Trưa Sài Gòn nắng gắt, một người đàn bà thấp đậm, mặc chiếc áo hộ lý đẩy cửa bước vào phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ. Hôm nay, bà vào không phải để lau chùi, quét dọn mà để thông báo với cả phòng con bà đã chết do căn bệnh ung thư máu.
|
Nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê (áo trắng) an ủi bà T. bớt xúc động |
Bà tên N.T.T. (52 tuổi, quê ở Tiền Giang) làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ suốt 4 năm nay. Vò đôi tay vào nhau để nén những giọt nước mắt đang sắp bật ra, bà T. lắp bắp cảm ơn các cô ở phòng Công tác xã hội và các y bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ đã giúp mẹ con bà trong thời gian qua.
Khi mất, con gái bà mới 24 tuổi. Chồng bà bỏ đi đã 5 năm. Ngày con gái hấp hối, cũng không thấy chồng bà trở về… |
Câu chuyện của bà T. khiến mọi thanh âm trong căn phòng bỗng nhiên dừng lại. Nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê (48 tuổi, quê Củ Chi, TP.HCM) bỏ dở câu chuyện với khách, đứng lên an ủi bà T. Bốc vội chiếc điện thoại, chị liên lạc với cấp trên, bàn chuyện hỗ trợ một chút kinh phí từ quỹ thiện nguyện để bà trang trải việc tang gia. Quệt nước mắt, bà T. xua tay từ chối.
Phòng Công tác xã hội của các Bệnh viện Từ Dữ vốn là nơi xuất hiện nhiều câu chuyện thương tâm, nhiều cuộc đời khốn khổ như bà T. Gắn bó với phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ từ ngày đầu thành lập (cách đây 3 năm), nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê gần như hình thành một phản xạ có điều kiện khi có người đẩy cửa bước vào: đó là mời ngồi và sẵn sàng tâm thế lắng nghe những câu chuyện buồn.
|
Phụ nữ đến khám tiền sản tại Bệnh viện Từ Dũ |
Chiếc điện thoại của nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê thường xuyên có cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Có khi tìm gặp chị để hỏi thủ tục làm sao xin bệnh viện cho phép nhận trẻ bị ba mẹ bỏ rơi làm con nuôi? Có khi gọi đến chỉ để hỏi chuyện bỏ con.
Đến nỗi, có lần bệnh nhân tiết lộ họ có số điện thoại của nữ hộ sinh Huê từ bà bán rau ở chợ - cạnh một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Bà rỉ tai cho những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm gặp chị để xin con bỏ rơi. Những trường hợp này đều được nữ hộ sinh Huê tư vấn cặn kẽ theo đúng quy định của luật pháp vì Bệnh viện Từ Dũ không có thẩm quyền nhận con hay cho con.
Những chuỗi ngày ngồi ở Phòng Công tác xã hội, điều khiến chị Huê trăn trở nhất vẫn là trường hợp mẹ mang bầu tìm gặp chị để xin bỏ thai hoặc chối bỏ con sau khi sinh.
|
Một em bé chào đời tại BV Từ Dũ dịp Tết âm lịch 2019 |
Mới đây, một cô bé vừa tròn 20 tuổi cũng đẩy cửa phòng, tìm gặp cô Huê. Em mang thai hơn 5 tháng – thai quá lớn để có thể bỏ đi. Khuôn mặt xinh xắn nhưng đầy âu lo. Em cho biết quê ở tận miền Trung, gia đình nghèo khó, em vào Bình Dương làm công nhân.
Bố mẹ chia tay nhau, em không dám kể với mẹ chuyện mình có thai. Không có tiền, không có ai giữ con, bế tắc trong cuộc sống, người mẹ trẻ muốn đẻ xong thì cho đứa bé đi. Người chị gái đi cùng luôn hối thúc em mình chọn giải pháp cho đứa bé đi sau khi vượt cạn.
