Hạnh phúc nhiều khi không phải là sự tròn trịa, nó là cái gì đó lành lại sau đứt gãy, là lúc mình đã bớt đau sau khi ngồi lặng thấm thía nỗi đau, dỗ dành cho nó qua đi.
Hồi cái xứ cồn quê nội có rất nhiều căn nhà quay mặt về sông là lúc tôi chưa đủ lớn. Nhà chị họ tôi cách nhà nội mấy trăm thước, cũng là một căn nhà quay mặt về sông nên hễ qua nội là tôi lên nhà chị, để nằm trên chiếc võng giăng ở hàng hiên, hưởng gió mát từ sông thổi lồng lộng mà đọc sách, để ngồi trên hàng hiên gỗ lên nước bóng loáng, nhìn ghe xuồng đi lại và ngắm mặt trời chìm dần.
Chị tôi thích lấy tên các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng những năm 1980 để đặt tên cho mấy đứa con. Chị làm nghề bán cá tươi do chồng chị thả lưới kiếm được ở dòng sông này. Anh chăm chỉ và cần cù, lại không trà không rượu. Đàn ông ở quê như vậy là loại hiếm.
Sau buổi chợ, chị chỉ nằm khoèo coi cải lương, xức kem dưỡng da mua từ hàng mỹ phẩm chợ quê, lâu lâu nổi hứng ngồi hàng hiên hát mấy câu vọng cổ.
Khi nào nghe tiếng dây xích xuồng rủng rẻng là chị biết anh về. Khi đó, chị sẽ xuống cầu, đỡ lấy thùng cá còn nhảy lộp độp từ tay anh, cười giòn tan như nắng. Khi đó, anh lặng lẽ cột xuồng vô mấy cây cột nhà cắm xuống dòng sông, rồi xăng xái đi xách nước đổ đầy các lu, lắng phèn trong veo cho chị tắm.
Sau chừng đó năm êm ả, lúc mấy đứa con tới tuổi có gia đình riêng, lại nghe chị đã bỏ chồng. Chỉ là “phủi một cái sạch bách” rồi “bỏ đi cái rột” theo một mối tình khác, không nói trước, không nhà cửa, con cái, tài sản.
Người ta nói sáng đó chị vẫn đi chợ bán cá, và từ chợ, chị rời đi luôn.
Tất nhiên, chị bị cả họ dè bỉu từ mặt. Người ta đồn đoán đủ thứ về chị, về người đàn ông xông vào đời chị, để chị làm nát bét cuộc trăm năm.
Người ghét thì nói vừa gặp chị ở góc chợ kia kìa, giờ nhìn thảm lắm, già đi rất nhiều. Người không ghét không thương thì chép miệng, nói sống sung sướng không chịu lại chịu dãi dầu. Người hồi nào từng qua lại chút đỉnh thì nói đâu có đâu, bữa thấy “con mẻ” tóc uốn cuộn sóng, nhìn phốp pháp, nở nang.
Nhà xứ cồn giờ đã hết có cái nào quay mặt về sông. Người chị mê cải lương đến nỗi coi đời mình như một vở tuồng đã giống như một khúc sông không bao giờ quay trở lại.
Cắt đứt một cuộc trăm năm này để cột vào cuộc trăm năm khác, không biết chị có vui hơn hay chỉ là như lúc chợ đã tan, lúc trút con cá cuối cùng vào chiếc giỏ của người khách cuối, chị thấy mình cũng dứt nợ. Chị đứng dậy và hưởng một cuộc liều, chỉ để sống khác ngày hôm qua.
Đôi khi tôi cứ thắc mắc, cớ gì người ta luôn thích thêu dệt ra những câu chuyện về người này người nọ dù họ chưa bao giờ chứng kiến những gì người đó từng trải qua trong đời. Cái thói tỵ hiềm (tôi nghĩ mình cũng có) khi nghĩ người khác hạnh phúc hơn mình, vui vẻ hơn mình vẫn tiềm ẩn đâu đó trong từng lời nói, cử chỉ, cái nhìn; cả trong những giả vờ chia sẻ.
Hầu như, ta luôn ôm định kiến rằng cuộc sống luôn thiếu công bằng, rằng hễ ai hạnh phúc hơn luôn là đứa có nhiều lầm lỗi, luôn có một ai đó không đáng hưởng hạnh phúc. Mà hạnh phúc là cái gì đó quá vô chừng, bởi nó thuộc về sự riêng tư.
