Bốn mươi mà nhìn em trẻ quá, chắc là sống hạnh phúc lắm!
Tôi không trả lời chị, vì còn đang cắm cúi vào tờ khai xin cấp bản sao khai sinh cho thằng con chị. Chị phân bua, thật ra chị cũng biết chữ, nhưng bốn mấy rồi, mấy năm nay tự dưng mắt mờ hẳn. Với lại, em đừng cười, hồi đó học có lớp 3 lớp 4 thôi. Giờ quên gần hết mặt chữ rồi.
Thằng bé ở bàn cạnh bên chợt hỏi mẹ nó - người đàn bà đang làm lại giấy khai tử cho chồng, rằng hồi đó ba chết ngày nào. Bà mẹ quát khẽ: “Ai mà biết, nên giờ mới ráng nhớ lòi óc ra nè”. “Kỳ vậy, sao chồng chết mà vợ không nhớ?”. “Mày hỏi lạ, mười năm rồi chớ bộ”. Câu hỏi của thằng bé làm tôi chợt phì cười, chị lại bảo: “Em vui vẻ quá, chắc là hạnh phúc lắm”.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Làm sao trả lời chị được vì mỗi người có một định nghĩa riêng về hạnh phúc. Có người hạnh phúc vì lấy được chồng giàu, không phải nặng lòng chuyện cơm áo; có người hạnh phúc vì “một túp lều tranh hai trái tim vàng”; người cố gắng hạnh phúc vì lấy người mình không yêu nhưng làm tròn được chữ hiếu; người hạnh phúc vì con cái ngoan ngoãn…
Tôi đi bằng đôi chân của mình, sống bằng đôi tay lao động của mình. Con tôi ngoan, dù nhà cửa ọp ẹp, bọn trẻ phải ngủ chung một chiếc giường, ngồi học chung một chiếc bàn. Nhà tôi không có ti vi, không có điện thoại thông minh, hàng tháng không có huê lợi nào, càng không có khoản riêng nào ngoài đồng lương công nhân ngày làm việc mười tiếng, tuần làm đến sáu ngày rưỡi của tôi. Tôi cho đó là hạnh phúc vì mỗi bữa cơm là có đủ mọi thành viên, tíu tít cùng nhau dọn chén đũa.
Nhưng, tôi vẫn nuôi nhiều mơ ước. Có ai đánh thuế ước mơ đâu. Tôi mơ nhà sẽ rộng hơn, con tôi mỗi đứa sẽ có một chiếc bàn học, một chiếc xe đạp và những ngày cuối tháng tôi sẽ không phải đắn đo khi mua một con gà quay cho con bồi dưỡng, để rồi sờ túi và quay đi, tự an ủi: “Thôi tháng sau vậy, gà quay còn bán đầy”. Tôi cũng mơ xấp tiền lương mình rút ra từ máy ATM sẽ dày hơn bây giờ, để mình có thể mua một hộp phấn nền, thỏi son màu cánh sen hay chai kem chống nắng. Để rồi…
Tôi bảo, chị chắc cũng hạnh phúc lắm. Bốn mươi bảy tuổi mà con mới chuẩn bị vào lớp 1, vì chiều chồng nên ráng sinh cho có nếp có tẻ phải không? Chị bảo, chị cũng “bình thường”, ba tám tuổi mới lấy chồng, ba chín sinh đứa đầu, bốn mốt sinh đứa sau. Vợ chồng bằng tuổi, anh ấy cũng chưa kết hôn lần nào. Vợ chồng làm ruộng, chung tay tạo lập được năm công ruộng, dư thời gian thì anh đi giăng câu thả lưới, có con cá con mắm mà ăn. Chị sắm cái máy may may hàng gia công, có đồng ra đồng vô, coi như là hạnh phúc. Sao lại coi như? Ừ thì… cứ nghĩ mình hạnh phúc là hạnh phúc thôi!
Chị làm ruộng đầu tắt mặt tối, tới mùa thu hoạch thì chồng cầm hết, mỗi ngày tiền phát gạo đong, đo lọ nước tương, đếm từng tép tỏi… Nhưng không sao, anh muốn thì chị chiều, chịu khó viết ra giấy tất cả các thứ cần mua, đưa anh coi. Thuốc men, sữa sùng, gạo thóc, đám tiệc bên nội bên ngoại… toàn những việc không thể từ chối. Phần chị có cái máy may, ráng làm khéo chút cho vừa lòng chủ hàng, kiếm thêm chút đỉnh, khỏi xin tiền chồng, nhà hết hục hặc. “Coi như hạnh phúc” là vậy đó!
Chị cười hì hì, gương mặt rỗ nam nám, vóc dáng tròn ù, cái áo khoác màu xám tro rộng rinh, nồng nồng mùi mồ hôi nhưng miệng cười rất tươi. “Úy, ta nói hồi đó làm cả chục bản sao khai sinh đó chứ, nhà dột hoài nên ép nhựa kỹ lưỡng hết ráo. Giờ thằng nhỏ tới tuổi đi học, nhà trường không nhận khai sinh ép nhựa. Vậy là phải đi làm giấy khác, mất cả buổi may đồ”.
Bàn bên, bà mẹ “ráng nhớ lòi óc” đang được cán bộ tư pháp hướng dẫn bằng cách viết bút chì lên tờ khai, bảo chị đọc cho nhớ, rồi xóa đi, lấy bút bi viết lại hệt như vậy. Chị lẩm nhẩm đọc, nhờ cả thằng con lớp 5 đọc và nhớ phụ, nhưng chữ của cán bộ tư pháp “rồng bay phượng múa” quá, thằng nhỏ đọc cũng vất vả. Chừng đọc thông rồi thì không tìm đâu ra cục gôm để xóa. Thằng bé sáng ý, bảo mẹ lấy cọng thun cột vào đầu bút bi mà xóa. Bà mẹ làm theo, thấy được việc, cười hì hì khen thằng con “thông minh bà cố”. Mắt người phụ nữ “ổng chết hồi tui hăm bảy tuổi” ấy ánh lên tia hãnh diện, cứ như chuyện biết lấy cọng thun cột vô cây bút thay cục gôm của thằng bé là thành công của một “vĩ nhân nhí”!
Giấy đã chứng xong, chị tất tả ra về, nói còn năm mươi cái túi áo đang chờ chị ráp vô để giao cho chủ hàng. Áo bán hai lăm ngàn một cái, công may có hai ngàn rưỡi mà ngồi trẹo cả lưng, sướng ích gì! “Nhưng mà phải ráng, ngày may ba bốn chục cái cũng đỡ lắm em!”. Chị đi, để lại cho tôi lời mời, hôm nào em có đi mé ngã ba Thiên Thọ ghé nhà chị chơi, nhà có cửa màu xanh, có lu nước trước hiên, đối diện ngôi chùa cổ. Hỏi, thời này còn để cái lu nước làm gì. Chị bảo, là chồng chị thích vậy, kệ! Mà cũng có người ghé uống đó, khen nước lu mát hơn nước bình.
Hạnh phúc tưởng chừng như xa xôi, to tát lắm nhưng gặp chị, người đàn bà muộn duyên, cuộc sống lam lũ, tôi chợt hiểu ra, hạnh phúc thật sự đôi khi chỉ là những điều nhỏ nhặt thường nhật.
Còn tôi, tôi đã hạnh phúc chưa? Và bạn nữa, bạn có hạnh phúc?
Trang Đào