|
Nếu ai nấy đều biết được công thức làm sao để vui vẻ, hạnh phúc, thì làm gì có đau khổ trên đời này! (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Sáng, cô bạn hồ hởi khoe: “Mình cho gần hết áo dài. Có những bộ chưa hoặc chỉ mới mặc một lần, đẹp. Nhưng, mình chỉ mặc những bộ mình thích, dù nhiều cái đã cũ. Vì mặc thấy thoải mái, thấy vui!”. Cả ngày, câu nói và vẻ hớn hở của bạn trở đi trở lại trong suy nghĩ của tôi.
Đường đời dài vậy, cái gì mang theo được mãi bên mình, phải chăng cũng chỉ là ở những tiếng: thoải mái, vui vẻ?
Cái thuở vợ chồng lấy nhau qua mai mối, hay chỉ nghe nghe biết biết đã lùi sâu vào quá khứ. Giờ, những ai đã, đang có chồng có vợ, có ai không vì tình yêu mà lấy? Thậm chí, không ít người chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để được ở cạnh người mà mình tin rằng chính là mảnh ghép còn lại của mình.
Một bộ đồ ta mặc lên, người ngoài có thể thấy đẹp, khen là tôn dáng, phù hợp, nhưng chất vải có mát hay ấm không, ta có phải cố nín thở thậm chí là nhịn ăn cả ngày để trông thon thả hay không, chỉ ta mới biết. Bạn có bao giờ mong đến hết bữa tiệc để cởi phăng bộ đồ, đôi giày cao gót, lớp trang điểm để thấy mình được “sống” chưa?
Một cuộc tình, một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay tan vỡ, hình như không phụ thuộc nhiều vào việc ta đẹp hay xấu. Mà có lẽ nằm ở chỗ, trong mối quan hệ ấy, ta có thoải mái không? Nghĩa là cảm thấy tự tin, vui vẻ, được là mình, rộng hơn là cảm thấy an tâm, được thương, được coi trọng, được thấu hiểu không? Những điều đó, ngoài người trong cuộc, làm gì có ai hiểu rõ.
Vậy nên, trước trong hay sau cuộc hôn nhân. Đàn bà có đẹp và không ngừng chỉn chu học tập, để mình đẹp hơn, để tiến bộ hơn mình ngày hôm qua là vì tôn trọng bản thân và tìm niềm vui khi nhìn chính mình trong gương mỗi sáng chứ không phải là vì cái gì, càng không phải vì đàn ông.
Đàn bà, nếu may mắn xinh đẹp, giỏi giang thì cũng đừng nghĩ đó chính là vũ khí duy nhất trong đời để có thể được yêu mãi mãi và chạm được hạnh phúc. Đừng nghĩ vì nó mình được nhiều thứ mà quên rằng quãng đường dài cùng nhau người ta còn cần biết bao thứ khác. Quên rằng ta đến với cuộc đời này còn nhiều sứ mệnh.
Hồi trước, không ít lần chị em tôi thay nhau thắc mắc, tại sao chỉ ra chợ một chút mẹ cũng phải nhờ ủi phẳng phiu bộ đồ, đánh chút phấn nền và tô chút son môi. Chị tôi nằm bệnh mệt như cái bánh tráng nhúng nước, khỏe chút, chị bật dậy đòi soi gương chải tóc. “Ai nhìn đâu mà xí xọn?”, tôi hỏi. “Thì tôi nhìn tôi chứ ai?”. Cả mẹ và chị tôi không hẹn nhau đều trả lời câu y hệt nhau. Đâu chỉ là vẻ ngoài, học tập, làm việc hay bất luận cư xử với nhau trong cuộc sống cũng là cho chính mình nhìn mình phải không?
Nhìn mình, và rồi để cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân, cuộc sống, tựa như mặc bộ áo dài mà bạn tôi nói, nó là thế nào và phải làm sao?
Nếu ai nấy đều biết được công thức làm sao để vui vẻ, hạnh phúc, thì làm gì có đau khổ trên đời này? Không dưng tôi nghĩ, nhân sinh cũng như lớp học. Có người học một lần là hiểu được, làm được; có người phải hai, ba thậm chí gần hết đời vẫn chưa hiểu gì. Vẫn là người dạy đó, vẫn một bài học đó. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Khác với hình dung trong đầu tôi khi về quê thăm bà. Ngã nứt xương gót, chân sưng vù bầm tím, phải ngồi xe lăn, mà lạ thay bà rạng rỡ khác hẳn những lần trước. Một vẻ rạng rỡ từ nụ cười đến ánh mắt. Một vẻ rạng rỡ không ai có thể cố gắng tạo ra được nếu không phát khởi từ nội tâm sâu thẳm. Bà kể tỉ mỉ về tai nạn như về một kỷ niệm nào đó thật vui. Lâu lâu dừng lại, bà nhìn quanh xem ông có ở gần đó không. “Chân tụ máu đau, không ngủ được. Bà đợi ông ngủ. Len lén dấu ông dùng kim tiêm, chích ra cả ống xi lanh máu bầm mới ngủ được. Giấu ông, chứ không thì ông sợ và lo lắm”. Rồi bà lại cười. Từng sợi tóc ánh lên dưới nắng chiều lấp lánh.
Chào ông bà ra về, choàng tay qua ôm bụng ông như mọi khi vẫn làm, tôi đùa: “Ông tập thể dục nhé, bụng ông to rồi này!”. Ông đưa mắt tìm bà, cười thật tươi, nói nhỏ đủ hai ông cháu nghe, như tìm được người để khoe một bí mật thật vui: “Cả tháng nay ông bận chăm bà!”.
Tôi giật mình. Bài học để vui vẻ hạnh phúc ở đời hình như không có gì mới lạ. Chỉ là ta học được không. Ta có thể còn nghĩ và vì nhau, một sự vì nhau tự nguyện, vô tư, nhất là khi cùng nhau đi một quãng dài? Sự quen thuộc là nhàm chán hay là máu thịt thương yêu, là do chính suy nghĩ, do cách ta đối với người và người đối với ta mà thành phải không?
Triệu Vẽ