Hiện vợ chồng vẫn làm công ăn lương. Hải làm kế toán cho một công ty tư nhân, Nhơn làm kỹ sư ở một công ty viễn thông nhà nước. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ trang trải cho gia đình nhỏ bốn người và gửi chút ít phụ giúp bố mẹ hai bên. Nhưng họ vẫn thấy mình đang hạnh phúc, hạnh phúc cả từ những lần thiếu thốn. Vì thế, Nhơn cứ đùa là mặc quần áo lâu cũ như mình, xài điện thoại lâu hư như mình, mang giày cứ bền mãi như mình thì các nhãn hàng sẽ phá sản hết.
Hải thì cũng phải để dành vài tháng mới dám mua một thỏi son hơi xịn. Quần áo của mình và hai con gái Hải toàn canh những đợt giảm giá, mua về cả nhà xúm xít thật vui. Niềm vui, đôi khi chỉ từ những lần chờ đợi để có đủ tiền mua một món gì đấy, hay sửa sang chút ít cho căn hộ. Thi thoảng vợ chồng cũng cãi nhau, nhưng chưa bao giờ cãi nhau vì những khó khăn của cuộc sống.
Hạnh phúc là một khái niệm nghe có vẻ xa vời. Định nghĩa cho được hạnh phúc là gì, thì có khi chính những cặp vợ chồng đã sống chung nhiều năm cũng không nói được. Nếm trải cùng nhau mọi điều quen thuộc hàng ngày, nên khi có ai đó hỏi đang sống thế nào, câu trả lời nhận được là bình thường.
Hải và Nhơn thì khác. Họ sống hào hứng, vui vẻ và an bình. Ngày nào trong nhà cũng có tiếng cười. Sáng sáng lại thấy cả nhà bốn người chở nhau trên một chiếc xe, con đi học, vợ chồng đi làm, cùng cười đùa vui vẻ. Nhơn là người hài hước. Anh biết buông bỏ để giải tỏa những áp lực của cuộc sống, tháo vát trong những việc gia đình. Ở nhà, Hải rất nhàn hạ vì lúc nào cũng được chồng xắn tay phụ giúp. Nhơn rất hào hứng làm việc nhà, còn vừa làm vừa hát; không ra vẻ đang phụ vợ mà như đó chính là công việc của mình. Hải có thời gian chơi cùng con, đọc sách và chăm sóc bản thân, nên ít khi cằn nhằn chồng và hầu như ủng hộ chồng mọi điều.
|
Ảnh minh họa |
Hỏi họ có hạnh phúc không, Hải trả lời mười lần như một là gia đình cô hạnh phúc, chồng cô yêu vợ, thương con. Mặt khác, họ vui vẻ, bình an còn vì không đặt ra những mục tiêu nặng nề để tự gây áp lực cho mình. Cả nhà biết điều chỉnh và thụ hưởng cuộc sống thích hợp với thu nhập của mình. Hải cho biết, các con mình vẫn được chăm lo đầy đủ nhu cầu, sở thích và phù hợp với khả năng có thể của cha mẹ.
Các con hiểu và không đòi quá mức. Chủ nhật, cả nhà vẫn đi ăn sáng, uống cà phê cùng nhau. Mỗi tuần, hai vợ chồng cùng nhau xem phim, đi nhà sách, dạo công viên... Mỗi tháng một lần đi ăn nhà hàng. Mọi thứ cứ trôi chảy, không cố gồng lên cho bằng với những gì bạn bè phô trương, không làm mình phải vất vả vì những yêu cầu quá cao.
Nghỉ hè, hai con được gửi về nội chơi một tháng. Dịp này, thế nào Nhơn cũng sắp xếp một chuyến du lịch cho riêng hai vợ chồng. Đến những nơi cả hai cùng thích, chạy xe đạp, ăn đặc sản. Biết tính Hải… mơ màng, nên Nhơn để vợ mặc sức chụp hình, viết “tút” và cả làm thơ. Nhơn hay phân bua với bạn bè: “Bà ấy đoảng lắm, chỉ giỏi ngơ ngơ thôi, nhưng phụ nữ ngơ ngơ mới thấy thương”.
