Hạnh phúc ngọt ngào như một chiếc roti tisu

17/09/2017 - 07:00

PNO - Dù đã được “cảnh báo” đợi 10 phút cho một chiếc bánh roti tisu, nhưng đôi tay đầy ma thuật của người thợ cùng hương thơm dịu ngọt nhẹ nhàng vẫn khiến chúng tôi quyết định ngồi chờ.

Hình ảnh người thợ đứng sau những chiếc bàn bếp mặt kim loại, tay thoăn thoắt trộn thứ bột vàng có mùi thơm ngòn ngọt trên đường phố Ấn Độ, hoặc khu người Ấn ở Malaysia, Singapore, chắc hẳn sẽ khiến bất cứ ai đi ngang cũng tò mò dừng lại. 

Hanh phuc ngot ngao nhu mot chiec roti tisu
 

Mặc dù đã được “cảnh báo” phải đợi 10 phút cho một chiếc bánh roti tisu, nhưng đôi tay đầy ma thuật của người thợ, cùng hương thơm dịu ngọt nhẹ nhàng, vẫn khiến chúng tôi quyết định ngồi chờ.

Trong tiếng Ấn, “roti” là một loại bánh mì mỏng, còn “tisu” là cách đọc trại âm từ “tissue” – có nghĩa là khăn giấy. Khi tận mắt nhìn và chạm tay vào chiếc bánh này, bạn sẽ hiểu vì sao nó được gọi là “bánh mì khăn giấy”: mỏng, giòn, nhẹ tênh và được cuộn lại thành hình một chiếc nón vui mắt. Trong thực đơn của những nhà hàng mamak (nhà hàng bán thức ăn nhanh của người Hồi giáo Tamil), chắc chắn không thể thiếu cái tên “roti tisu” bên cạnh nhiều loại bánh mì khác. 

Với những tín đồ của bánh ngọt, chắc chắn người bạn mảnh mai đến từ Ấn Độ này sẽ không làm họ thất vọng với từng mẩu bánh giòn rụm, nóng hổi lại thơm phức, được phủ lên một chút bơ magarine mằn mặn, một vài giọt mật ong thơm nồng, sữa đặc có đường béo ngậy hoặc đậu phộng rang giã nhuyễn. Chính vì bản chất mỏng, giòn, nên chỉ cần bẻ một mẩu nhỏ, bạn sẽ làm “tòa tháp vàng” hấp dẫn này đổ xuống trong chớp mắt!

Từ một viên bột bánh dày, người thợ đảo và ném liên tục cho đến khi nó chuyển thành một tấm bột mỏng tựa chiếc bánh ướt của Việt Nam. Tấm bột này sẽ được đặt lên lò nướng sau khi bôi một lớp bơ thực vật mỏng, một ít đường và sữa đặc. Khi bánh chuyển sang màu vàng đậm và xuất hiện những đốm nâu do quá lửa, thì phần thú vị nhất và cũng là công đoạn khó nhất, quyết định trình độ tay nghề của một người thợ làm bánh, mới chính thức bắt đầu.

Người thợ sẽ khéo léo cuộn chiếc bánh còn nóng hổi thành hình nón vững chãi, sao cho hai mép không bị bung ra. Tùy theo độ sáng tạo và tay nghề của người làm bánh, mà thành quả cuối cùng sẽ có sự khác biệt. Nhưng hết thảy đều được bán ra với giá 6,3 ringgit (khoảng 33.000 đồng)/cái.

Sau phút chờ đợi, chiếc bánh “cao kều” cũng được dọn ra trước mặt chúng tôi, kèm theo bao nhiêu háo hức và một chút lo lắng về khẩu vị không thể che giấu. Nhưng chỉ sau một mẩu đầu tiên, “chiếc nón kì diệu” đã nhanh chóng vơi dần, vơi dần rồi biến mất trong những cái dạ dày đang réo sùng sục. Ngón tay chúng tôi lúc này đã lấm lem đường và sữa đặc, hệt như thời thơ ấu lén mẹ bốc lủm một miếng bánh trong bếp và cứ mút mát mãi cái vị ngọt còn vương lại trên những đầu ngón tay.

Giữa một thành phố xa lạ và những người không quen biết, chúng tôi nhận ra rằng mình có thể tìm được hạnh phúc từ những thứ giản đơn như cách một chiếc roti tisu ra đời. Hạnh phúc mỏng giòn, nhưng thơm tho và thật đến không ngờ. n

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI