Sáng sớm, bạn gửi tấm ảnh hai cụ già tóc trắng, da mặt chi chít những nếp nhăn. Cụ bà móm mém cười tựa hờ vào vai cụ ông. Hai nụ cười không có răng nhưng sáng lòa với lời nhắn: “Hạnh phúc là như vầy phải không cậu?”. Không dưng truyền sang tôi một nguồn năng lượng mát lành.
Và cả ngày câu hỏi: “Hạnh phúc là vầy phải không cậu?” cứ quấn chặt lấy tâm trí không cách gì tháo gỡ được.
Hạnh phúc có xa xỉ lắm không?
Chỉ cần xế chiều hết giờ làm, mở điện thoại, nhận được tin nhắn hay cuộc gọi từ bạn bè loan báo với nhau về một người bạn nào đó vừa nhập viện là boàng hoàng thấy ngay cái mình có mà người ta không có. Sáng đùm túm con đến trường, đi làm lo ngay ngáy không biết trưa con có ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc không. Chiều về chiến đấu mướt mồ hôi trong gian bếp, trên phòng giặt đồ, trên góc học tập cùng con.
Hết ngày, tay chân kể cả là đầu óc như mượn của ai. Thi thoảng, thấy sao mình cực. Hình như đôi lần thoáng qua ý nghĩ: “Nếu không có con chắc phải sướng hơn không nhỉ?”. Cho đến khi tạt qua bệnh viện, khám định kỳ, nhìn những phận đàn bà ôm khư khư túi xách ngồi xếp hàng trước phòng khám hiếm muộn với vẻ mặt dàu dàu, lại thấy rõ thứ mình có mà người ta không có.
|
Ảnh minh họa |
Có phải chúng ta đang như thế không? Chúng ta đang cảm nhận niềm vui, sự hài lòng, cảm giác hạnh phúc khi ta nhìn thấy, so sánh từ người khác, nhất là những người không có những thứ như mình đang có. Vậy thật sự chúng ta đã cảm nhận được hạnh phúc chưa? Đã hiểu tận tường gốc rễ, đã chạm thấy như chạm chính bàn tay mình khuôn mặt mình mỗi sớm mai chưa?
Có khi nào chính cách cảm nhận vấn đề của bản thân từ việc nhìn vào người khác đã khiến chúng ta chưa từng thực sự hiểu rõ mình. Và phải chăng điều đó lý giải sao hiện tại dường như không ít người cảm thấy mình không hạnh phúc. Hãy cứ nhìn những khuôn mặt cau có căng thẳng hay rười rượi ngoài phố. Hãy nghe những cuộc nói chuyện bên li bia, ly cà phê. Hãy đọc những dòng trạng thái trên mạng xã hội…
Hạnh phúc chưa bao giờ là cảm giác thấy mình hơn người khác, hay có cái người khác không có, cũng không thể là sự bằng lòng hay tự an ủi khi nhìn thấy những ai hơn mình. Nhân gian rộng lớn, nếu hiểu hạnh phúc như vậy, thì liệu khi đối sánh bản thân với những người giỏi hơn mình, đẹp hơn mình, giàu hơn mình, có nhiều thứ hơn mình thì ta sẽ ra sao? Bất hạnh cay cú, bi quan hay nảy sinh ham muốn tiêu cực, thậm chí là bất chấp đi ngược lại cả những chuẩn mực đạo đức của con người?
Hạnh phúc chỉ có thể như hạt mầm nảy nở trên mảnh đất tốt tươi khi chính bản thân mình hiểu rõ mình nhất, cả xấu lẫn tốt, cả cái hơn người và cả không bằng người để rồi sống theo đúng con người mình. Làm thứ mình thích, vui vẻ, bằng lòng trân quý những thứ mình có.
|
Ảnh minh họa |
Tôi nhớ mình đứng ngây người nhìn bàn tay như xiếc rải từng nắm phân đều đặn xuống từng gốc dừa của mẹ. Hàng trăm cây dừa, mình đi theo mẹ thôi đã mỏi cả chân, mà mẹ miên man nói về từng cây tựa như nói từng đứa con của mẹ.
Cây dừa lửa nửa nằm nửa ngồi này là ba con trồng, người gì trồng cây lúc nào cũng có mấy trái. Cây dừa xiêm cao ốm ngay hiên nhà là ông nội trồng. Cây này mẹ trồng hồi Út mới học lớp Sáu. Cây ngay cái ao là giống lạ, mẹ đi xin tận nhà cậu Bảy… “Thấy thương không, cây nào cũng xanh um!”.
Bắt đầu từ hôm ấy tôi thôi không giận dỗi, cằn nhằn mẹ là tại sao phải vất vả chăm bón cây, tiền mẹ đâu có thiếu. Tôi thôi không nài nỉ mẹ lên Sài Gòn ở nữa. Mẹ được làm công việc mình giỏi nhất cả một đời. Tôi biết mẹ tôi hạnh phúc. Cái hạnh phúc không cần so sánh với ai. Cái hạnh phúc mà ngay cả là con - tự nghĩ rằng mình yêu thương mẹ lắm - tôi cũng không hiểu.
Mỗi lần có dịp ghé thăm em là tôi lại muốn hỏi: “Sao mà em chịu nổi?”. Bởi lẽ, mười lần như một, tôi đều thấy em lăn lộn trong cái cửa hàng tràn ngập son môi, dầu gội, phấn, mặt nạ… Em bán sỉ đi khắp các tỉnh miền Tây. Ngày chắc ngủ chừng 5-3 tiếng, vừa ăn vừa nghe điện thoại, vợ chồng con cái không kịp nhìn mặt nhau lâu. Không đi đâu chơi, cũng không có ngày nghỉ.
“Em không làm em bệnh à chị. Em thích buôn bán lắm. Thấy buôn bán có nhiều tiền em vui rồi!”. Em bật ra câu nói vô tư như chính nụ cười của mình. Tôi cũng biết em thật sự hạnh phúc. Cái thứ hạnh phúc phát khởi từ chính suy nghĩ ham muốn của bản thân em không cần màng đến thái độ hay quan điểm của ai khác.
Tự nhiên tôi lại nhớ đọc ở đâu đó về việc trái tim con người đủ rộng, yêu thương biết mấy cho đầy. Chợt nghĩ đến nhân gian cũng đủ rộng, hạnh phúc sẽ được đặt tên theo chính tên người. Chỉ sợ mình không hiểu mình, sợ mình không dám sống theo mình chứ hạnh phúc đủ cho tất cả.
Triệu Vẽ