Nói về hạnh phúc lúc này, liệu có hão huyền?
Đây là câu hỏi của chị Khánh Hân, giám đốc một công ty du lịch lớn đang trong tình trạng khó có thể phục hồi do dịch giã. Hàng trăm nhân viên của chị đang thất nghiệp, kéo đến sự vất vả của gia đình họ… 14 học viên còn lại cũng đồng tình và cho rằng hạnh phúc bây giờ là một món hàng xa xỉ.
Tôi khựng lại, suy nghĩ và trả lời: “Đúng vậy, nhưng không có sức mạnh trong đau buồn, sợ hãi và lo lắng… Sức mạnh nằm trong chủ đề mà chúng ta sắp khám phá - đó là hạnh phúc”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đọc về những người có tầm ảnh hưởng trên thế giới như: Nelson Mandela, mẹ Teresa, Martin Luther King, Gandhi… chúng ta thấy điều gì là chung ở tất cả những người này? Đó là khả năng giữ được niềm hạnh phúc của họ cho dù chuyện gì xảy ra.
Ví dụ Nelson Mandela khi được trả tự do, trong khoảng cách từ cửa nhà tù đến cánh cổng ra ngoài, ông đã dừng lại và tự hỏi nếu mình vẫn mang theo những nỗi hận thù và không tha thứ, thì mình vẫn còn bị nhốt trong tù và không thể nào có một cuộc sống hạnh phúc.
Hầu như tất cả chúng ta đều có một bản nhạc lỗi bên trong trái tim mình. Vince Lombardi, một huấn luyện viên bóng đá huyền thoại, khẳng định rằng “đau buồn khiến con người trở nên hèn nhát”. Khi bạn không hạnh phúc, bạn có nhiều khả năng trở nên tiêu cực, cáu kỉnh và có những hành vi gây hại.
Vậy làm thế nào để trở nên hạnh phúc? Một thuật ngữ được sử dụng trong khóa học này là chuyển dịch lối sống nhận “từ ngoài vào trong” thành đẩy “từ trong ra ngoài”.
Hãy nhớ lại sáng nay khi bạn thức dậy, điều đầu tiên bạn làm là gì? Nhảy ra khỏi giường? Mở điện thoại xem tin nhắn? Bật ti vi xem tin tức hay với tờ báo đọc tin thời sự? Hầu như tất cả những gì chúng ta làm ngay tức thì là thu nhận từ bên ngoài và tập trung vào những gì đang xảy ra. Vào lúc này, sẽ “hên xui” với các thông tin nâng đỡ tinh thần mình.
Chính lối sống “từ ngoài vào trong” này đã tạo ra phản ứng mọi hồi đáp của chúng ta trước những gì xảy ra ngoài ý muốn. Những chuyện lớn như thay đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, kinh tế, chính trị… và những chuyện nhỏ hơn như cơm nước, học hành của con cái, tình trạng sức khỏe, thay đổi công việc… đều là các tình huống bên ngoài, nhưng ta lại cho phép chúng định hình trạng thái tinh thần của mình.
Ba phương pháp “chế tạo” hạnh phúc
Đây là phần thảo luận sôi nổi nhất của lớp học. Tất cả đều đồng tình rằng, trạng thái bên trong của con người không tự nhiên đến mà bạn phải tạo ra nó. Chị Hoa - bà nội trợ - có cô con dâu rất lười biếng và hay cãi, cả ngày chui vào phòng chỉ bước ra vào những bữa ăn. Mỗi khi chị nhắc nhở, cô nàng phân bua đủ điều.
Trong buổi học, chị Hoa chia sẻ: “Tôi đã nghĩ cách để cảm thấy dễ chịu nhất khi tôi về nhà vào tối nay”. Vài ngày sau đó, chị Hoa cho biết chị đã xuống khỏi xe buýt ở trạm xa hơn so với thường ngày. Từ trạm xe buýt này đến nhà chị mất 20 phút, chị dùng khoảng thời gian này để tạo ra những suy nghĩ nhẹ nhàng. Chị còn dừng lại và mua gói kẹo gừng cho cô con dâu.
