Hạnh phúc không tự đến

02/04/2025 - 11:30

PNO - Phải chăng khi ta càng ít đòi hỏi sự quan tâm, ta càng dễ bị lãng quên? Hay là chính ta đã vô tình tạo ra cái khuôn khổ ấy cho mình?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lúc căng thẳng chờ đợi trên cái ghế nha khoa ấy, người Trầm nghĩ tới đầu tiên là ba. Ba từng nhiều lần một mình đi nhổ răng và Trầm xem đó là hiển nhiên. Đàn ông mà, răng cỏ là chuyện nhỏ. Nhưng bây giờ, cảm giác bị động, há miệng thật to, phó mặc tất cả cho một người xa lạ cầm dao, cầm kìm đục đẽo trong miệng mình thật đáng sợ. Tự nhiên Trầm thấy thương ba vô ngần, lòng chìm trong nỗi xót xa và hối tiếc. Lẽ ra, trước đây cô nên dành nhiều thời gian hơn để ở bên ba.

Trầm bâng quơ nhớ lại sự mong chờ với những chiếc răng sữa đầu tiên. Hồi nhỏ, mỗi lần 1 cái răng lung lay là lo âu, đan xen giữa sợ hãi vì đau và niềm vui bởi sắp mọc răng mới. Đó là niềm háo hức ngây ngô, không chút hoài nghi về tương lai. Nhưng rồi lớn lên, khi những cái răng bắt đầu bị sâu bị mẻ, phải thay thế bằng một thứ giả tạo nào đó, cảm giác không còn giống thời thơ bé. Lúc ấy, người ta chỉ thấy tiếc, thấy mất mát, thấy thời gian đang âm thầm kéo mình đi.

Bên ngoài, con gái Trầm đang đợi tới lượt được nha sĩ thăm khám, sốt ruột hỏi: “Mẹ nhổ răng xong chưa, sao lâu thế? Con ngồi thấy sợ quá”. Giọng con gái không mấy kiên nhẫn, Trầm không trả lời. Chợt nhớ hồi Trầm còn nhỏ, mấy lần má Trầm đi nhổ răng một mình, về vẫn phải vào bếp nấu nướng cho cả nhà. Nếu muốn ăn cháo trắng thì má tự vo gạo, bắc lên một cái nồi nho nhỏ, chín thì tự múc ra chén.

Má chẳng kêu than, không nhờ vả hoặc trách móc ai, chỉ lẳng lặng làm như thể đó là chuyện đương nhiên. Ngày bé, Trầm thấy bình thường. Nhưng giờ ngẫm lại, cô thấy thương má nhiều hơn. Khi người phụ nữ trong gia đình phải gồng gánh quá nhiều, họ buộc trở nên kiên cường theo cách bản thân chẳng hề mong muốn.

Trầm hình dung ra con gái mình vừa mới ồn ào rơi nước mắt khi phải cùng mẹ đến phòng nha vì có 1 cái răng hơi nhức. Thế nhưng, con bé không có một lời hỏi han nào dành cho mẹ. Sự vô tâm và có phần ích kỷ ấy khiến Trầm thất vọng. Khi mẹ mệt, mẹ đau, con chưa từng để ý. Nhưng khi tới lượt mình, nó lại khóc, lại tìm mẹ như một chỗ dựa hiển nhiên.

Cuối cùng thì ông nha sĩ già cũng bứng được cái chân răng cứng đầu của Trầm. Chỉ là nhổ 1 cái răng mà khiến Trầm loanh quanh nghĩ về sự hữu hạn của kiếp người. Những cái răng từ khi mọc đến khi mất đi cũng giống như hành trình của con người. Lúc mới sinh ra, ta được chào đón bằng niềm vui. Khi lớn lên, ta bước vào cuộc đời với nhiều háo hức và kỳ vọng. Nhưng rồi một ngày, ta chợt nhận ra mình đã đi qua hơn nửa đời người.

Đường về của mẹ con Trầm chìm trong im lặng, con bé cắm cúi vào màn hình di động, vui vẻ chia sẻ thông tin “răng tớ không sao” với bạn bè. Trầm ngồi như vô hình bên cạnh, đành tự an ủi có lẽ bọn trẻ con bây giờ đều như vậy.

Về nhà, Trầm cố giấu chút tủi thân khi không ai quan tâm lắm tới thông tin “mẹ mới nhổ răng” đã được nhắn vào nhóm chat gia đình. Trầm nghĩ, chẳng lẽ mình cũng phải tự nấu một nồi cháo như má đã từng làm và lặng lẽ ôm lấy nỗi buồn? Phải chăng khi ta càng ít đòi hỏi sự quan tâm, ta càng dễ bị lãng quên? Hay là chính ta đã vô tình tạo ra cái khuôn khổ ấy cho mình? Không, cô phải sống tích cực hơn.

Cô nhắn tiếp tin nhắn thứ hai, cho chồng: “Em mới nhổ răng, em thèm ăn cháo trắng lá dứa, anh về ghé mua cho em nhé!” và hồi hộp chờ câu trả lời. Và đây, anh nhắn: “OK vợ yêu, lát sẽ có cháo cho em”. Trầm ra khỏi phòng, kéo con gái vào bếp, chuẩn bị thêm thức ăn cho 2 cha con. Con bé có vẻ bất ngờ bởi mọi khi mẹ chỉ làm một mình nhưng cũng nghe theo mẹ.

Thế đấy, hạnh phúc đôi khi không phải là sự chờ đợi một cách thụ động rồi buồn rầu trách móc. Từ nay, Trầm sẽ tích cực để gắn kết gia đình nhiều hơn. Cô tin cô sẽ làm được.

Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI