhất, đẩy gia đình nhỏ của tôi bên bờ vực thẳm. Sau khi đám cưới xong, chưa kịp thay bộ đồ cô dâu, tôi đã nghe tiếng em chồng oang oang kể với mọi người bằng cái giọng rất hài hước: “Ôi, nhà chị dâu nghèo xơ nghèo xác thôi, cha thì luôn đau, nhà trống trơn, chỉ cầm cầm viên đá, ném từ đầu nhà tới cuối nhà vẫn không thể va vào thứ gì”. Rồi nào là “Chị lấy được anh Tuấn là phước rồi ấy chứ, con một, nhà cửa này là của vợ chồng chị chứ của ai đâu, nhà ngoại có gì mà cho”. Thấy tôi đi vào, em im bặt.
Đêm tân hôn tôi gục đầu vào ngực anh khóc một trận, bao nhiêu tủi hờn mới về làm dâu lạc lõng, những lời nói đó vẫn còn văng vẳng bên tai không dứt, nó như muốn vết cứa vào lòng tự trọng đến ứa máu của mình, thương ba mẹ khổ cực nuôi hai đứa con thành đạt, để một đứa con nít coi thường như thế... Nhưng chẳng lẽ là dâu mới lại ra đôi co với em, chồng lại động viên “Em còn nhỏ chưa hiểu chuyện, để anh góp ý với nó”.
Cưới xong, hai vợ chồng cũng ra Hà Nội làm việc nên mọi chuyện cũng qua, hai vợ chồng trẻ lương thấp, cảnh ở trọ thiếu thốn nhưng rất hạnh phúc, không lúc nào tiếng bấc tiếng chì trong nhà. Thế mà mọi thứ lại đảo lộn khi tôi sinh con. Anh muốn đứa cháu đích tôn phải được chăm bẵm kỹ càng bởi bàn tay đảm đang của mẹ, nên tôi về nhà nội sinh.
Cu Bi từ ngày sinh ra rất hay khóc cả đêm cả ngày, căng thẳng lo con ốm, mắt thâm quầng khi phải thức đêm dài ngày, khiến tôi kiệt sức. Thế nhưng, mỗi lần cháu khóc, không ngủ được, em lại hậm hực bỏ sang nhà bạn để được yên thân và không quên buông lời chì chiết “Chị lên mạng tìm hiểu cách nuôi con của người ta đi, con người ta sao ngoan thế, con mình thì...”. Ba mẹ chồng chỉ biết thở dài “Tính nó thế từ nhỏ”. Nghĩ em còn trẻ, muốn thể hiện cái tôi, vả lại cũng không muốn gây sự nên tôi im lặng, nhẫn nhịn.
Vì gia đình nên tôi nín nhịn, mặc em cứ lấn lướt. Ảnh minh họa
Khi con được 5 tháng, một mẹ một con bồng bế nhau ra Hà Nội để chuẩn bị đi làm. Em chồng học xong đang thất nghiệp nên ba mẹ cũng có nhã ý cho em đi theo vừa để đỡ đần, vừa tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài đó. Chỉ có hai anh em nơi đất khách quê người, chị đùm bọc, yêu thương em như em gái để em không cảm thấy tủi thân, mà anh trai cũng yên tâm làm việc... Nhưng càng thấy chị nhẫn nhịn, yêu thương, em lại càng được nước lấn tới, xem thường chị dâu và ngày càng ương bướng... Đến bao giờ em mới chịu lớn lên.
Có bữa đi làm về, em để nguyên một mặt son, phấn thế thơm vào má vào môi cháu. Tôi nhắc khéo thì em quay lại đốp chát đanh đá, giận dỗi. Ngày phát hiện em lăng nhăng với rất nhiều anh chàng tóc xanh tóc vàng, tôi quyết định nói chuyện với em bởi ngoài xã hội cám dỗ đầy, sở khanh đầy, sợ em sẽ dại dột rồi hỏng cả tương lai. Thế mà em đe mặt chỉ trán, làm ầm ĩ lên, rồi lao lên giáng cho chị dâu một tát vì tội lấy quyền gì dám xen vào đời tư của em, em dọn quần áo bỏ ra khỏi nhà. Thật sự bất ngờ trước hành động hỗn hào của em, tôi chỉ kịp nói trong nước mắt “Từ nay đừng gọi chị là chị dâu nữa, là người xa lạ”.
