|
Anh Nguyễn Văn Út và chị Phạm Thị Thủy (thứ hai và thứ ba từ bên phải) giao lưu tại chương trình |
"Nếu có đủ cảm thông, biết sắp xếp công việc, thì hạnh phúc không khó tìm"
“Theo thời gian dẫu mái tóc hoa râm/Vẫn thấy bên vai mình một tình yêu của anh/Vẫn thấy bên vai mình một tình yêu thủy chung” - giai điệu của bài hát Hương tình yêu ngân vang khán phòng khi vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh và chị Lê Uy Uyển (hiện sống tại Củ Chi, TP.HCM) nắm tay nhau dò dẫm bước xuống sân khấu trong sự hỗ trợ, dìu đỡ của hai đứa con.
Nắm chặt bàn tay bà xã khi trò chuyện với chúng tôi, anh Thanh bật mí: “18 năm trước, hai đứa tôi cũng nắm tay nhau hát bài hát này trên sân khấu trong lễ cưới của mình. Sáng nay tôi giật mình khi nghĩ đến 18 năm. Không ngờ thời gian trôi nhanh như vậy, chắc do cuộc sống gia đình êm đềm quá”. Rồi anh hạnh phúc khi giới thiệu hai đứa con, một bé lớp Tám và một bé lớp Ba, nhưng có thể giúp mẹ chiên cá, nấu cơm, đạp xe chở mẹ đi chợ. “Lúc chưa sinh con, vợ chồng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, gia đình, bạn bè đã động viên nên chúng tôi mới mạnh dạn…” - anh Thanh tâm sự.
Anh cũng cho biết, thiệt thòi lớn nhất của vợ chồng anh là không nhìn được khuôn mặt của con mình, không thể dành cho con ánh mắt yêu thương. Tuy nhiên, anh cảm thấy may mắn khi hai con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và ham học. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn mà dù vất vả bao nhiêu, anh cũng chịu được.
Năm hai tuổi, anh Thanh bị ban sởi và trở thành một đứa trẻ khiếm thị. Còn chị Uyển bị khiếm thị bẩm sinh. Lớn lên, họ học cùng trường, cảm mến nhau và tình yêu nảy nở. Sau khi cưới nhau, cả hai đều có việc làm ổn định. Anh Thanh hiện là giáo viên âm nhạc của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Mỗi ngày, anh vượt hơn 40km đi - về giữa Củ Chi - Q.10 bằng xe buýt. Còn chị Uyển là Phó Chủ tịch Hội Người mù H.Củ Chi. Chị Uyển cho biết, làm công tác xã hội, đa phần phải có khả năng vận động để thu hút các nguồn lực xã hội. Việc đó đối với người bình thường đã khó, càng khó hơn đối với một người khiếm thị như chị. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chị đã khắc phục được cái khó đó bằng cách tạo niềm tin với những người mình tiếp xúc nhờ sự chân thành.
Khi được hỏi làm thế nào để cân bằng cuộc sống gia đình khi có vô vàn những bất tiện do khiếm khuyết cơ thể mang lại, anh Thanh cho biết, anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, đầy tình yêu thương, do đó, khi có gia đình, anh tâm niệm sẽ mang đến cho vợ và các con cuộc sống tốt bằng cách cố gắng đi làm để có thu nhập, lo cho các con được ăn học đàng hoàng.
Tôn vinh 50 gia đình khuyết tật Sáng 29/6, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM đã tổ chức chương trình “Hạnh phúc gia đình vầng trăng khuyết” để tôn vinh 50 gia đình người khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Hoạt động nhằm lan tỏa yêu thương đối với các gia đình khuyết tật nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, đồng thời lan tỏa những thông điệp yêu thương của các gia đình hạnh phúc. Có mặt tại chương trình, 50 gia đình người khuyết tật tiêu biểu cho thấy, dù hoàn cảnh từng gia đình có khác nhau, khiếm khuyết khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua khó khăn về hình thể để hội nhập với cuộc sống cộng đồng. Họ có trái tim khát khao yêu thương và luôn hướng đến việc xây dựng một mái ấm hạnh phúc, vun đắp tình yêu thương, nuôi con khỏe mạnh, trưởng thành. “Đối với những người bình thường, xây dựng được gia đình hạnh phúc còn khó. Đối với người khuyết tật, việc xây dựng gia đình càng khó khăn hơn. Họ phải vượt qua những khiếm khuyết hình thể, rào cản và định kiến xã hội khi đến với nhau, đặc biệt với những người lành lặn khi tìm đến với người khuyết tật. Chúng tôi nhận thấy xã hội cần phải quan tâm nhiều hơn đối với gia đình của người khuyết tật vì họ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM - phát biểu. |
Còn bí quyết của chị Uyển là “nếu mỗi người có đủ cảm thông, biết sắp xếp công việc, thì hạnh phúc không khó tìm”. Và cách sắp xếp của chị là cố gắng giải quyết công việc hiệu quả, nhanh chóng để tranh thủ thời gian đi chợ nấu cơm, lo cho chồng con. “Người khiếm thị chủ yếu giao tiếp qua lời nói nên khi chồng đi làm mệt mỏi về, tôi tránh những lời nói chói tai, khó nghe mà thay vào đó là những lời lẽ quan tâm, ngọt ngào. Bên cạnh đó, những bữa cơm có những món mà chồng con thích sẽ khiến cả nhà cùng vui” - chị Uyển chia sẻ.
Để có thành quả đó, tôi phải làm việc 12-16 tiếng mỗi ngày
Anh Nguyễn Văn Út sinh ra ở Kiên Giang. Khi mới ra đời, anh cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng cơn sốt ác tính vào năm lên ba đã làm cho đôi chân anh bị liệt hoàn toàn. Gia đình nghèo, lại đông anh em, cha qua đời sớm… nên anh Út phải bước vào cuộc mưu sinh ở độ tuổi cắp sách đến trường. Trên chiếc xe lăn, anh đi từ tỉnh này qua tỉnh khác để nhặt ve chai, bán vé số, làm thuê, nhưng ước mơ có một công việc ổn định, một cái nghề luôn thôi thúc. Năm 2008, anh được người quen giới thiệu vào học nghề tại Trung tâm Dạy nghề H.Hóc Môn (TP.HCM) và chọn học tranh ghép gỗ. Ở đây, anh gặp vợ mình là chị Phạm Thị Thủy. “Những ngày học lớp kế toán, ngang qua lớp tranh khắc gỗ, tôi mê mẩn trước những tấm gỗ có hồn nên hay dừng lại, rồi dần dà mê luôn anh thợ làm tranh cần mẫn” - chị Thủy kể lại mối nhân duyên.
Chỉ sau 5 năm tốt nghiệp tại trung tâm, anh Út đã xây dựng được một cơ ngơi của riêng mình là ngôi nhà đồng thời cũng là cửa hàng tranh ghép gỗ tại xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn. Ở đó, anh vừa là thợ, vừa là thầy dạy nghề làm tranh ghép gỗ cho các bạn khuyết tật khác. Ngoài giờ làm việc, anh Út trở về mái ấm của mình bên cạnh vợ con - những người luôn nhắc nhở anh phấn đấu không ngừng. Anh nhắn nhủ với những bạn đồng cảnh ngộ: “Để có thành quả đó, tôi đã cố gắng rất nhiều, phải làm việc 12 - 16 tiếng mỗi ngày. Các bạn hãy tự tin, đừng mặc cảm, chỉ cần cố gắng hết khả năng của mình thì sẽ nhận lại kết quả xứng đáng”.
Thu Lê