Di chứng
Hòa bình lập lại, anh Hải trở lại với cuộc sống đời thường, viết tiếp những trang ước mơ thời trẻ là đứng trên bục giảng làm một người thầy tận tụy, yêu nghề và hết lòng vì học sinh. Hai năm sau đó, anh kết hôn cùng Thương, một cô gái xinh đẹp, đoan trang ở cùng làng, hai người nên duyên vợ chồng, sống cuộc sống giản dị.
Thế nhưng sau đó, tiếng cười lặng dần đi, thay thế là những tiếng thở dài mệt mỏi, những đêm mất ngủ, không khí ngột ngạt bao trùm. Di chứng sau chiến tranh để lại trong cơ thể người chiến sĩ năm xưa là chất độc tử thần, chất độc màu da cam mà tất thảy người dân Việt Nam khi nghe đến tên đều bàng hoàng lo sợ. Và thế là, anh chị chẳng thể có một đứa con, dù chạy chữa khắp nơi, nghe thầy tốt chỗ nào đều tìm đến, nhưng hoàn toàn vô ích.
Đứa con cuộc đời trao tặng
Không ngừng hy vọng, vợ chồng anh Hải, chị Thương vẫn mong một ngày nào đó được ông trời thương xót, cho một đứa con để nuôi dạy, làm cho ngôi nhà nhỏ lại đầy ắp tiếng cười trở lại. Thế rồi, hạnh phúc cũng mỉm cười với anh chị.
Trong một lần đi thăm người bạn vừa sinh con ở bệnh viện, thấy bên ngoài ồn ào, chị Thương ra xem thì thấy một đứa bé còn đỏ hỏn, cuộn trong một chiếc chăn. Thì ra đứa bé bị mẹ nó bỏ lại. Đáng thương quá! Người thì mong có con thì chẳng có, người thì được lộc của ông trời mà không nhận. Mang nặng 9 tháng rồi đành lòng nhẫn tâm đến thế. Chị xót lòng, bày tỏ với các y bác sĩ ở bệnh viện câu chuyện gia đình, rồi ngỏ ý muốn đem cháu bé về nuôi.
May mắn thay, được sự chấp thuận của khoa và bệnh viện, chị Thương mang cháu bé về nhà. Anh Hải vô cùng mừng rỡ. Vậy là, cháu gái bị mẹ bỏ ở bệnh viện đã có gia đình, đã có bố mẹ, đã có một mái ấm hạnh phúc. Anh chị đặt tên cháu là An, ý muốn cuộc đời cháu sẽ mãi bình an và yên ả.
|
Có cháu bé, anh chị hiểu cảm giác làm cha, làm mẹ hạnh phúc thế nào (Ảnh minh họa) |
Cuộc sống gia đình ba người cứ thế trôi đi trong êm đềm. Cháu An lớn lên khỏe mạnh, thành tích học tập rất tốt. Anh chị cười: "Cuối cùng ông trời cũng thương nhà mình".
Thế nhưng, vào một ngày mùa đông, rét cóng và ướt lạnh như cái ngày chị Thương đón cháu An về nuôi, có một người phụ nữ trạc tuổi chị xuất hiện ở cổng nhà. Chị có linh cảm một điều gì đó buồn lắm, nhìn thấy người phụ nữ ấy, chân chị chùn lại, trái tim như có ai đang bóp nghẹt.
Mẹ Thương đã cho con được sống!
Chị Thương lên gác gọi chồng xuống nhà có khách. Người phụ nữ kia bắt đầu câu chuyện. Chị ta nói rằng chị là mẹ đẻ cháu An. Xưa kia do vợ chồng làm ăn thua lỗ, nên tài sản còn lại chẳng có gì, sinh con xong cũng không có khả năng nuôi dưỡng, đành phải bỏ nó ở bệnh viện. Chị biết rằng chị làm thế là sai lắm, là ông trời hận lắm, là cháu bé lớn lên cũng oán mẹ đẻ nó lắm, nhưng tình mẫu tử vẫn hằng dằn vặt chị mỗi đêm vì nhớ, vì thương đứa con chưa kịp được mẹ cho một giấc ngủ an lành, đã phải nằm một mình ở hành lang bệnh viện đầy gió.
Đúng lúc đó, cháu An bước vào và đã nghe toàn bộ câu chuyện của người mẹ đẻ mình. Cháu sững người. Hóa ra mình không phải con đẻ của bố Hải, mẹ Thương sao? Mình bị mẹ đẻ bỏ lại ở bệnh viện và được mẹ Thương mang về nuôi sao? Sao cuộc đời oan nghiệt thế này? Mình chỉ nhận mẹ đẻ thôi, chứ không bao giờ tha thứ được, không bao giờ!
Buổi chiều nhạt nhòa nước mắt ấy có lẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí cô gái nhỏ. An quyết định nhận mẹ đẻ, chứ không về với bà. Ơn nuôi dưỡng gần 20 năm nay của bố mẹ nuôi khiến cô không đành lòng, cô mang ơn họ suốt đời, và muốn tiếp tục những ngày sau đó sẽ ở lại ngôi nhà cô đã sống từ nhỏ tới bây giờ.
Thật kỳ lạ, khi có đứa con trong lòng thì lại vứt bỏ. Gia đình người khác nuôi nấng, chăm bẵm, ăn học nên người rồi lại có thêm một người mẹ đẻ tìm đến đòi đón về. Cho dù đã mang nặng đẻ đau, cũng không bằng người vất vả, tận tụy cho mình một mái nhà đầy yêu thương, có cha, có mẹ. Nếu không có bố mẹ nuôi dang vòng tay đón về, liệu An có được như ngày hôm nay? An thấy quyết định của mình như vậy là đúng. An chỉ nhận mẹ đẻ thôi, chứ không theo về sống cùng bà, cho dù bây giờ bà giàu có và đầy đủ thế nào.
Bố mẹ nuôi của cô cho dù còn vất vả, ngôi nhà còn chỉ quét vôi qua loa, nhưng với An, tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình chưa bao giờ vơi cạn. Chỉ cần được về đây, được đứng trong ngôi nhà này, thì dù ngoài kia bão táp mưa sa thế nào cũng không làm An sợ hãi.
Anh Hải, chị Thương đã mừng trong nước mắt khi nghe quyết định của con gái nuôi. Người mẹ đẻ của An cũng bằng lòng, thuận theo ý của An và ngậm ngùi ra về. An ào đến ôm chầm lấy bố mẹ nuôi, hai người là tất cả những gì quý giá nhất mà cô có. Nỗi đau bị bỏ rơi chẳng là gì cả. Điều tuyệt vời nhất đó là bố mẹ, tuy không mang nặng đẻ đau nhưng lại yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ cô như con đẻ của mình.
|
Gia đình là điều tuyệt vời nhất (Ảnh minh họa) |
Hạnh phúc là những điều bình dị
Thời gian qua đi, đến bây giờ đôi vợ chồng nhận con nuôi năm nào đã thành ông bà ngoại. An học giỏi, có công việc tốt và lấy một người chồng có trách nhiệm. Nhìn cuộc sống bình an của con, đúng như cái tên hai vợ chồng cùng đặt, ông Hải, bà Thương vui sướng cười trong hạnh phúc.
Nghĩ về những tháng ngày đã qua, ông Hải luôn cảm ơn cuộc đời đã cho ông một mái nhà ấm áp, một người vợ dịu hiền, tận tụy, hết lòng yêu thương chồng, lúc ông đau khổ và thất vọng về bản thân nhất, bà đã không bỏ ông đi mà còn luôn bên cạnh động viên, sẻ chia cùng ông, vực ông dậy, bỏ qua những lời gièm pha, xì xào bàn tán của người đời; và cảm ơn đứa con gái nuôi đã ở lại cùng vợ chồng ông, người không sinh ra nó nhưng lại cho nó sống thêm một cuộc đời. Thiết nghĩ, ông trời chẳng lấy mất hết hạnh phúc của ai, mà lại cho họ niềm hạnh phúc trọn vẹn, từ những điều không trọn vẹn nhất.
Lan Tường