Chính vì nó riêng tư nên hạnh phúc của người này luôn không giống như người khác. Thế nhưng cớ gì những tổn thương vẫn ẩn náu trong từng ngóc ngách, từng ngã rẽ, từng lời được nói ra. Câu chuyện của người chị nhà ven sông mang lại cho tôi những khoảnh khắc buồn ghê gớm khi nghĩ về thứ hạnh phúc mỏng manh của đời sống gia đình - nơi người ta luôn nghĩ là bền chặt nhất.
Song, đó cũng là khoảnh khắc mà tôi hiểu rằng mình cần chấp nhận sự thật từ mỗi câu chuyện. Như cách má tôi luôn dặn “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, rằng gia đình không phải là thứ dễ đánh đổi nhưng lại cũng là thứ dễ mất đi.
Bao nhiêu cuộc chia lìa, bao nhiêu sự tan vỡ đều vì lý do không đủ nhân duyên. Mà nhân duyên hẳn là cái mà chính bản thân, chính cảm xúc của riêng người đó khi nhận ra người kia là tri kỷ hay không. Vậy nên đừng nhìn bên ngoài đánh giá hay giễu cợt hạnh phúc của người khác, cũng đừng đem lòng tỵ hiềm, ghen ghét ra cư xử khi ai đó hơn mình.
|
Hạnh phúc của người này không giống hạnh phúc của người khác. Ảnh minh họa |
Người chị đã dám làm một chuyện “động trời” chắc cũng chỉ để mưu cầu hạnh phúc. Vậy nhưng hạnh phúc của chị dù có xấu xí hơn, xù xì hơn, hoang đường hơn hay gì đi nữa thì đó cũng vẫn là của chị. Được là mình, được sống như mình mong muốn hẳn đã là một hạnh phúc.
Sống tới lúc đủ để hiểu mình muốn gì, tôi biết rằng không có lựa chọn nào tốt hơn lựa chọn nào. Phải trái hay đúng sai chỉ là cách định danh định nghĩa.
Người ta chỉ cần sống cuộc đời của mình, với những niềm vui đã để sẵn trong túi mình mà vớt ra, thì nó mới thật. Thật và đầy riêng tư, đủ để mình nâng niu, trân quý. Nhiều khi, nó chỉ là khoảnh khắc, như cách ai đó đã nắm lấy tay mình, dẫn mình vượt qua đám đông mà nhờ đó mình không sợ lạc.
Hạnh phúc nhiều khi không phải là sự tròn trịa mà là cái gì đó lành lại sau đứt gãy, là lúc mình đã bớt đau sau nỗi đau. Hạnh phúc là lúc mình nhẩn nha đi với cuộc đời của mình, sau khi đã tự tháo bớt rất nhiều thứ mình tự buộc như phải làm vừa lòng ai đó, phải làm người nọ người kia vui.
Nói như cách của ông Trang Thế Hy, người ta vẫn cứ luôn “thế vì cuộc sống” để mong cầu một “thế vì hạnh phúc”. Hạnh phúc phải thật thà.
Hạnh phúc, người nọ có khi nhiều hơn người kia, không bao giờ được chia đều. Nhưng ít hay nhiều, hẳn không phải là cách mà ta nhìn thấy hằng ngày ai đó vẫn kể trên Facebook (hay bất cứ công cụ nào) về sự hoàn hảo, cuộc sống tươi đẹp, để ta phải thắc thỏm về sự hoàn mỹ và tưng bừng.
Hạnh phúc đôi khi là một hành trình mới, một món ăn mới, một thú vui mới, một mùi hương mới và chút cảm xúc mới. Đôi lúc, đó là cả những mối quan hệ mới mẻ và rộn ràng.
Chính chúng, khẽ khàng và thấm thía, nói thêm cho ta biết mình là ai, nhắc ta đã để được bao nhiêu niềm vui vào trong chiếc túi.
Minh Phúc
Bạn có nghĩ mình hạnh phúc? Hạnh phúc của bạn là gì? Là giàu đẹp, giỏi giang, được yêu thương, hay hạnh phúc với bạn lớn lao hơn?
Hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong diễn đàn "Bạn có hạnh phúc không?", bài viết gửi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vn.
Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|