Hải chỉ cười những lúc nghe chồng nói vậy, vì biết Nhơn quý vợ lắm, chỉ là nói yêu thôi. Hai vợ chồng thật sự hài lòng với những chuyến đi của mình, không cần phải là những nơi sang trọng, hào nhoáng. Họ thoải mái tận hưởng những không gian phù hợp với mình. Hạnh phúc và niềm vui đâu phải là được vào vai những người giàu có, mà tốt nhất là được sống đúng với con người mình, với những gì mình có được.
Đôi lúc Hải đùa, sợ mình giàu lên thì không còn hạnh phúc nữa. Lúc đó, Nhơn sẽ đi xe xịn, ăn mặc sang trọng, tiếp khách triền miên, công tác liên tục. Như vậy thì còn thời gian đâu dành cho gia đình? Rồi có thể Nhơn bận cả việc chăm sóc những mối tình bên ngoài... Hải thì sẽ có nhiều tiền, mặc sức mua sắm, làm đẹp, du lịch, đua đòi cùng bạn bè. Con cái sẽ thuê người đưa đón, sẽ có thầy đến nhà dạy kèm…
Hải sẽ rảnh rỗi lắm nhưng cũng sẽ chẳng còn chồng bên cạnh để mà nói chuyện. Nhơn cũng đâu có thời gian ngồi uống trà với vợ thế này. Nhà to rộng rồi, mỗi người một phòng, ti vi phòng ai nấy coi. Đi lên đi xuống sẽ ít chạm mặt nhau. Tha hồ mà thênh thang nhưng cũng tha hồ mà nhạt nhẽo cô đơn. Khi đó, hạnh phúc chắc chẳng còn biết đâu mà tìm vì thước đo hạnh phúc bình thường nhất mà Hải và Nhơn vẫn dùng sẽ không còn nữa. Chỉ mới nói chơi thôi, mà Hải đã chợt thấy thương mình đến rưng rưng…
Cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng có vẻ như an phận quá, nhưng từ thực tế đó, Hải đã tin, an phận cũng là hạnh phúc. Miễn là vợ chồng cùng tìm thấy niềm vui. Vì an phận với không gian nhỏ bé của mình, quen sum vầy bên nhau, nên khi nhận được một suất tu nghiệp hai năm ở Hà Lan, Nhơn đã từ chối. Nhơn không muốn nhà mình thiếu người đàn ông, bỏ mình Hải xoay trở với hai đứa con nhỏ.
Xưa nay, Hải lại thường phản đối chuyện yêu xa, mà đã là vợ chồng thì phải ăn chung mâm, ngủ cùng giường. Hải không mơ làm vợ một người rạng rỡ công danh, mà chỉ muốn có một cuộc sống bình thường nhất, dễ chịu nhất, có đủ vợ đủ chồng.
Để chồng ho một tiếng là có vợ chưng cho chén tắc đường phèn. Để nửa đêm vợ khó chịu, là chồng chạy ngay đi tìm thứ gì đó về cho vợ dằn bụng. Để khi vợ mua cái đầm mới, có người cằn nhằn sao mà ngắn cũn vậy. Để đêm có người ngủ nói mơ, có người sáng dậy cười nhạo mãi không dứt. Vợ chồng là cùng nhau. Hạnh phúc vợ chồng không thể cân đong bằng những điều hoành tráng, mà phải bằng cảm nhận của mỗi người trong cuộc.
Hải nói với chồng khi cả hai ngồi ở cái ban-công nhỏ xíu uống trà ăn mứt gừng: “Giờ mình có trăm tỷ, chắc sẽ không còn hạnh phúc thế này, anh nhỉ?”. Và, Hải đã chắc chắn được về điều đó. Bao nhiêu năm bên nhau, thật tình họ có mưu cầu hạnh phúc gì đâu, chỉ sống thuận theo tự nhiên bằng những gì cuộc đời dành cho họ. Và, họ tìm thấy niềm vui ở đó. Vợ chồng sống bên nhau đã là hạnh phúc, tìm kiếm chi xa xôi…
Lan Khôi