Đường vào trại giam khá đẹp. Lần đầu tiên đến đây, cô cứ lo mình đi lạc. Hai hàng me xanh rì rợp bóng mát và quanh mỗi gốc cây là vạt hoa vàng rung rinh trong nắng.
Ông xe ôm cười to:
- Tôi chạy xe đường này mười lăm năm rồi, tuần nào cũng có ít nhất năm ngày chạy vô đây. Sao mà lạc được. Cứ thưởng thức cảnh đẹp đi rồi vô tới kia khóc bù.
Ông xe ôm nín bặt, nói đùa cho đường bớt dài mà thành vô duyên.
- Cách đây mười lăm năm nơi này ra sao hả bác? - Cô kiếm cớ nói để ông xe ôm qua cơn lỡ lời.
- Hồi đó mênh mông cỏ gai. Nhờ phạm nhân làm nên mới đẹp vậy đó. Nhớ cái hồi tôi chở bà mẹ đi thăm nuôi thằng con ăn cướp. Đường nắng chang chang muốn lột da.
Tội bà già dễ sợ. Cầu trời dịu mát chút thì bỗng đổ mưa một trận kinh hồn, rắn bò lúc nhúc, bà già tím tái mặt mũi co giò chồm hổm lên yên xe mà cái xe thì lạng quạng, sình bùn lún tới ống pô luôn.
|
Cô nhớ ông nói hạnh phúc là điều xa xỉ với một vài người... Cô lại nghĩ khác, hạnh phúc là điều xa xỉ với bất kỳ ai. (Ảnh minh họa)
|
Cô lắng nghe và hình dung ông xe ôm này sẽ kể về cô cho một người nào đó cũng đi trên con đường này. Sợ đi lạc…
Giờ thì cô rành rẽ rồi. Thậm chí trở thành khách mối. Sau mỗi lần quay về, ông xe ôm cười cười: “Lần tới cô đi thì điện thoại kêu tôi nghen”. Giọng xởi lởi nhẹ nhàng giữ khách.
***
Hôm nay người thăm nuôi khá đông. Cô đứng trong hàng người chờ đợi tới lượt mình và nhìn quanh thầm nghĩ có lẽ họ cũng như mình, mùa khai giảng có thể là tin vui để kể cho người trong tù nghe. Cô cười mình ngớ ngẩn nhưng tâm trí không thể không nghĩ ngợi. Cô cần sắp xếp sẵn vài thứ trong đầu để kể cho ông...
Rồi cũng tới lúc cô ngồi trước mặt ông, đối diện ông qua một cái bàn gỗ đầy vết thâm sì khiến cô không ngăn được ý nghĩ là do mồ hôi tay của bao người tù và người thăm nuôi chà xát lên đó. Cứ nghĩ lung tung vậy mà cùi chỏ tay cô đang tỳ trên mặt bàn vô thức nhấc lên.
Ông nhíu mày:
- Cô bị đau tay à?
- Không - cô đặt túi quà lên bàn và nói - hộp bánh là bé Trúc chọn nên tôi nghĩ ông sẽ thích.
Ông gật đầu:
- Hai trái bưởi cũng bé Trúc chọn à?
- Là tôi gợi ý. Tôi nói với bé Trúc rằng bưởi để được lâu.
- Còn hai đôi tất màu nâu và màu đen này thì sao? - ông hỏi.
- Màu sắc là bé Trúc chọn.
- Ti vi nói bão đang về. Chắc tôi cũng cần mang tất khi ngủ. Cảm ơn cô.
Cô hít một hơi dài:
- Tôi vẫn nhớ ông nói không cần quà cáp gì nhưng vì cần có cớ để nhắc tới ông với bé Trúc nên…
- Tôi hiểu mà.
Đôi mắt ông chăm chú nhìn từng món quà, kiểu như cho cô thấy ông trân trọng công sức của cô biết chừng nào. Cô tự hỏi mình có là gánh nặng của ông không. Đại gia lẫy lừng mà phải mang ơn một cô nuôi dạy trẻ, cuộc đời chơi khăm một cú mà ông đành bó tay, phải vậy không?
Cuộc đời cũng chơi khăm cô. Ban đầu, cô thấy vui vui vì đồng hành cùng bí mật của một đại gia. Cô mơ tưởng tới ngày bí mật được “bật mí” và cô ở vị trí người làm ơn tốt bụng.
Ngu ngốc.
Thật ra cũng không hoàn toàn vì ngu. Nhà trẻ xuống cấp, cô không có tiền để sửa sang như ý. Và ông đưa bé Trúc đến…
Có qua có lại.
Dù sao thì cô cũng lỡ dính dáng tới ông.
- Tôi có đem theo mấy tấm hình ngày khai giảng.
Cô nói và mở xắc lấy những tấm hình đặt lên bàn.
Đôi mắt ông sáng lên. Cô thích nhìn ông lúc này, tươi tỉnh, những nếp nhăn trên trán và quanh mũi giãn ra, cái nhếch mép chực chờ nơi khóe miệng biến mất. Chỉ cần lột bỏ bộ áo quần sọc đang mặc, thay bằng sơ mi trắng đóng thùng là trở lại như ông ngày nào đến nhà trẻ bế bổng bé Trúc lên và lần lượt bồng ẵm những bé khác. Bọn nhỏ luôn tưng bừng khi ông đến.
Ông ngắm nghía từng tấm hình. Bé Trúc mặc áo trắng viền xanh hải quân, váy xanh đậm, giày xăng đan quai hình mèo đốm, hai sừng tóc cột nơ màu đỏ. Có tấm hình chụp từ phía sau, lưng bé đeo ba-lô có hai tai thỏ dài rủ xuống vai.
- Lo toan cho năm học mới tốn kém lắm. Cô sắp hết tiền chưa?
- Vẫn còn đủ cho năm học này.
- Tôi sẽ tìm cách đưa thêm
cho cô.
Cô lại hít một hơi dài:
- Khó khăn không phải là tiền.
- Tôi hiểu. Một đứa bé lớn lên với những câu hỏi. Cô không thể cứ lặp lại là cha mẹ cháu đi làm ăn xa phải không?
Cô nói nhỏ:
- Vì tôi sắp lấy chồng.
Miệng ông đang há ra thành cái nhếch mép:
- Cô không thể giữ bí mật
được nữa?
- Tôi không muốn vợ chồng giấu giếm nhau điều gì.
- Giấc mơ hạnh phúc của
nhân loại.
Giọng điệu giễu cợt khiến cô đỏ mặt nhưng nhớ tới tin đồn vợ ông gởi đơn ly hôn vô tù, cô nén lại:
- Tôi biết có nhiều người thân cận tin cậy đã trở mặt khiến ông cay đắng. Xin ông hiểu cho là tôi không giống họ. Tôi luôn nhớ ơn ông đã hào phóng tài trợ cho nhà trẻ xấu xí của tôi. Nhờ có ông mà mọi thứ tươm tất khang trang và…
- Cô không cần phải nói vậy. Nếu không có bé Trúc thì không có chuyện tài trợ hào phóng đó. Cô đồng ý nuôi giữ đứa con hoang giùm tôi, tôi trả ơn cô. Sòng phẳng.
Cô đau nhói như bị mũi kim găm. Chua chát. Tù tội và sự tráo trở của người đời đã biến người đàn ông nho nhã, lịch lãm thành kẻ thẳng thừng lạnh lẽo.
Cô sẵn sàng chứng minh cho ông thấy là cô khác những người kia, cô sẵn sàng làm gì đó cho bé Trúc dù ông không thể trả một xu nào.
Cái đồng hồ trên tường vang tiếng đung đinh đung đinh… Ông nặng nề đứng lên:
- Dạo này tôi hay nổi nóng vô cớ. Xin lỗi.
