Hạnh phúc đơn sơ của những cặp đôi khuyết tật

16/04/2018 - 11:39

PNO - Những phụ nữ khuyết tật mà tôi có dịp gặp gỡ đều có điểm chung là tinh thần lạc quan.

Họ mạnh mẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để tìm và giữ được hạnh phúc cho bản thân, đồng thời truyền cảm hứng sống cho những người xung quanh. 

“Mất mát đau thương càng cao giọng hát”

Qua Vàm Cỏ Đông bỗng nhớ về Tân Trụ/ Hỏi nơi nào không mang kỷ niệm quê hương…”. Dù đã 55 tuổi, tiếng hát của chị Nguyễn Thị Phượng vẫn ngân dài ngọt lịm trong căn nhà nhỏ ở Q.Bình Tân. Sống một mình gần ba mươi năm qua, chị vẫn vừa may đồ, vừa nấu nướng, dọn dẹp, vừa ca hát. “Nhiều người hỏi tôi ở mình ên có buồn không, tôi nói buồn gì mà buồn. Bị bệnh bại liệt từ tám tháng tuổi nên tôi đã quen và chấp nhận với số phận của mình” - chị Phượng tâm tình. 

Hanh phuc don so cua nhung cap doi khuyet tat
Chị Thúy Vi đang hướng dẫn nhân viên, học viên tại cơ sở tranh giấy xoắn Alice

Cha chị mất sớm, mẹ đi bước nữa nên chị ở với ông nội. Năm chị 22 tuổi, ông nội cho chị đi học may ở tiệm gần nhà. Bốn năm sau, ông nội qua đời, chị sống một mình từ đó. Chị đi rót nước mời khách rồi tiếp tục may đồ. Khéo tay, nên lúc nào tiệm cũng đông khách, chị phải làm việc liên tục mới kịp tiến độ. Vào dịp giáp tết hằng năm, chị phải thức xuyên đêm để kịp giao hàng cho khách. Chị may đẹp, lại còn tư vấn tận tình nên nhiều khách hàng trở thành bạn bè của chị, thường hẹn nhau ở nhà chị đàn hát, chuyện trò.

Khi tôi dắt xe ra khỏi cổng nhà chị, vẫn nghe giọng chị ngân nga: “Mất mát đau thương càng cao giọng hát/ Cay đắng mặn nồng vẫn thơm ngát tình em”.  

Hạnh phúc giản dị

16g30, tại Làng May Mắn, Q.Bình Tân, Nguyễn Ngọc Trà Giang (5 tuổi) nắm tay cậu em Nguyễn Ngọc Sơn (2 tuổi) tung tăng theo ba từ trường về nhà. Chiều nào cũng vậy, sau khi tan sở, cũng nằm trong Làng May Mắn, anh Nguyễn Ngọc Hân tranh thủ đón con, tắm cho các bé, chờ chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đi làm về, nấu nướng, là cả gia đình bắt đầu tận hưởng thời gian sum họp. 

Hanh phuc don so cua nhung cap doi khuyet tat
Gia đình anh chị Mỹ Ngọc - Ngọc Hân

Vào một buổi chiều năm 2011, sau giờ làm, Mỹ Ngọc ghé vào Làng May Mắn chơi, vì làng gần nhà trọ của Ngọc. “Lần đầu gặp nhau, hôm đó làng có tiệc, anh Hân mời tôi ly nước. Ấn tượng đầu tiên của tôi là… không có cảm tình. Những lần sau, tôi vào làng để tổ chức các chương trình Giáng sinh, tết dương lịch cho mọi người, anh Hân cũng tham gia, nhưng tôi vẫn không quan tâm gì vì cũng đang có bạn. Nhưng một hôm, tôi bị bệnh nằm bẹp một chỗ, anh đã đi xe lăn đến nhà trọ của tôi cách làng một cây số để đưa chén cháo. Nhìn anh mồ hôi nhễ nhại, tôi xúc động vô cùng. Vậy là chúng tôi lấy nhau vì tô cháo gà, sau tám tháng gặp gỡ”. Chị Mỹ Ngọc cười rạng rỡ trong cái siết tay nhè nhẹ của ông xã.

Hiện anh chị đều là nhân viên vi tính. Đi làm về, vợ chồng cùng chăm sóc cho nhau và cho các con. Chị Ngọc kể, khi nghe tin chị yêu anh Hân, gia đình chị phản đối vì lo con gái đã khuyết tật, lại lấy người chồng bị tật nguyền quá nặng do di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản lúc bốn tháng tuổi, khó có tương lai tốt đẹp. Nhưng chị đã mạnh mẽ nói với mẹ: “Mong mẹ ủng hộ vì đây là hạnh phúc của con”. Và họ đã bên nhau hơn 6 năm qua.

Tình yêu = tình bạn + tình anh em

Chị Trần Thụy Thúy Vi mở đầu câu chuyện về tình yêu giữa chị và anh Nguyễn Huệ Trang bằng công thức như vậy. Từ nhỏ đến lớn, hai người sống chung với nhau trong ngôi trường dành cho trẻ mồ côi và khuyết tật (Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, số 215 Võ Thị Sáu, Q.3). 18 tuổi, Thúy Vi ra trường, đi học, đi làm, còn Huệ Trang vẫn sinh sống tại đây và họ mất liên lạc.

Hanh phuc don so cua nhung cap doi khuyet tat
Vợ chồng Thúy Vi - Huệ Trang

Mãi sau này, khi họp mặt các thế hệ cựu học sinh của trường, anh Trang, chị Vi mới gặp lại nhau. Được mọi người ủng hộ, hai người độc thân “xáp” lại sống chung. Hai năm bên nhau, anh chị cười mãn nguyện: “Chúng tôi đã quyết định rất sáng suốt khi lấy nhau. Cả hai đều đã lớn tuổi, chúng tôi thật sự cần một mái ấm gia đình”.

Làm nhân viên vi tính ở khu công nghiệp Tân Bình, anh Trang dành hết thu nhập hằng tháng để hỗ trợ cho niềm đam mê của vợ. Cơ sở tranh giấy xoắn Alice của Thúy Vi đặt tại căn nhà trọ nhỏ của vợ chồng vừa giúp người khuyết tật có nghề và việc làm, vừa để nuôi dưỡng tình yêu hội họa của Thúy Vi.

Đầu ra sản phẩm còn khó khăn, nên để Thúy Vi không bận tâm về việc đảm bảo thu nhập cho tám nhân viên (2-4 triệu đồng/người/tháng, anh Huệ Trang “thầu” hết mọi khoản chi trong nhà. Mỗi tuần, vợ chồng họ chỉ thật sự rảnh rỗi ngày Chủ nhật; sáng, họ cùng nhau đến công viên Tao Đàn sinh hoạt câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu; chiều, anh chị vào bếp nấu nướng, tận hưởng ngày nghỉ bình yên.

“Tình yêu của người khuyết tật là chỉ yêu thôi, không giận hờn, cãi vã chi hết, phải không anh?”. Tiễn tôi ra cửa, chị Vi đã âu yếm hỏi anh Trang như vậy. 

Ngày 18/4, Hội LHPN TP.HCM tổ chức Ngày hội phụ nữ khuyết tật với chủ đề “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, với sự tham dự của 173 hội viên, phụ nữ và các gia đình người khuyết tật nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc (vợ và chồng đều là người khuyết tật) của TP.HCM. Chương trình được tổ chức thường niên nhằm tạo điều kiện để các phụ nữ khuyết tật giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, ổn định cuộc sống. Ngày hội có nhiều hoạt động như: văn nghệ “Giai điệu trái tim”, giao lưu với các gia đình hạnh phúc; trao vốn phát triển kinh tế gia đình của Báo Phụ Nữ TP.HCM cho 27 chị; tặng quà cho phụ nữ khuyết tật… 

Hải Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI