Hạnh phúc nhọc nhằn

15/05/2014 - 16:13

PNO - PNO - Mỗi năm đến ngày lễ Tết là con cháu lại lũ lượt kéo về quê. Ai cũng bảo cha mẹ tôi hạnh phúc khi có con cái xum vầy, hiếu thuận, lễ nghĩa. Nhưng để có những ngày vui ngắn ngủi ấy, cha mẹ tôi đã vất vả biết bao.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Trước lễ 30/4, nghe các con điện thoại báo tin sẽ về nhà nghỉ lễ một tuần, mẹ vội vàng dọn nhà cửa tươm tất, giặt chăn mền sạch sẽ. Nhà chỉ có hai ông bà già nhưng mẹ vẫn mua sẵn chăn mền, áo gối để dành cho con cháu. Những đứa cháu sinh ra ở thành phố, quen với cuộc sống tiện nghi nên hở chút là chê ỏng, chê eo. Mẹ sợ cháu chê mùi chăn gối mốc, phải ngâm đi xả lại bao lượt xà bông. Sau đó, mẹ lại tất tả lau chùi bếp núc. Mẹ biết tính con gái và con dâu sạch sẽ, gọn gàng. Mẹ sợ để bụi bẩn, các con sẽ chê mẹ ở nhà bừa bộn.

Hanh phuc nhoc nhan

Cha biết đám cháu nhỏ thích leo trèo vườn cây hái trái. Sợ cháu té ngã nên cha phải chú ý kiểm tra, cắt bỏ những cành mục ruỗng, khô héo. Gần đây, cha đau lưng suốt, đám mắc cỡ cuối vườn được dịp mọc um tùm. Cha lại nai lưng giữa trưa nắng, nhổ bỏ từng khóm mắc cỡ, sợ cháu nhỏ đạp gai. Từ khi nghe tin con cháu về, cả ngày hai ông bà cứ thấp thỏm ra vào. Không ai bảo ai, đôi mắt già nhấp nhem cứ mở chong chong hướng ra đầu ngõ.  Cho đến khi chiếc xe hơi 7 chỗ từ từ rẽ vào nhà, hai ông bà cùng khấp khởi ra đón.

Cha mẹ có bốn người con trai, tất cả đều đã lập gia đình. Tôi là út chưa lập gia đình, còn đi học nên thường xuyên về thăm ba mẹ. Những ngày nghỉ lễ, tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn của mẹ. Chưa một bữa cơm nào, mẹ ngồi ăn cùng các con. Hai chị dâu tôi có con nhỏ, cháu 8 tháng tuổi, cháu hơn 2 tuổi. Hai cậu bé cứ ngọ nguậy, khóc lóc, bữa cơm dọn ra, không chị nào được ngồi vào bàn ăn yên ổn. Mẹ vừa ẵm cháu bé 8 tháng tuổi, vừa dỗ dành cháu 2 tuổi để các con thoải mái ngồi ăn cơm. Khi các anh chị lo lắng hỏi han, mẹ xua tay: “Mẹ mới ăn nên không đói. Các con cứ ăn đi. Để mẹ ẵm cháu cho”. Sợ các con áy náy, mẹ ẵm cháu đi lòng vòng quanh xóm. Mẹ chẳng còn khỏe nên chỉ giữ hai cháu nhỏ một chốc lát, lưng áo đã ướt đầm đìa mồ hôi.

Đến quá trưa, các con túm tụm hát karaoke vui vẻ, tôi thấy mẹ lủi thủi dưới bếp ăn bữa cơm trưa một mình. Sợ tôi nghĩ ngợi, mẹ vội giải thích: “Sao dạo này mẹ nhanh đói quá. Mới ăn mà giờ đã đói rồi”.

Hanh phuc nhoc nhan

Các anh chị ở thành phố cả năm, hiếm khi về nhà nên chẳng biết vị trí đồ đạc trong nhà để đâu. Chị dâu thì “lấy cho con cái rổ”, anh trai thì “ hộp tăm ở đâu hả mẹ?”, “còn bịch trà nữa”. Đôi chân mẹ lại tất tả từ nhà trên xuống bếp dưới để lấy đồ đạc cần thiết cho các con. Các con cũng vô tư đến vô tâm, không biết nỗi nhọc nhằn của mẹ. Cứ thế cả ngày mẹ đi lên, đi xuống như cái máy. Mệt nhọc là vậy nhưng mẹ chẳng càm ràm, ca cẩm nửa lời, lúc nào cũng cười tươi vui vẻ.

Cha cũng chẳng khỏe gì hơn. Đám cháu lớn, tuổi lên 9-10, háo hức, hăm hở khám phá vườn cây. Cha vừa phải đi theo canh chừng để lũ trẻ khỏi ngã, vừa phải canh không cho chúng bẻ cành, hái trái non. Lũ cháu nghịch ngợm chẳng vừa, hái quả bưởi xanh làm trái banh đá lòng vòng trong vườn. cha xót trái cây trái mùa nhưng chiều các cháu nên không la mắng. Nhìn cảnh cha già chạy qua chạy lại, luôn miệng nhắc nhở các cháu leo cây hái trái cẩn thận mà thương cha biết bao.

Một tuần nghỉ lễ trôi qua, các con trở lại thành phố, tất bật với cuộc sống ở đô thị. Mẹ đưa con cháu ra xe, gương mặt buồn rười rượi nói với theo: “Tranh thủ hôm nào được nghỉ về nhà thăm cha mẹ”. Cha vội ngắt lời: “Bà để cho tụi nó lo làm ăn. Về quê làm gì”. Biết cha nói vậy nhưng cũng giống mẹ đều mong con cháu về, dẫu những ngày đó, cha mẹ chẳng nhàn nhã chút nào. Nhưng có một niềm hạnh phúc nhỏ bé len lỏi trong những nỗi nhọc nhằn ấy.

TIÊN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI