Hạnh phúc của đôi vợ chồng “khổ hạnh”

29/02/2016 - 14:27

PNO - 14 năm, gia đình tròn đầy thêm với một trai, một gái, thế nhưng vợ chồng họ chưa khi nào có một chuyến đi chơi trọn vẹn cùng nhau.

Hẹn hò với vợ chồng bác sĩ Minh Tiến thật không dễ dàng. Sáng thứ Hai, với bác sĩ - chồng ở khoa Hồi sức chống độc, suốt hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi chẳng nói được chuyện gì, cứ năm phút một lần chuông điện thoại của bác sĩ lại reo với hằng tá những câu hỏi của bệnh nhân, y tá, đồng nghiệp. Cuối cùng, khi gia đình của một bệnh nhi bị ốm nặng với hai mắt đỏ hoe tìm tới bác sĩ, tôi đành “bỏ cuộc” với lời hẹn: tối gặp bác sĩ - vợ tại nhà.

8g tối tại nhà. Câu chuyện mới bắt đầu chừng 30 phút: bác sĩ - vợ bị gọi đi cấp cứu. Chị hối hả đi cùng với lời hẹn hôm sau.

Hanh phuc cua doi vo chong “kho hanh”
Bác sĩ Minh Tiến nhận giải thưởng Kova

14 năm chưa hề trọn vẹn một chuyến đi...

Chẳng phải tới bây giờ, khi đã trải qua 14 năm hạnh phúc cùng nhau, cuộc sống của đôi vợ chồng bác sĩ này mới trở nên gấp gáp như vậy. Ngay từ thời yêu nhau, chuyện thất hứa, trễ hẹn đã như cơm bữa. Ngày sinh nhật đầu tiên khi vừa quen nhau, anh đã trễ.

Hẹn 8g tối mà mãi đến 10g chị mới thấy người yêu tới. Vừa sốt ruột, vừa ngại ngần vì cả nhà cùng chờ theo, chị đã toan làm mặt giận, nhưng khi anh đưa món quà đã chuẩn bị trước cùng lời giải thích phải cấp cứu gấp một bệnh nhi, chị đành cho qua. Chị bảo: “Không ít lần tình cờ nghe người nhà bệnh nhân cám ơn anh vì đã cứu con họ, mình mới hiểu rằng việc anh trễ hẹn, thất hứa là chuyện không thể tránh được. Nhờ đó mà tôi chấp nhận được, bỏ qua được hết cho anh”.

14 năm, gia đình tròn đầy thêm với một trai, một gái, thế nhưng vợ chồng họ chưa khi nào có một chuyến đi chơi trọn vẹn cùng nhau. Thu xếp bệnh viện bên này, sắp đặt bệnh viện bên kia, ca trực bên này, ca trực bên nọ, để có thể khởi hành cùng nhau. Thu xếp mãi… có khi đi được nửa đường, cao lắm là một ngày, nghe báo bệnh viện có ca nặng cần bác sĩ trưởng khoa, thế là bác sĩ - chồng quay về. Chuyến đi dang dở. Được vài lần, cả nhà... hết hứng thú đi chơi cùng chồng, cùng ba. Ngay cả khi anh sắp xếp chuyến đi, cả nhà đều can: ở nhà có khi lại vui hơn.

Tết nhất lại càng không phải là dịp sum vầy. Vợ trực 30 tết, chồng trực ngày mùng Một. Mùng Hai lại tới phiên vợ, mùng Ba phiên chồng, sang mùng Bốn, Năm. Chu kỳ cứ lặp lại vậy là hết tết. Nghe vợ kể, bác sĩ Minh Tiến cười xòa: “Cần gì tết, cứ hai vợ chồng cùng làm bác sĩ thì cầm chắc một tuần có đến bốn đêm không ở cạnh nhau. Vợ hai đêm chồng hai đêm. Ở chung nhà mà xa nhau suốt”.

Có thể vậy mà họ gắn bó với nhau chăng, tôi thầm nghĩ. Như bắt được suy nghĩ của người khác, bác sĩ Tiến cười hiền: “Ngày yêu và quyết định lấy nhau, cả hai đã biết rồi sẽ vất vả”. Bởi họ đã xác định từ lúc trước khi gặp nhau rằng một khi đã chọn con đường này, họ sẽ không thể có những điều rất đỗi bình thường như các gia đình khác, ăn cùng nhau một bữa cơm mỗi ngày còn khó nói gì chuyện đi chơi chung. Nhưng chẳng vì thế mà hạnh phúc của đôi vợ chồng bác sĩ Minh Tiến - Ngọc Bích bị sứt mẻ.

Tất cả là nhờ vợ yêu

Sáng ngày 26/1/2016 vừa qua, bác sĩ Minh Tiến nhận quyết định lên chức Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tin này đến với bác sĩ Ngọc Bích qua những lời chúc mừng tưng bừng của đồng nghiệp gửi cho hai vợ chồng. Giữa một ngày bộn bề của một bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chị gửi tin nhắn “Chúc mừng chồng yêu”. Ngay lập tức, chị nhận được tin nhắn của chồng “Đó là nhờ công vợ yêu”.

Điều gì đã khiến họ chọn nhau ngày xưa, yêu thương nhau và chung sống với nhau đến giờ phút này? Vợ chồng bác sĩ chia sẻ, ngay từ ca trực đầu tiên trong đời, họ đã hiểu, chỉ có người cùng nghề mới có thể thấu hiểu, chia sẻ và thông cảm hết sức với nhau về những vất vả, khó khăn của nghề - cái nghề không chỉ là phục vụ, hy sinh mà còn phải học hỏi, phấn đấu liên tục.

Với gia đình bác sĩ, chuyện từ chối một cuộc điện thoại khẩn cấp là điều không thể. Cái câu “em tới đi” của bác sĩ - chồng nói với bệnh nhân vào bất kỳ giờ nào đã thành quen thuộc với bác sĩ - vợ. Chị bảo: “Anh ấy tham công tiếc việc, tích cực với bệnh nhân lắm chị. Ai gọi giờ nào cũng trả lời, cũng khám, cũng chữa. Có đôi khi tôi cũng buồn, cũng giận, nhưng anh ấy an ủi, coi như mình tích đức cho con, em lại thôi. Anh ấy là bác sĩ nhi mà, bệnh của trẻ con tiến triển nhanh lắm, không thể chần chừ được”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI