Hạnh phúc là con đường

17/03/2024 - 18:57

PNO - Thế nào là hạnh phúc? Ta có thể hạnh phúc không khi muôn loài và hành tinh đang đối mặt với nhiều thách thức từ môi trường? Cuốn sách này, như dòng tít phụ ở bìa "Từ chuyển hóa nội tại tới cải tiến xã hội vì một xã hội nhân ái", sẽ mang đến cái nhìn bao quát hơn về hạnh phúc.

Bấy lâu nay, nhắc đến khái niệm “hạnh phúc”, người ta có xu hướng quay về bên trong, xem bản thân có thực sự hài lòng, vui vẻ với những gì đang diễn ra, đang theo đuổi. Nó bao gồm nhiều khía cạnh: làm công việc yêu thích, có những mối quan hệ tốt đẹp, gặp được người tâm đầu ý hợp… Đúng bởi lẽ hạnh phúc thực sự của một cá nhân sẽ tạo ảnh hưởng lên gia đình, cộng đồng và xã hội. Chỉ khi hạt nhân cơ bản ấy cảm thấy hạnh phúc thì tổ chức, cộng đồng và xã hội mới có thể kiến tạo nên hạnh phúc của một quốc gia.

Chính trong hành trình tìm kiếm, nuôi dưỡng và rèn luyện hạnh phúc mỗi ngày, mỗi cá nhân sẽ tự điều chỉnh thái độ sống để hòa hợp hơn với thế giới xung quanh, bao gồm cả xã hội và thế giới tự nhiên. Đây cũng là nền tảng cho lối sống bền vững trong tương lai. Nó bao hàm nội tại lớn hơn, rộng hơn: hạnh phúc gắn liền với muôn loài và môi trường.

Trong cuốn sách này, tác giả - tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ - đã chỉ rõ tầm quan trọng của cá nhân hạnh phúc, đồng thời mở rộng đến khái niệm quốc gia hạnh phúc. Ông mở đầu bằng câu chuyện của Bhutan, quốc gia Nam Á hơn 30 năm trước chìm trong nghèo đói bây giờ khiến cả thế giới ngước nhìn vì chỉ số hạnh phúc GNH (Gross National Happiness: tổng hạnh phúc quốc gia) thay vì GDP (bình quân thu nhập theo đầu người). 

Mô hình kinh tế hiện nay đã và đang tạo nên sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện khi cho rằng hạnh phúc có thể thỏa mãn bằng nhu cầu vật chất. Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội kéo gần khoảng cách đồng thời cũng đặt con người vào guồng quay tất bật của đời sống. Người ta ăn nhanh, sống vội để kịp lao vào cuộc đua kiếm tiền. Người ta dễ đánh mất bản chất cốt lõi tốt đẹp khi so sánh mình với người khác. Mọi thứ đều được số hóa, kể cả thành công và hạnh phúc.

Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ từng làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) tại các vùng chiến sự ở khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu trước khi trở thành Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia ở Bhutan. Ông là giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học, trong đó có UCLouvain (Bỉ), Đại học Osnabrück (Đức) và Đại học Geneva (Thụy Sĩ). Ông còn là Chủ tịch Học viện Eurasia về hạnh phúc và an sinh, đồng thời là nhà đồng sáng lập Quỹ Eurasia - một tổ chức phi chính phủ chuyên triển khai các chương trình giáo dục cho thanh thiếu niên khuyết tật cũng như phát triển các dự án sinh thái ở Việt Nam 20 năm qua.

Hệ lụy của cuộc đua không hồi kết này là sự mất cân bằng trong chính bản thân mỗi người. Những căn bệnh tâm lý thời đại nhiều hơn, thiên nhiên và môi trường bị khai thác quá mức dẫn đến hệ sinh thái mất cân bằng nghiêm trọng. Đó chính là lý do nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm đến hạnh phúc, đến sự bền vững của tổ chức và xã hội. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, đã bắt đầu triển khai mô hình hạnh phúc. 

Tác giả cuốn sách đã chỉ ra ưu tiên hàng đầu để triển khai mô hình này là ở bình diện cá nhân. Theo ông, đối tượng khởi đầu tốt nhất là học sinh tiểu học, thông qua hệ thống giáo dục. Để làm được điều đó, cần thêm nhiều bước nhảy. Cho nên, cách làm của các doanh nghiệp Việt hàng đầu hiện nay như FPT, AB Bank, Biti’s… rất đáng hoan nghênh. Tác giả, bằng tiếp xúc thực tiễn, đã chỉ ra hiệu quả của mô hình doanh nghiệp hạnh phúc tại một số bức tranh tiêu biểu trên thế giới và tại Việt Nam.

Một cuộc sống hạnh phúc có nhiều góc nhìn, không chỉ thỏa mãn về vật chất hoặc tinh thần. Cuốn sách này đóng vai trò mở đường, cung cấp những bước tiếp cận thực tế để nuôi dưỡng và duy trì hạnh phúc từ bên trong. Song, còn một thông điệp khác mà khi gấp sách lại, chiêm nghiệm, ta sẽ thấy: hạnh phúc không chỉ là đích đến. Hạnh phúc là con đường. 

Lê Phan

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI