Chẳng phải như các bà các chị, có chút tiền bỏ ra thuê người làm việc nhà cho mình là lập tức coi người ta như mẻ. Xưa nay, tôi cực kỳ kính nể các Ô-sin vì khả năng hơn người của họ. Nhưng tôi thật sự không ngờ có ngày tôi lại… kính nể mình.
|
Có ngày tôi lại kính nể mình. Ảnh minh họa |
Cả thời thơ ấu tôi được cha mẹ ưu tiên cho chuyện học nên tôi chỉ biết nấu bập bõm vài món thức ăn. Nhà cửa tôi chỉ biết dọn dẹp sơ sơ. Thế nên, tôi phục các Ô-sin lắm. Nấu cơm đã khó, nấu cho người khác ăn còn khó hơn. Huống hồ là cho những người đủ quyền chê bai, mắng nhiếc, la rầy hay khen thưởng, động viên.
Tôi còn nể trọng họ vì đó không chỉ là công việc cực nhọc, vất vả, mà còn cần bản lĩnh, sự khiêm tốn, khả năng nhịn nhục. Mà để hòa lẫn tất cả điều đó, người ta phải có “tư duy triết học” thì mới tồn tại thảnh thơi, bình an. Nhưng điều quan trọng nhất khiến tôi nghĩ mình không thể làm Ô-sin là ngoài chuyện kiếm tiền ra, tôi có biết, có giỏi chuyện gì đâu. Vì thế, xưa nay, tôi lụy các Ô-sin lắm. Nhất là từ ngày có chồng con. Tôi coi Ô-sin như bậc tối thượng, nhỏ nhẹ, chiều chuộng và e nể họ hết cỡ.
Nhưng có lẽ số tôi không có cung nô bộc nên chẳng mấy khi có một Ô-sin lâu dài. Nhiều nhất thì hai năm, ít nhất là ba ngày. Họ cứ làm một thời gian là xin nghỉ, vì đủ lý do. Mỗi lần nghe họ báo nghỉ là tôi hốt hoảng, nháo nhác tìm người thay thế, lên mạng hỏi bạn bè, tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm.
Thời gian ấy, nhà tôi xáo trộn bởi đủ các kiểu người với đủ kiểu cách sinh hoạt, đủ vị của những món ăn. Chồng con tôi còn sợ những lần thay đổi Ô-sin hơn tôi. Bởi cuộc sống sẽ bị phụ thuộc vào cách sinh hoạt của một người hoàn toàn xa lạ. Từ chiếc áo được ủi, đôi giày được giặt, chén cơm được ăn…
Cách đây hai tháng, cô Ô-sin đang làm cho nhà tôi được hơn một năm lại xin nghỉ. Tôi lại bắt đầu một kỳ tuyển Ô-sin mới. Trong hai tháng, gia đình tôi lần lượt tiếp đón và đưa tiễn tới bảy Ô-sin. Họ đến, cả nhà tôi mừng rỡ bao nhiêu thì lúc họ đi, chúng tôi cũng hân hoan bấy nhiêu. Bởi nhiều người trong số họ chỉ vài ngày ngắn ngủi cũng gây tai nạn liên tiếp: vỡ đồ đạc, cháy bàn ủi, máy sinh tố, hư nồi cơm điện, hỏng nệm sofa, lem nhem áo trắng… dù tôi đã đề phòng, cảnh báo, theo dõi.
Kể về những chuyện xảy ra với các Ô-sin trên FB, lập tức lượt like, comment tôi tăng đột biến bởi những chia sẻ, cảm thông cười ra nước mắt của mọi người. Hóa ra, đó là nỗi khổ chung của rất nhiều người.
Sau những ngày các nàng Ô-sin cắp nón ra đi, để lại sau lưng những bãi chiến trường ngổn ngang, tôi không chịu nổi sự bừa bộn, bẩn thỉu nên đã phải lao vào dọn dẹp. Bất chợt, tôi nhận ra niềm hạnh phúc lạ kỳ khi được lau dọn nhà cửa. Sự bức bối vì từng phải chấp nhận mọi thói quen của các Ô-sin khiến tôi giờ đây nếm trải cảm giác thăng hoa trước sự gọn gàng và ngăn nắp mọi nơi.
Tôi sung sướng khi ủi một chiếc áo thẳng thớm và đẹp đẽ. Chà bồn cầu với tôi là một công việc thú vị mang “tính triết học cao cả”, bởi tôi thường vừa làm việc vừa suy nghĩ vẩn vơ về chuyện nhân tình thế thái và rút ra rất nhiều điều quanh các bộ quy luật, các cặp phạm trù… Và điều quan trọng là mọi người trong nhà sau khi ăn cơm của các nàng Ô-sin thì cũng gật gù bảo tôi nấu ăn hơn hẳn họ. Như vậy thì chắc chắn là tôi có khả năng làm Ô-sin được rồi. Thật là đáng tự hào!
Giờ đây, tôi tự tin tuyên bố mình thừa khả năng làm một Ô-sin giỏi giang. Tuy nhiên, tôi chưa thượng thừa đến mức có thể vừa thiền vừa làm việc, cho nên tôi sẵn sàng gầm lên như vũ bão khi chồng con tôi xả ra bừa bộn khắp nơi ngay sau khi tôi dọn dẹp. Tôi cũng chẳng để cho ai chơi trong khi mình quần quật làm việc. Người lớn việc lớn, người nhỏ việc nhỏ, tôi bắt cả nhà đồng cam cộng khổ với mình.
Ngạc nhiên chưa! Cả nhà vui vẻ hợp tác, thậm chí còn thêm độ hài hước khi tôi gầm gào. Chồng con tôi thường nháy nhau: “Lẹ lẹ về chỗ, siêu Ô-sin sắp thượng đài rồi kìa”. Nhưng cũng nhờ vậy, tôi nhận ra mình chỉ có thể làm Ô-sin cho chính gia đình mình thôi, các bạn có nhu cầu tuyển dụng đừng gọi tôi nhá. Tôi còn lâu mới thuộc hàng Ô-sin được kính trọng và tôn vinh nơi nơi.
Mà tôi cũng mạo muội khuyên các bà nội trợ, chẳng có cách nào thoát được nỗi khổ Ô-sin bằng cách tự thu xếp để làm Ô-sin cho chính mình. Ít nhất là các bà sẽ nhận được sự kính trọng và tôn vinh của chồng con đấy. Tin tôi đi!
Song Văn
Cả nhà tôi là Ô-sin
Công việc bận rộn, phải trực đêm, nhưng khi về đến nhà, tôi cũng đóng vai Ô-sin. Tôi muốn tự tay vào bếp chuẩn bị những bữa ăn tình cảm cho người thân. Tôi quan niệm, cùng chia sẻ việc nhà sẽ khiến các thành viên gắn kết hơn, xem nhà thật sự là tổ ấm của mình vì cùng nhau nỗ lực chăm sóc, thay vì coi đây là trách nhiệm của người giúp việc, khiến nơi ở có nguy cơ như… nhà trọ!
Tôi chia sẻ với con gái: “Con cứ coi làm việc nhà như tập thể dục, vận động cơ thể thay vì đi tập gym”. Ba mẹ tôi đã về hưu nên ông bà cũng giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều. Việc nhà được phân chia cụ thể: Phòng cá nhân và việc cá nhân thì mỗi thành viên tự lo. Công việc chung như nấu ăn thì cả nhà cùng xắn tay vào làm. Cảm giác ngày nghỉ cả nhà quây quần bên mâm cơm nóng sốt, ngắm bình hoa mới cắm, nhâm nhi ổ bánh tự tay làm, uống ly cà phê mới pha, thú vị lắm!
Nguyễn Thị Quỳnh Hương
(Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM)
Người giúp việc là ân nhân của chủ nhà
Trong cuộc sống, ai chẳng muốn “vào vai” hưởng thụ. Người giúp việc cũng có những lúc mỏi mệt, cũng có sau lưng một đàn con với bao lo toan, nhưng vì hoàn cảnh riêng họ phải lãnh phần nặng nhọc, vất vả, thậm chí dơ bẩn để người chủ yên tâm ra ngoài lo việc khác.
Với lòng biết ơn, tôi luôn xem người giúp việc như trợ thủ của mình. Đối với hạnh phúc gia đình, sự có mặt của người giúp việc khiến người chủ dành thời gian, tâm sức để chăm chút cho đời sống vợ chồng; có thể tương tác, chuyện trò, âu yếm hoặc cùng nhau làm một việc lý thú nào đó.
Tùy văn hóa, giáo dục, thói quen, định kiến… mà xuất hiện những phản ứng khác nhau ở người chủ. Khi người giúp việc làm sai ý, nhiều người chủ trút xả vào người mà mình cho rằng ở cấp thấp hơn, dễ dẫn đến chỉ trích, lên án, nhục mạ.
Nhưng người chủ không có quyền đó. Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định rõ giúp việc là một nghề nghiệp phải được ký hợp đồng lao động, có bảo hiểm xã hội với thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như một người lao động bình thường, phải tuân thủ quy định về lương thưởng lễ tết như các nghề nghiệp khác…
Thế nên, bạn chỉ được nói lên mong muốn, yêu cầu của mình cho người giúp việc biết, chứ không có quyền miệt thị, xúc phạm họ.
Trần Quốc Phúc
(Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cho Bạn Cho Con, Q.3, TP.HCM)
Luồng gió mát từ phía sau..
Tôi chọn cái nghề thấp kém này đã được tám năm, đã phục vụ mấy chục nhà, nếm đủ đắng cay. Tôi không nhớ bao nhiêu lần phải lén khóc vì bị phân biệt, xúc phạm, sỉ nhục. Nhà mất đồ, chủ liền đổ cho mình; cậu bé con chủ hỗn láo, xem thường mình, chủ không dạy dỗ con mà còn mắng mình té tát…
Có người khi đã bỏ đồng tiền ra là phải vét hết sức lực của người giúp việc; suốt ngày xem ti vi, chơi điện thoại và sai khiến người giúp việc “quay như chong chóng”. Nhưng cũng có những người chủ rất dễ thương, cho mình cảm giác đang sống trong gia đình, như nhà chú Phúc mà tôi đang làm đây.
Khi có việc, cả gia đình đi vắng, đã giao nhà cho tôi với lòng tin tuyệt đối; tôi bệnh xin nghỉ, cô chú hỏi han, quan tâm. Khi ngồi một mình làm việc, tôi ngại mở quạt vì sợ tốn điện, bỗng nghe có luồng gió mát từ phía sau lưng và câu hỏi nhẹ nhàng: “Nóng bức quá, sao chị không mở quạt?”. Với người nghèo như tôi, những điều đó vẫn quý hơn tiền bạc.
Đào Xuân Hương
(H.Nhà Bè, TP.HCM)
DIỆU HIỀN - KHÁNH THỦY (ghi)