- Lần sau tôi sẽ chọn Chủ nhật để dắt bé Trúc theo.
- Đừng.
- …
- Vì con nít không nên nghe chuyện người lớn.
***
Còn chuyện nào khác nữa? Cô tự hỏi và thấy mệt đầu quá chừng. Có ai sắp lấy chồng mà như cô? Đã bàn đến chuyện cưới xin nên anh có quyền thắc mắc sâu về bé Trúc. Ừ thì bấy lâu nay anh có nghe nói là cha mẹ bé đi làm ăn xa nên gởi con ở nhà trẻ mà như nội trú, lâu lâu về thăm. Cô nói sao anh nghe vậy nhưng rõ ràng là kỳ cục, nội ngoại bé đâu mà đem gởi người dưng dài ngày? Tết nhất cũng không đón về là sao? Tại sao anh đến thăm cô thường xuyên mà chẳng bao giờ đụng mặt họ?
Cô hứa sẽ nói với anh sự thật, sau chuyến đi. Vì cô muốn ít ra cũng phải báo cho ông biết trước việc cô không giữ bí mật của ông được nữa. Nhưng không sao thoát khỏi cảm giác mình phản bội, nhè khi ông sa cơ mà giáng thêm một đòn. Bé Trúc sẽ về đâu? Đã tới nước này rồi mà sao ông không tính chuyện đưa bé Trúc về nhà nội? Đã ly hôn, không còn phải e ngại nàng dâu thì ông bà nội nhìn nhận cháu cũng là chuyện bình thường. Bé Trúc có nơi chốn, ông bà nội bé cảm ơn cô một tiếng và anh hài lòng. Ổn cho tất cả.
Nhưng không ổn cho bé Trúc, bỗng nhiên có cha đang ở tù.
Cô điên đầu.
***
“Hôm nay cô buồn nhiều hả?” - ông xe ôm chạy xe chầm chậm như thể tốc độ là cách ông bày tỏ niềm thông cảm.
Cô ậm ừ trong cổ.
Cô nản đến nỗi chẳng thiết mua theo vài món cho đúng kiểu thăm nuôi. Hai tay cô trống không. Hôm nay chỉ nói chuyện thôi. Lần cuối. Cô nhìn theo ánh mắt ông liếc nhanh quanh bàn. Không thấy có cái túi như thường lệ, ông lặng lẽ ngồi xuống.
Cô gí ngón tay chà xát vết thâm sì trên mặt bàn cho đến khi đầu ngón tay đen kịt mà vết thâm vẫn trơ trơ.
Ông cất tiếng:
- Coi chừng dằm xóc.
Cô ngừng chà xát.
Giọng ông nhẹ nhàng bất ngờ:
- Tôi tiếc nhất là không được dự đám cưới cô.
- Thôi đừng khách sáo nữa. Lần trước ông nói sẽ kể cho tôi nghe chuyện người lớn.
Ông nhìn lên đồng hồ trên tường:
- Thời gian không cho phép vì mặc cảm mà ngập ngừng nên tôi nói ngay đây, bé Trúc không phải con tôi.
Cô đớ người. Ông tiếp tục thật nhanh:
- Hồi nhỏ tôi bị quai bị. Vợ tôi đòi ly hôn. Người đàn bà nào cũng muốn được sinh nở. Lúc cô ấy nói mang thai đứa con của tôi, tôi tính toán đằng nào mình cũng bị vợ bỏ, ly hôn xong tôi sẽ cưới cô ấy. Đàn bà có đứa con là ổn và bí mật về bé Trúc sẽ khiến cô ấy e dè mà tử tế với tôi. Nào ngờ chuyện ly hôn bị dùng dằng vì vợ tôi nghe tin tôi có con riêng. Còn cô ấy sinh bé Trúc xong thì đâm đầu vào cờ bạc, tôi ngừng cung phụng thì cô ấy vay mượn xã hội đen đến mức phải đi trốn. Bé Trúc đến nhà trẻ của cô là vì vậy.