Trước khi về làm dâu, mẹ đã dặn “Thương chồng bồng họ, con nhé”. Nhưng sao thế này... tôi đã sai ngay từ đầu vì quá nhu nhược hay cả nể để có một gia đình hạnh phúc, tôi sợ sự rạn nứt, nên mới không lấy hết “độc tố” trong mối quan hệ chị dâu – em chồng ngay từ đầu, để nó u nhọt, sưng tấy, rồi lại u nhọt. Em bỏ nhà đi, mẹ chồng trách, ba thở dài, chồng vò đầu bứt tai vì không dạy được em, không khí gia đình thêm nặng nề. Đi được vài ngày, em lại quay về rối rít xin lỗi, chồng bảo thôi em nó biết lỗi rồi. Vì chồng, vì cha mẹ. Tôi chấp nhận trong sự thờ ơ, lạnh nhạt.
Xin lỗi vậy thôi nhưng mấy ngày thôi là em trở chứng. Ảnh minh họa
Xin lỗi thì xin lỗi vậy thôi, em vẫn chưa thể làm chủ được thái độ ngang bướng và coi chị dâu như nô lệ, cỏ rác phải đội bà cô bên chồng lên đầu. Mấy lần lần phát hiện em lấy cái ca múc nước của xóm trọ giặt đồ dơ tôi nhắc “Ca để mọi người uống nước, em giặt đồ vào đó, họ không biết họ lấy dùng rửa mặt, nấu ăn, tội họ”. Vậy mà, em quay lại ném cả cái quần lót vào mặt tôi, xưng xỉa bỏ đi. Chồng tôi thấy thế, chạy ra đánh cho nó một bạt tai vì tội hỗn láo và lần này anh đuổi nó đi luôn, anh gào lên “đi đâu thì đi, tao không có đứa em như mày”. Nó lại bỏ đi trong ấm ức.
Ba mẹ ở nhà lại lo lắng, giận hờn khi có một đứa em mà cũng không hòa thuận nổi, lấy gì mà bảo hi sinh. Đến nước này vợ chồng tôi cũng kệ cho giận luôn “không giải thích nữa, càng yêu thương, càng không biết điều, càng khinh thường người khác”. Đi đúng được 10 ngày nó điện ì èo nhờ ba mẹ nói với cho chị dâu cho nó quay về.
Cảm thấy ngột ngạt vì mẫu thuẫn với em chồng. Ảnh minh họa
Tôi quá mệt mỏi với những mâu thuẫn chồng chéo kiểu từ em chồng lan sang bố mẹ chồng. Anh cũng vậy. Anh hiểu vợ và luôn động viên “Tính nó ngang ngược xưa nay vẫn thế, ba mẹ chiều riết quan thói hống hách rồi, em cứ kệ nó đi, đừng suy nghĩ nhiều”. Nhưng đôi khi anh vẫn im lặng thở dài. Kệ nó cũng không được, sống chung cũng không xong, đẩy nó ra ở riêng nó không chịu đi, mà lỡ có mệnh hệ gì, con gái mới lớn mơn mởn... mình lại hối hận.
Nhưng mãi sống thế này tôi thấy vết rạn gia đình sẽ ngày càng lớn, chữa không được, chưa kịp liền da đã lại rách toạc... thử hỏi thời gian có làm liền được hay không? Hay gia đình lớn rồi gia đình nhỏ càng nặng nề hơn mà thôi. Tôi nhiều lần nghĩ đến việc nói thẳng với ba mẹ chồng, hoặc cho em ra ở riêng, hoặc đưa em về quê sống, nhưng tôi cứ lần lữa, sợ mang tiếng đuổi em chồng ra khỏi nhà?
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.