Nhìn vẻ mặt băn khoăn của người mẹ trẻ, nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê nhìn thấy phía sau ý định cho con là một tâm trạng rối bời, lưỡng lự. Chị đưa cho cô gái trẻ hai lựa chọn: cho con đi và giữ con lại, rồi chị phân tích: "Lựa chọn nào cũng khiến em đối mặt với khó khăn. Khó khăn có thể rồi sẽ qua đi nhưng con mình sinh ra, cho đi rồi sao có thể tìm lại được?"
|
Nhiều vợ chồng hiếm muộn bán hết tài sản để mong có con, nhưng nhiều bà mẹ lại muốn chối bỏ bào thai |
Thấy chưa thuyết phục được cô gái trẻ, chị tiếp tục dẫn dụ những bà mẹ hối hận khi một thời lầm lỡ bỏ con. Chị kể, khoảng 20 năm trước, ở chính Bệnh viện Từ Dũ, một phụ nữ sau khi sinh đã đem đứa bé còn đỏ hỏn cho người ta.Sau đó chị đi lập gia đình mới, chuyển ra nước ngoài, sinh sống.
Những tưởng một cuộc sống đủ đầy, vứt bỏ quá khứ sẽ khiến chị sống an nhiên. Thế nhưng, cứ mỗi đêm, chị ám ảnh con gái luôn gọi mẹ trong mơ, ruột gan chị cồn cào. Chị quyết định trở lại Việt Nam tìm con. Cuối cùng, một số người nắm giữ thông tin cho biết con chị qua đời sau một tháng bị mẹ bỏ rơi.
Câu chuyện ấy đã khiến cô gái ở Bình Dương dao động. Hiểu được cái khó xử của em khi có người chị gái nhất nhất muốn em bỏ con, nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê nhẹ nhàng khuyên bà bầu trẻ về suy nghĩ lại, hôm sau đến gặp.
Sau 4 lần gặp nhau, cô gái ở Bình Dương quyết định giữ con lại và thông báo cho mẹ ruột của mình. Cô quả quyết: "Mẹ có thể la em, nhưng chắc sẽ không bỏ cháu ngoại".
|
Nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê (ngoài cùng bên trái) và các đồng nghiệp tại BV Từ Dũ |
Người phụ nữ ưa chuyện “bao đồng”
Hễ nói chuyện về công tác xã hội – việc mà bao người gọi là lo chuyện thiên hạ, giọng của nữ hộ sinh Huê lại hiện rõ niềm vui. Với chị, dù công việc nào cũng phải luôn nỗ lực cao nhất để đạt chất tốt nhất.
Chính vì lý tưởng đó nên khi phân công đến bộ phận nào chị cũng hoàn thành xuất sắc. 24 năm về trước – chị được phân công về khoa Hậu phẫu – Mole chorio (thai trứng). Rồi sau đó, tham gia chương trình tư vấn cho bà bầu tránh lây truyền HIV sang con.
Kinh nghiệm của hơn 15 năm tiếp xúc với các bà bầu bị nhiễm HIV đã cho nữ hộ sinh Huê kỹ năng khuyên giải những ca khó như câu chuyện của bà bầu trẻ ở tỉnh Bình Dương.
|
Nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê ví von công tác xã hội như chiếc cầu nối giữa người bệnh và các bác sĩ |
"Những bế tắc của phụ nữ như con đường bị cỏ cây che khuất. Chỉ cần mình khơi gợi, giúp họ tự suy nghĩ, tự tìm ra giải pháp, chắc chắn họ sẽ tìm được lối ra của chính mình”, nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê |
Nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê chia sẻ: “Không ai có quyền quyết định cuộc đời đứa bé thay cho người mẹ. Nhưng thật ra, đứa bé không có tội gì cả.
Vì thế, quan điểm của tôi là cố gắng khuyên mẹ phải giữ con lại, trừ những trường hợp có chỉ định y khoa phải bỏ đi".
|
Nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê trong chuyến công tác đưa các em ở Làng Hòa Bình đi thăm một nạn nhân chất độc da cam ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: BV Từ Dũ |
Chị trở nên quen mặt với lực lượng tình nguyện viên của Phòng Công tác xã hội TP.HCM. Lúc thì chị gọi đến nhờ kiếm nhà trọ cho bà bầu lót ổ chờ sinh. Khi thì nhờ kiếm công việc cho bà bầu sau khi sinh con.
Tất bật với hàng trăm thứ việc trong ngày, có đôi lúc người ta thấy nữ hộ sinh Lữ Thúy Huê qua đêm hẳn trong Bệnh viện Từ Dũ. Vì với chị, đôi khi chỉ một chút “tranh thủ” của mình nhưng đó lại là cả những đợi chờ mong mỏi của những gia đình khó khăn, đang cần được hỗ trợ.