Có người cho rằng hạnh phúc là phải có bạc tiền trong tay, có người lấy quyền lực làm thước đo hạnh phúc, có người đi tìm chân lý cuộc đời theo lời các bậc hiền triết... Riêng với tôi, câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Nam “hạnh phúc ở quanh đây, đâu là chuyện bất ngờ…” luôn là lời nhắc nhở êm đềm và… thực tế.
Chung một tầm nhìn
Quen biết, yêu thương nhau rồi thành lập gia đình nhỏ, về sống chung dưới một mái nhà, hai chúng tôi luôn hiểu rõ câu hát đó.
Xác định từ đầu rằng mình sẽ tự đi lên từ hai bàn tay trắng mà không cần phải dựa vào ai khác, chúng tôi đồng lòng với nhau trong mọi vấn đề từ chuyện nhỏ nhặt là cuối tuần đi chơi ở đâu cho vừa vui vẻ, ngon miệng mà lại vừa không vượt quá số tiền mình dự định chi tiêu; cho tới chuyện lớn hơn là mua đất cất nhà, hay mua nhà cũ rồi sửa chữa lại; hoặc chuyện thay đổi chỗ làm, tạo bước ngoặt trong sự nghiệp.
Suốt thời gian tìm hiểu nhau, bà xã tôi không bao giờ đòi hỏi quà cáp đắt tiền hay những “thể hiện” không cần thiết. Không phải là chúng tôi không thích chuyện lãng mạn, nhưng bấy giờ cả hai đều ý thức phải cố gắng dành dụm để có được những thứ quan trọng hơn sau này.
|
Tác giả và vợ con |
Tôi còn nhớ khi ngồi bên nhau trong quán cà phê trường đại học, có cô bé bán hoa hồng lại mời mua, giá cũng khá đắt so với bên ngoài. Tôi đã mua và người yêu tôi cũng vui vẻ hạnh phúc nhận lấy.
Nhiều năm sau chúng tôi mới biết rằng khi đó cả hai cùng chung ý nghĩ là mua cho cô bé có thể về nhà sớm hơn một chút vì lúc đó đã trễ, chứ không phải vì “thể hiện” hay “chứng minh” gì. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó.
Sưởi ấm đời nhau bằng lửa tình
Không tiêu xài hoang phí, vì vậy chúng tôi thoải mái, thảnh thơi về tài chính để đón chào thành viên mới của gia đình mình. Con trai ra đời đánh dấu một sự kiện quan trọng và hạnh phúc ngất trời không chỉ với vợ chồng tôi mà còn với cả gia đình nội, ngoại.
Từ đây chúng tôi có chung một mối quan tâm và cả lo lắng. Chúng tôi vui khi cháu chơi đùa và làm nhiều trò ngộ nghĩnh, chúng tôi lo khi cháu không khỏe hay không bình thường. Khi đó, các cô, cậu của cháu cũng cùng “tham gia” để gỡ rối.
Có lần cháu bị rối loạn tiêu hóa nặng phải nhập viện nửa đêm. Cô của cháu là người sốt sắng gọi các bác sĩ quen để được tư vấn và giúp đỡ, còn ông ngoại từ quê xa vào tận nơi để “hỗ trợ tinh thần”.
Tất cả những chuyện này giúp chúng tôi thêm “sức mạnh” để vợ tôi thức trọn bảy đêm trông chừng cháu, còn tôi vừa học vừa làm vẫn vượt qua được buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ.
Có được người thân bên cạnh lúc khó khăn thật đáng quý và chúng tôi cảm nhận được những hạnh phúc đơn sơ giản dị này, có khi chỉ qua một cái vỗ vai hay lời động viên chân tình cũng đủ.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, vợ chồng bên nhau vun bồi hạnh phúc qua những việc nhỏ nhặt nhất. Khi cháu lớn hơn một chút, khoảng ba tuổi, có thể giao tiếp với mọi người, cháu rất không thích những cãi cọ trong nhà.
Ông bà nội to tiếng với nhau một chút là cháu đi lại gần ông rồi bà để xoa dịu hai người. Ai cũng hạ hỏa khi có thằng cháu dễ thương chưa nói rành rẽ mà cứ qua lại làm “sứ giả hòa bình”.
Lớn hơn, cháu rất thích chơi game và luôn vui mừng với những phần thưởng cho kết quả học tập tốt, nhưng cháu cũng không vô tâm, mà luôn để mắt tới hoàn cảnh gia đình theo từng thời kỳ.
Năm tròn 15 tuổi, con trai tự đề nghị: “Năm nay mình không làm sinh nhật cho con vì ba mẹ đang khó khăn về tiền bạc” …
|
Gia đình của tác giả cùng với ông bà nội |
Nói về những khó khăn trong đời người thì ai cũng từng đối diện: người may mắn thì một đôi lần, người kém may hơn thì triền miên như câu nói “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”.
Quan trọng nhất là khi có chuyện xảy ra, người trong gia đình phải luôn bên nhau, hợp lực nâng đỡ nhau, dìu dắt nhau để vượt cơn nguy khó. Với gia đình chúng tôi, thử thách lớn nhất là khi quyết định thay đổi công việc, thay đổi nơi ở.
Từ một ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi, công việc quen thuộc, bạn bè thân quen… chúng tôi chuyển đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ở nhà thuê, thiếu thốn tiện nghi vật chất, ít bạn bè, không người thân… Tất cả phải làm lại từ đầu.
Thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi càng hiểu thêm câu nói “cái lạnh bên ngoài không bằng cái lạnh bên trong” nên đã sưởi ấm nhau bằng những chăm sóc, những quan tâm, những thương yêu hơn cả lúc bình thường.
Tôi không sao quên được những bữa cơm đơn giản, tiện tặn mà ngon và hạnh phúc khi tôi câu được con cá, vợ tôi nấu canh, còn con tôi dọn chén đũa.
Tôi cũng không quên được chiếc ghế đá chúng tôi ngồi khi lần đầu tiên mua một ly nước trái cây mà cả nhà uống chung. Tôi cũng không sao quên được hình ảnh vợ tôi cõng con tôi chạy bộ hơn hai cây số từ trường về nhà vì cháu đột nhiên bị sốt khi chúng tôi chưa có phương tiện đi lại…
Tất cả câu chuyện đó minh chứng một điều rằng với tình thương yêu và sự gắn bó gia đình, chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn thử thách, dù lớn đến cỡ nào đi nữa.
Thời gian trôi mau như bóng câu qua cửa, mới đó mà hai mái đầu xanh nay đã chớm bạc, “thằng cu” năm nào nay đã là sinh viên năm hai của một trường đại học, chững chạc bàn luận những vấn đề quốc gia, quốc tế và góp ý kiến cho ba mẹ. Chúng tôi tận hưởng những thành quả mà bao nhiêu năm qua đã cố gắng phấn đấu, hy sinh để đạt được.
Chúng tôi vẫn luôn là một gia đình hạnh phúc vì luôn bên nhau lúc khó khăn cũng như lúc vui sướng. Cha mẹ hiểu nhau, hiểu con cái và ngược lại.
Hạnh phúc thật đơn giản, không phải tìm đâu xa phải không?
Quang Thiện