Hạnh phúc bé mọn của tôi

16/09/2015 - 16:15

PNO - Nhìn lại đời mình, khát khao lớn nhất, điều hạnh phúc nhất tôi đã sắp thực hiện được, đó là nuôi dạy hai đứa con ăn học tương đối tử tế.

Hanh phuc be mon cua toi
Anh Nguyễn Viết Cường trong ngôi nhà mới xây của mình

Trước khi kể câu chuyện kiếm tiền của mình, tôi muốn quý độc giả chung vui cùng tôi một chút: sau một năm theo học chương trình đại cương, con đầu của tôi vừa được tuyển vào lớp kỹ sư tài năng của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM; còn con út của tôi, cũng vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Điều này rất có ý nghĩa với tôi, một người tật nguyền.

Tôi là người kém may mắn khi được sinh ra trong một hình hài không lành lặn: lưng gù, vai lệch, chiều cao hạn chế. Năm 1979, tôi giã biệt quê hương Đô Lương - Nghệ An vào Vũng Tàu theo học trung cấp thương nghiệp.

Nhưng, mới học được hơn một tháng thì ban giám hiệu gọi tôi lên bảo, người như tôi không đủ sức khỏe theo học lâu dài được, nên chủ động xin nghỉ học. Tôi hiểu, vì dị tật bẩm sinh của tôi, nhà trường không muốn đào tạo ra một cán bộ có lưng bị gù.

Được cái, nhà trường cũng thương tình tạo cho tôi một việc làm ổn định để sinh sống. Họ nhận tôi vào phòng hành chính làm các công việc linh tinh. Năm 1980, trường chuyển trụ sở từ Vũng Tàu về TP.HCM, tôi chuyển theo và trở thành công dân Sài Gòn từ đó.

Năm 1994, tôi bị giảm biên chế theo nghị định 176. May thay, trước khi nghỉ việc, tôi đã kịp ký hợp đồng thuê được căn nhà của nhà nước ở xã Phước Bình để có nơi dung thân. Bắt đầu từ đó, tôi mới thực sự phải bươn chải kiếm sống.

Với vài triệu đồng được thanh toán khi bị giảm biên chế , tôi trằn trọc nhiều đêm: mình sẽ làm gì đây để có thể tồn tại được ở đất Sài Gòn hay là phải quay lại quê nhà ?

Giữa lúc ấy, có mấy người bạn đồng hương rủ tôi đi buôn nông sản khô, mua từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung về bán ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sức khỏe kém nhưng đang lúc bí, tôi cũng “ừ”.

Tất nhiên, tôi phải mang toàn bộ số tiền dành dụm được hùn hạp vào. Sau mấy chuyến, lãi lời chả đáng là bao, đã vậy, còn có người phán: “Tướng ông Cường gù hãm tài lắm, từ rày ông chỉ được áp tải hàng thôi, không được xía vô giao dịch với khách hàng”. Tự ái nổi lên, tôi rút vốn, chia tay ngay.

Tôi lại tiếp tục những ngày dằng dặc ngập tràn nỗi lo cơm áo. Nghe bạn bè gợi ý, tôi chia nhà ra làm mấy phần, góc này nuôi heo, góc kia nuôi gà công nghiệp. Không biết có phải do tôi mát tay, hay nhờ ông trời thương kẻ khốn cùng mà mấy lứa heo liền, mỗi lứa chục con đều chóng lớn, chỉ sau năm tháng chăm sóc đã xuất chuồng.

Trừ giống má, cám bã, mỗi con tôi cũng lãi vài trăm ngàn đồng. