Hạnh phúc nhọc nhằn

11/01/2019 - 14:00

PNO - Đi ngang qua anh, tôi ngửi thấy mùi nước hoa lạ vương trên vai áo. Mùa đông lạnh, một hơi ấm cũng dễ khiến người ta lạc đường. Mà có phải anh lạc đường không?

Chị dâu tôi vướng vào một căn bệnh tinh thần khó tả, bác sĩ giải thích bằng từ chuyên môn gì đó tôi không nhớ được, đại khái là não bộ của chị bị lỗi. Khi vui khi buồn bất chừng, khi sừng sộ nặng lời mắng mỏ chồng rồi lại yếu ớt khóc lóc cần che chở…

Mà cũng lạ, cơn bệnh của chị chỉ mắng mỏ nặng lời với chồng! Những người khác chỉ thấy chị bần thần mệt mỏi mà thôi. Vậy nên, phía bên gia đình chị đặt câu hỏi hay là anh trai tôi đã từng làm gì rất kinh khủng, khiến chị tổn thương đến mức đổ bệnh kiểu đó? 

Tôi nhớ lần đầu tiên câu hỏi này được nêu ra, khuôn mặt anh trắng bệch như tờ giấy. Vì tổn thương? Hay vì trúng tim đen? Không chỉ gia đình bên chị mà cả cha mẹ tôi cũng nín thở đợi nghe câu trả lời.

Anh không phân bua và cũng không giận dữ nếu câu hỏi là oan ức. Anh chỉ nói: “Hãy hỏi vợ con khi cô ấy tỉnh táo”. Mà những khi tỉnh táo thì chị dâu vui vẻ ca hát và nói về chồng một cách rất ngôn tình khiến ai nấy lại nảy hy vọng tình yêu có thể cứu vãn… 

Hanh phuc nhoc nhan
Ảnh minh họa

Chịu đựng bao cơn sừng sộ của vợ và góp nhặt những chút vui. Tối nào điện thoại reo lên giữa khuya là tôi biết anh gọi. Chờ cho vợ và con gái ngủ say, anh mừng rỡ kể tôi nghe bác sĩ nói có loại thuốc mới cho căn bệnh của chị, một số bệnh nhân tương tự chị đã bình phục. Rằng chiều nay chị dễ thương lắm, tắm rửa xức nước hoa thơm phức, mặc áo quần đẹp đòi anh đưa đi chơi, còn nhắc mua quà cho con gái nữa. Chị còn nhớ ra là mình đang bệnh và hỏi chồng: “Khi em mệt thì anh chăm con làm sao?”. 

Chăm con làm sao ư? Đàn ông hay đàn bà chăm con đều giống nhau, là nấu nướng, rửa dọn rồi kể chuyện cổ tích cho con nghe, có khi bò lổm ngổm quanh nhà làm ngựa cho con nhong nhong. Con lớn thêm một chút thì anh lên mạng học cách thắt bím tóc và thắt nơ dây ruy-băng cột tóc, phải trả lời vô số câu hỏi ấm ớ, và có cả câu hỏi lặp lại từ nhà ngoại: “Cha đã làm gì khiến mẹ đổ bệnh?”. 

Giữa khuya, tiếng thở dài của anh chừng như bất tận: “Anh không trả lời vì biết có nói mọi người cũng không tin, rồi tam sao thất bản thành ra nhiều chuyện. Căn bệnh của vợ anh quá oái ăm. Nhưng mà với con bé thì anh không thể im lặng. Anh sợ con nghĩ bậy rồi lỡ ra… Phải phân bua với đứa con mới mười tuổi, cực lòng quá em à”. Những cuộc điện thoại giữa khuya thường rơi vào nín lặng lưng chừng, thương anh mà tôi chẳng biết nói gì, lời an ủi sáo rỗng lại càng không nên. 

Có những cú điện thoại nặng nề, anh kể mấy hôm nay chị khóc lóc hoài khiến không khí gia đình bức bối, tội nghiệp bé Hoa quá, nên chiều nay anh nấu nồi cà-ri, bày biện này kia và cho phép bé Hoa rủ bạn đến chơi cho vui. Vậy mà chị xộc vô bếp, xáo tung đống rác vỏ khoai vỏ cà rốt anh chưa kịp dọn dẹp, chị trượt té mà anh không kịp đỡ. Chị rền rĩ là anh cố tình xô đẩy chị... 

Sợ bé Hoa mất vui với bạn bè nên anh tìm cách đưa chị vào phòng và dọn riêng một mâm. Chị nhúng bánh mì mềm nhũn trong tô và khuấy mọi thứ nát bét rồi chê dở quá không ăn... Tôi cố lái câu chuyện qua hướng khác: “Rồi anh ăn trong phòng cùng với chị hay chung vui với bé Hoa và bạn bè ở phòng khách?”. Câu trả lời chán nản: “Anh no ngang chẳng thiết ăn uống gì”. Dứt cuộc gọi, một hồi sau, anh gửi tin nhắn: “Anh mệt lắm. Thật sự mệt. Anh đuối quá. Anh muốn kết thúc”.