Chị bảo rằng mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi chị không còn tập trung “dòm ngó” cô con dâu nữa mà chú ý vào việc nâng đỡ tinh thần mình với “chiến lược” tạo ra một ý định trong sáng. Điều thú vị là cô con dâu của chị đã tỏ ra siêng năng và dễ gần hơn.
Chị Quế Lan, giảng viên đại học, chia sẻ: “Mẹ chồng tôi chưa bao giờ coi tôi là con dâu của bà. Bà ít khi trò chuyện với tôi. Mỗi khi nhà có giỗ, tiệc, bà ấy luôn bắt tôi dọn dẹp, rửa chén”. Hỏi ra, chúng tôi mới biết, “bà mẹ chồng ấy đã mất cách đây mười năm”.
Cả lớp kinh ngạc vì chị Lan chẳng thể buông người mẹ chồng quá cố khỏi trái tim mình suốt mười năm. Nguyên nhân sâu xa của nỗi bất hạnh của chị là không thể tha thứ cho người đã làm mình tổn thương.
|
Hạnh phúc là trạng thái vốn có trong tâm hồn. Ảnh minh họa |
Từ câu chuyện của chị Lan, các học viên khác nhận ra: công lý rất quan trọng với họ. Họ cảm thấy khó chịu khi bị ai đó đối xử bất công. Lòng tự trọng mong manh của họ bị đe dọa. Họ phản ứng bằng sự tức giận. Bài tập dành cho chị Lan là hình dung mẹ chồng trong tâm trí mình và tâm sự với bà, tha thứ cho bà.
Thêm một cách nữa để hạnh phúc không trượt khỏi tay bạn là công thức SOS. Nghe có vẻ như “cấp cứu”, nhưng ở đây là trước mỗi sự việc, thay vì phản ứng vội vã, bạn hãy chọn S (stop) = dừng lại, rồi O (observe) = quan sát, sau đó mới S (start) = bắt đầu.
Sau khóa học, Tùng Quyên là một nhân viên bán hàng qua mạng đã phản hồi: “Tôi gọi điện cho khách, nhiều người khó chịu vô cùng. Trước đây, tôi rất buồn, còn bây giờ nếu cuộc gọi bán hàng không thành công, tôi nghĩ khách hàng không quan tâm nhiều đến sản phẩm này, thì mình cũng không nên nghĩ nhiều về điều này để tiết kiệm thời gian của mình…”.
Quyên cho biết, cô đã dừng lại và bắt đầu tạo ra một suy nghĩ mới: “Chà, đó chỉ là một cuộc điện thoại. Mình sẽ thành công trong lần gọi tiếp theo”. Cách bắt đầu này giúp Quyên tập trung vào tương lai, loại bỏ thất bại và giữ tâm trí luôn lạc quan.
Aristotle, một triết gia vĩ đại, cho rằng: “Mục đích cuối cùng từ mọi hành động của con người là để hạnh phúc”. Trạng thái tự nhiên của chúng ta là hạnh phúc. Khi bạn đau bụng, bạn làm mọi cách để hết đau bụng và khi bạn hết đau bụng, thì bạn không làm mọi cách để đau bụng trở lại.
Theo cách đó, khi bạn đau khổ, bạn làm mọi cách để hạnh phúc, nhưng khi bạn hạnh phúc, bạn không làm gì để đau khổ trở lại. Điều này chứng minh rằng hạnh phúc là trạng thái vốn có trong tâm hồn.
Khi bạn nói: “Tôi hạnh phúc vì có một chiếc xe mới”; “vì tôi có kiểu tóc mới”; “vì tôi tốt nghiệp”; “vì tôi đã kết hôn”, thì những điều này có nghĩa là trước đây bạn không hạnh phúc ư? Nếu bây giờ bạn mới hạnh phúc, thì trạng thái đó sẽ kéo dài hay bạn chờ đợi những thứ khác để tiếp tục có hạnh phúc?
Để hạnh phúc bền vững, bạn cần học cách “tạo hạnh phúc” bằng ba phương pháp: tạo ý định trong sáng, hãy tha thứ và SOS làm chậm suy nghĩ. Dẫu bạn rất tài năng, bạn vẫn phải luyện tập để “chế tạo hạnh phúc”.
Phạm Thy Sen
(Giám đốc Trung tâm Inner Space TP.HCM)