Cu Tý lên tám, mẹ chị lại nhắc, liệu thấy có ai thật lòng thương thì gật đầu sớm, đừng để cu Tý ngày càng lớn sẽ càng khó. Chị em ở công ty cũng nói như mẹ, trẻ con tầm bảy tám tuổi thì còn… dễ dụ. Cho dù người đàn ông vụng về đến thế nào mà tỏ ra quan tâm, lại thêm bánh kẹo, đồ chơi thì đứa nào lại không thích. Còn khi con đã lớn là khó lòng lắm. Đứa thì xấu hổ với bạn bè. Đứa sợ người kia chiếm mất chỗ của cha mình. Đứa cả nghĩ hơn lại sợ mẹ mình bị người ta làm khổ, tệ hơn là sợ người kia chiếm mất tiền của nhà mình...
Ai cũng khuyên chị sớm lấy chồng, nhưng lấy chồng đâu phải chuyện cứ muốn nhanh là nhanh được. Người thích chị thì chị không thích, bắt tay xã giao còn thấy khó chịu nữa là. Người khiến chị để ý thì cứ lửng lơ làm chị ngại. Chị cũng từng gặp được người cho chị cảm giác chân thành, nhưng cha mẹ người ta phong kiến, không chấp nhận con dâu đem theo con riêng về nhà chồng.
Xuân hạ thu đông... thời gian cứ thế mà vùn vụt trôi, trong khi chị còn mải loay hoay tính toán. Mới mua áo mới đón tết đó, đã thấy tết quay trở lại. Cu Tý cũng đã cao phổng lên. Khi cu Tý thử áo mới, hai mẹ con đứng trước gương, chị nhận ra nó đã cao hơn cả mẹ. Ừ thì con trai đã vào cấp III, đã tuổi mười lăm.
Năm mới, chị em ở công ty chúc tết, lì xì cho con trai chị, tấm tắc: “Chà, mau lớn ghê. Làm tài xế cho mẹ được rồi đó”. Tiếng “tài xế” được nhấn mạnh, ẩn ý mẹ cần có người đưa đón. Từ con trai chị lại lan man qua chuyện con cái nhà này nhà khác: “Tuổi này mệt lắm, hay cãi, hay bắt lỗi người lớn, cha mẹ cứ điên đầu với cái dở dở ương ương của con”. Rồi hạ giọng “Khó lắm đó nghe!”.
Ừ thì khó, chị hiểu. Chị đã muốn gật đầu với anh nhưng lại thấy thương con. Lỡ con trai phản ứng mạnh, sinh hư hỏng thì chị ân hận cả đời. Anh là bộ đội biên phòng, thường xuyên xa nhà, vợ nản lòng nên chia tay. Cha mẹ anh có một vườn hoa. Chị theo địa chỉ trên mạng đến thuê một chậu mai về chưng ngày tết. Anh là người chở hoa đến. Anh đến, con trai chị mở cửa. Thấy chị đang đứng trên ghế để tháo cái quạt treo tường xuống lau, anh bật nói: “Nhà có con trai, sao lại để mẹ phải leo trèo?”.
Vậy đó, chị cưng con nên việc gì cũng tranh làm, thành quen. Lần đầu tiên có người nhắc con trai chị biết nó là con trai. Con trai đỏ mặt tía tai. Sau này, nhắc lại lần đó, anh cười: “Thôi nguy rồi, câu đầu tiên là chê trách, làm sao thằng bé chịu anh đây?”. Vậy mà con trai chị lại ưng: “Con thấy chú đó được mà mẹ”, còn làu bàu: “Con ghét mấy người làm ra vẻ”.
Làm vợ lính biên phòng, cuộc sống của chị cũng chẳng thay đổi bao nhiêu. Bạn bè lắc đầu, chừng đó năm sống một mình chưa đủ sao mà đâm đầu lấy chồng lính? Quanh năm anh ở đơn vị, cuối tuần có khi về khi không. Chị vẫn không có người thường xuyên chở đi làm, đi chợ... Cũng hiếm hoi những buổi tối cùng ngồi trước ti vi, cùng bạn bè tụ tập, hay đơn giản chỉ là gối đầu lên chân chồng vừa đọc báo vừa lơ mơ ngủ...
