1. Sáng nay, tôi ra quán mì của thằng Tám đầu hẻm thì nó cười: "Hết mì rồi nghe". Tôi nhìn đồng hồ, mới hơn 7 giờ kém 15 phút.
Quán thằng Tám nức tiếng 3 đời với danh "Mì Quảng Chín Sự". Khách đông vì mì Quảng được làm từ một loại gạo đặc sản chuyên để tráng ra cọng mì mềm mà dai. Nước chan mì, rau sống, tới hạt đậu phộng rắc lên và chén nước mắm khó quán nào pha chế ra được. Vậy mà bao đời nay chỉ bán đúng 50 tô là nghỉ, tô thứ 51 cũng không bán.
|
Tôi bỏ Sài Gòn về Quảng Nam gây dựng một thương hiệu vì cộng đồng |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng kể rằng, ở Sài Gòn có một quán cháo vịt ngon muốn xỉu lên xỉu xuống, nhưng quán chỉ bán đúng 6 con vịt, không thêm không bớt. Khách có kỳ kèo hay đòi nằm vạ cũng chỉ nhận được nụ cười, “chịu khó mai quay lại”.
Rồi quán bán bánh canh cua mỗi ngày nấu đúng 72 tô, hỏi mua tô thứ 73 "về làm thuốc" cũng... hên xui. Sáng dọn chưa ấm chỗ, vèo cái hết nồi bánh, bà chủ dành cả thời gian còn lại của ngày để nằm võng nghe Thái Thanh, hoặc dẫn con chó đi chơi xóm.
Tôi cũng từng hỏi thằng Tám sao không bán thêm, nó cười giòn tan rồi trả lời y chang chủ quán cháo vịt Sài Gòn: "Nhiêu đây là đủ. Tao thấy vui, hạnh phúc với việc mỗi ngày chỉ bán chừng đó, lợi nhuận chừng đó, quỹ thời gian làm chừng đó. Sau 8 giờ sáng là tao đi lướt Facebook, tám chuyện, chiều đánh cầu lông, tối đúng bong 9 giờ là leo lên giường. Sống vậy mới đáng sống và hạnh phúc!".
|
Tôi rất rõ hạnh phúc của mình là gì và từ đâu đến |
Nó hay càm ràm với tôi là: "Mi chẳng biết sống gì cả. Suốt ngày cứ quần quật sản xuất, có hôm 12 giờ đêm còn ở xưởng tăng ca, không có thời gian hưởng thụ thì sao tìm được cảm giác hạnh phúc!".
"Chắc mi không biết hạnh phúc có mùi vị như thế nào đâu hỉ" - nó lại cười giòn.
Tôi hỏi nó: "Vậy bao nhiêu gọi là đủ, thế nào mới gọi là vui và sao mi biết tao không hạnh phúc", thì nó chỉ cười hề hề, không trả lời.
Nó chỉ bảo, cuộc sống như nó, như chủ quán cháo vịt Sài Gòn hay quán bánh canh cua trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư là đủ, là vui, là sướng, là biết sống và mới là hạnh phúc thực sự. Hay vài người trong xóm tôi cứ bảo làm đủ ăn, đủ xài thì mới nhàn hạ, nhàn hạ thì mới hạnh phúc.
Nhưng tôi không tranh cãi, vì "đủ", "vui", "biết sống" hay "hạnh phúc" e rằng cũng vô chừng lắm. Vui và hạnh phúc của thằng Tám là mỗi ngày chỉ bán chừng đó tô mì Quảng. Tương tự, vui và hạnh phúc của chị Tư làng trên là sáng ra đồng tối về ngủ, cuối tuần đi hát karaoke.
Vui và hạnh phúc của anh Ba Ròm, chủ cơ sở may xóm dưới, là phải làm luôn Thứ bảy, Chủ nhật, công nhân phải tăng ca, hàng xuất tấp nập.
Còn vui và hạnh phúc của tôi là gì, bạn có biết không?
2. Ngày rời quê ra phố, tôi mang hai giấc mơ lớn. Một là ăn học thành tài, ngao du phố thị, học hỏi trời cao biển rộng, mở mang tầm mắt và đầu óc. Hai là trở về quê, mở nhà máy, tạo việc làm cho bà con. Tôi cứ ám ảnh mãi những lần vác ba lô về thăm quê thấy cuộc sống ở quê vẫn vậy, chẳng khác gì ngày tôi rời đi.
Thanh niên chúng tôi, người ra tỉnh lị lập nghiệp, có chồng con và định cư; kẻ theo con đường học tập rồi làm việc ở thành phố lớn hoặc nước ngoài xa lắc xa lơ; có người vào thành phố mưu sinh bán hủ tiếu, mì gõ biền biệt. Người già thì một số bám quê mòn mỏi, số về với ông bà tổ tiên, số khác rời làng ra thành thị theo con cháu. Làng cứ thế vắng dần và cô đơn dần.
|
Tôi nghĩ đủ cho mình thì dễ, tôi cũng biết đủ cho mình, nhưng luôn thấy thiếu cho người. Say mê sản xuất tạo việc làm cho bà con với tôi cũng là cảm giác hạnh phúc |
Năm 2010, khi vừa ra trường, đi làm, bạn thân hỏi tôi còn ý định về quê nữa không, tôi nói: "Về, nhưng không phải bây giờ". Vì tôi rời quê vào Sài Gòn không phải là chọn nơi phồn vinh để cư ngụ hay thoát nghèo cho mình, mà là để học cái tinh hoa, cái sự tài giỏi của người đời, đem về nghĩ cách thoát nghèo cho quê hương.
Năm 2016 tôi về, về thật, và 4 năm qua là quãng thời gian hạnh phúc với tôi. Tôi đi tới từng xóm nhỏ, từng bản làng xa để thăm, tặng quà, giúp đỡ bà con nghèo, ai nấy mừng mừng tủi tủi. Bà con theo thời gian, ai cũng khác, cũng già đi, khắc khổ hơn, lo toan nhiều hơn... chỉ có cái nghèo là không thay đổi. Họ ôm tôi, nắm tay tôi, chiều đó tôi ra về trong lòng dâng lên nhiều cảm xúc hạnh phúc mà day dứt lắm...
Với tôi, tôi cũng biết đủ cho mình, nhưng luôn thấy thiếu cho người. Ví dụ mình ăn uống đủ rồi, áo quần đủ rồi, xe cộ đủ rồi, nhà cửa đủ rồi. Còn nhiều bà con thì mình luôn thấy họ thiếu, thiếu việc làm, thiếu tiền, thiếu gạo, thiếu cơm thiếu áo...
Nếu mình có thiếu chăng là thiếu nhà máy to hơn, thiếu nhân viên nhiều hơn, thiếu thời gian và tiền bạc để cho đi nhiều hơn.
Sống vui và biết sống với tôi phải còn là say mê sản xuất, tìm cách bán được hàng, mở rộng nhà máy, tuyển thêm nhiều nhân viên. Cuối tháng, tôi trích tiền giúp bà con nghèo, trẻ mồ côi, học sinh...
|
Tôi chọn phát triển nông sản sạch để tạo việc làm cho người nghèo và thêm lựa chọn cho người tiêu dùng |
|
4 năm qua, tôi rong ruổi tới từng bản làng nhỏ để giúp đỡ các em nhỏ mồ côi, nghèo khó, người đồng bào thiểu số |
|
Niềm vui của tôi là niềm vui của trẻ nghèo, người già, người bệnh... Niềm hạnh phúc của họ luôn lan sang tôi và các cộng sự. |
|
Tôi cùng các bạn trong nhóm sản xuất Tony Buổi Sáng đã thành lập Quỹ nuôi trẻ mồ côi, cam kết mỗi thành viên đều đặn hằng tháng trích lợi nhuận để nuôi trẻ em mồ côi cả nước. Trong hình là bé Phùng Thị Yến Phương - con nuôi của tôi. Tôi hạnh phúc vì lần đầu được làm mẹ. |
Tôi nghĩ, khi đã chọn sứ mệnh cống hiến và cho đi, thì tất thảy những việc mình làm đều là vui và hạnh phúc. Dù có khổ đau thì cũng gọi là hạnh phúc trong khổ đau. Coi như mình đã có một quãng đời sống có ích, mang lại giá trị và thay đổi cuộc sống bao người.
Suy cho cùng, vui hay không vui, hạnh phúc hay không hạnh phúc cũng tại tâm mình mà ra.
Võ Thị Minh Nga
(CEO thương hiệu Cô gái Bh.nong)
Bạn có nghĩ mình hạnh phúc? Hạnh phúc của bạn là gì? Là giàu đẹp, giỏi giang, được yêu thương, hay hạnh phúc với bạn lớn lao hơn?
Hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong diễn đàn "Bạn có hạnh phúc không?", bài viết gửi qua địa chỉ email online@baophunu.org.vn.
Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|