- Ông đã chọn một nhà trẻ tầm thường không ai đoán ra.
- Đúng. Tôi sợ ghen tuông khiến vợ tôi điên rồ làm gì đó. Mỗi lần cô dắt bé vào đây, nhìn bé lanh lợi tươi tắn, tôi biết bé hạnh phúc. Hạnh phúc là điều xa xỉ với một vài người, có tôi trong đó. Thật lòng, nếu không tù tội thì chẳng bao giờ tôi thừa nhận mình không phải là cha. Có đứa con là niềm vui lớn của đời tôi. Nhưng thôi, đó là điều xa xỉ. Bây giờ, tôi mong cô với thằng tù là tôi cùng làm từ thiện. Tôi lo xoay xở tiền ăn mặc sách vở - ông khựng vài giây - cô tiếp tục bỏ công sức nuôi dạy nếu được chồng cô cho phép. Hoặc cô đưa bé đến trung tâm bảo trợ nào đó thì cũng không ai có quyền trách móc cô một lời.
Cô choáng váng:
- Ý ông là…
- Tôi nói rõ rồi đó.
- Mẹ bé Trúc đang ở đâu?
- Tôi không biết. Có lẽ hay tin tôi ở tù, cô ấy biến luôn rồi - ông nhếch mép - vợ tôi đang dùng dằng mà giờ cũng ký đơn ly hôn luôn đó thôi.
Cái nhếch mép của ông khiến cô khó chịu dữ dội. Ông nói cứ như thể hai người đàn bà đó là đại diện khuôn mẫu cho tất cả phụ nữ trên đời này. Ý nghĩ hiện trong đầu cô như tia chớp, cô nợ ơn ông, nhờ có ông mà nhà trẻ nhếch nhác của cô trở nên khang trang sinh động, được phụ huynh khen là đẹp như phim hoạt hình.
Cô nhìn lên đồng hồ và chạy đua với cây kim bằng cách nói thật nhanh:
- Mấy năm nữa ông mãn hạn tù?
- Bốn. Chấp hành tốt thì có thể được giảm một phần ba thời gian.
- Bé Trúc tiếp tục ở với tôi cho tới khi ông đón bé về. Bí mật của ông vẫn là bí mật. Vậy đi nghe. Tôi sẽ thuyết phục chồng sắp cưới.
***
Về tới nhà, cô hơi hối hận vì sự bốc đồng. Lẽ ra dứt khoát không dính dáng nữa thì cô lại lún sâu hơn. Cơn xúc động lắng xuống, cô nhận ra không phải vì muốn cảm ơn ông và cũng không hoàn toàn vì bé Trúc, chỉ là cô muốn mình khác đám người quanh ông.
Cái tôi ngu ngốc. Lần này là do chính cô. Nhưng đã lỡ rồi.
Cô kể anh nghe một nửa sự thật, mẹ bé Trúc bỏ đi, gia đình không thuận thảo nên không thể gởi bé cho ông bà hay họ hàng. Anh trố mắt khi nghe tên đại gia lừng lẫy một thời và gõ Google, đúng là đại gia đang ở tù.
Anh cười: “Đời người nhiều khi ngọa hổ tàng long, mai mốt đại gia ra tù gầy dựng lại cơ nghiệp, mình nuôi con đại gia cũng như nuôi trứng đại bàng”.
Giọng điệu hớn hở sặc mùi toan tính trên bất hạnh của người khác khiến cô bất ngờ nhận ra một kẻ xa lạ với người mình yêu biết bao.
Cô muốn hét to mà âm thanh nghẹn trong cổ. Vì con người này mà cô nghĩ ngợi quẩn quanh nặng đầu suốt bấy nay sao?
Cô nhớ ông nói hạnh phúc là điều xa xỉ với một vài người... Cô lại nghĩ khác, hạnh phúc là điều xa xỉ với bất kỳ ai.
Nguyên Hương