Giờ thì chị đâm ra mong tết như trẻ con, vì đó là dịp anh có mặt ở nhà dài ngày. Con trai nhận xét: “Mùa tết là thấy mẹ cười hoài”, khiến chị giật mình giấu ngay niềm vui vào lòng vì sợ con ghen tị. Biết ngày anh về, chị cũng muốn mặc váy mới đón anh nhưng thấy cái nheo mắt của con trai, chị đành thay lại cái váy thường ngày.
Con trai nói: “Mẹ mặc váy mới đẹp, sao lại thay đi?”. Chị làm ra vẻ bận rộn, không trả lời. Sống giữa hai người yêu thương nhất đời, chị luôn cân nhắc từng cử chỉ, câu nói, nụ cười để giữ cho mình có được cả hai. Nói chuyện với anh về công việc thì không sao, nhưng nói chuyện tình cảm nhớ nhung chị phải đợi khi con trai vắng nhà. May là ngày tết con trai đi chơi với bạn suốt.
Mọi năm, con trai hay hỏi: “Mẹ thích con lì xì gì không?”. Câu trả lời của chị luôn là: “Chỉ cần con vui là mẹ thích nhất”. Từ khi có anh, chị lại thích điều khác, chỉ mong con trai gọi một tiếng “ba”. Nhưng, tiếng gọi đơn giản mà thiêng liêng đó là món quà không dành riêng cho mùa xuân. Anh lại không nhiều dịp gần gũi gia đình để vun đắp tình cảm và sự gắn bó với con. Chị hay nhắn anh về họp phụ huynh cho con trai, nhưng cố lắm cũng chỉ được bấy nhiêu. Không thể có được những buổi tối anh kèm con học hành, những cuối tuần cùng đi bơi hoặc chơi cầu lông, bóng bàn...
Đành vậy! Chị tự an ủi. Chuyện xưng hô thật ra không quan trọng bằng việc con trai chị luôn có thái độ tôn trọng anh. Nghĩ vậy nhưng chị vẫn thấy buồn buồn. Trong quan hệ gia đình mà chỉ tôn trọng thôi thì chưa đủ. Chị cứ nghĩ quanh quẩn thế, nhất là vào những lúc anh lại đi, nhà chỉ còn hai mẹ con.
Anh quyết định chuyển ngành. Bàn đi tính lại, đã quen đời lính nay thành thường dân, anh sẽ làm gì? Những cuộc điện thoại bàn bạc làm chị mất ngủ, chỉ mong có anh bên cạnh. Mong là vậy nhưng chị lại sợ phải đối diện với thực tế, đàn ông mà rơi vào cảnh thất nghiệp thì dễ sinh rượu chè. Lúc nào chị cũng lo. “Người như chú thì không thất nghiệp đâu mà mẹ lo” - câu xác định như người lớn của con trai khiến chị rất đỗi ngạc nhiên, cứ như sự trưởng thành của con là một bí mật, đến lúc này mới bật ra.
Ừ, tính đàn bà lo xa vậy thôi, chứ người như anh thì đúng là không có gì phải lo. Nhưng mà... Sao con trai lại xếp áo quần vào ba lô đòi ra ở ký túc xá? Chị khóc òa. Nếu con không muốn chú ở cùng thì mẹ sẽ tính lại. Con trai cũng khóc, nước mắt nóng hổi vai chị: “Con cũng mong chú về với mẹ mà. Nhưng chẳng lẽ con phải kiếm cớ đi chơi với bạn suốt ngày hoài sao?”.
Bất ngờ quá! Chị nhìn con trai qua màn nước mắt, nhớ lại những ngày tết có anh về, con trai đi biệt cả ngày. Chị đã không nhận ra đó là món quà con trai lì xì cho mình. Chị đã để kinh nghiệm của người khác ám ảnh mình đến mức không nhận ra được hạnh phúc hiển hiện ngay trước mắt.
Nguyên Hương