Tôi đọc đi đọc lại tin nhắn, không dám gọi lại. Tôi hiểu là anh kiệt sức rồi. Nhưng kết thúc gì? Kết thúc cuộc sống vợ chồng hơn chục năm nay chỉ còn là bổn phận và trách nhiệm? Hay anh muốn tự sát cho xong? Đôi khi người ta cạn kiệt tận cùng… Tôi rón rén gửi lại tin nhắn “Hãy nhớ là anh còn bé Hoa, đừng có tính chuyện kết thúc vô duyên vậy”. 

Hanh phuc nhoc nhan
Ảnh minh họa

May mà có bé Hoa. Anh yêu thương con gái biết mấy. Yêu thương gom góp cả phần dành cho mẹ nó mà bị từ chối phũ phàng. Tuổi chớm dậy thì, bé Hoa xinh như một bông hoa và bông hoa nhỏ đó cho anh niềm an ủi vô biên. Tình yêu thương dành cho con gái níu giữ được anh lại sau bao chán chường vì niềm hy vọng về hạnh phúc vợ chồng bị bào mòn theo năm tháng đằng đẵng…

Nhưng con cái là không đủ. 

Suốt bao năm chịu đựng khóc khóc cười cười vô cớ, anh thèm được nghe người phụ nữ đời mình nói một câu dịu dàng và cử chỉ chăm sóc trìu mến, anh thèm bữa cơm được có người phụ nữ nấu món mình thích, anh thèm trong cơn cảm sốt giao mùa được bàn tay người phụ nữ xoa lưng... Những điều vậy đơn giản mà với anh là cả trời ước ao, anh nói thành lời với tôi trong nước mắt của cơn say, chẳng lẽ anh phải sống thế này hoài mãi sao? Loáng thoáng, đời người mấy nỗi mà anh đã hết lòng với vợ hơn chục năm rồi. Đến lúc này, anh muốn sống cho mình thì có đáng bị trách móc không? 

Tỉnh cuộc rượu, chẳng biết anh có nhớ mình nói gì trong cơn say.

Một chiều cuối tuần, anh thì thầm qua điện thoại: “Tối nay anh về trễ, em qua nhà chơi với hai mẹ con giùm anh”. Âm thanh thầm thì báo hiệu một điều che giấu mà ngay lúc đó tôi đã không đủ tinh ý nhận ra. Thương anh mà không thể chia sẻ được, tôi luôn sẵn sàng thực hiện điều anh nhờ cậy, tôi chỉ mong mình có thể làm được chút gì đó cho anh. Và tôi cũng mong muốn làm được chút gì cho chị nữa. Vậy nên tôi hớn hở đem theo mấy bộ váy áo và giày dép tặng chị. Bày ra mặc thử áo này váy kia giày nọ, rồi lại thay đổi áo nọ váy này giày kia, giành nhau soi gương, tôi khuấy động không khí chộn rộn và chị nhiệt tình hưởng ứng. Tôi hình dung chị điệu đàng dễ thương đến thế nào trong bộ váy đẹp khi anh về. Nhưng không, chị đóng sập cửa phòng lại như anh là kẻ đột nhập đáng ngại.

Tôi giật mình nhận ra cú sập cửa lần này không chạm được tới anh. Thay cho cái lắc đầu và tiếng thở dài như tôi thường thấy, thì hôm đó anh lại mỉm cười như thể chị chỉ là một đứa bé đáng được thông cảm. Đi ngang qua anh, tôi ngửi thấy mùi nước hoa lạ vương trên vai áo. Mùa đông lạnh, một hơi ấm cũng dễ khiến người ta lạc đường. Mà có phải anh lạc đường không? 

Nhìn vợ anh sau cơn nặng nhẹ thì ngồi ôm con gấu bông ru à ơi, tôi nhói lòng tự hỏi nếu chị biết chồng mình đã có người mới… Chị có cảm nhận được điều đó không? Hình như không, bất kể mùi hương lạ, bất kể gương mặt anh bừng lên ánh sáng của niềm vui che giấu mà cứ rạng ngời.

Rõ ràng là không phải ăn bánh trả tiền.

*

Điều phải đến đã đến. Người phụ nữ có thai. Anh nhờ tôi giúp chăm sóc cô ấy khi sinh nở. 

Tôi nhăn nhó không muốn mình tiếp tay cho sự sai trái này, nhưng thật lòng thì tôi cũng hiểu khó phân định đúng sai trong hoàn cảnh của anh. Anh trai tôi chỉ là một người đàn ông bình thường với những khát khao bình thường. 

“Rồi sau đó thì sao?”, tôi hỏi anh. Anh cắn nghiến quai hàm không trả lời. Với vợ anh thì đã hẳn, nhưng bé Hoa, bao năm chứng kiến cha tận tình lo cho mẹ khiến anh trở thành thần tượng trong mắt con gái, sự đổ vỡ hẳn là kinh khủng.

Tôi hình dung anh đi về giữa hai nơi, một công khai và một lén lút. Hạnh phúc quá đỗi nhọc nhằn. 

Biết làm sao đây?

 Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI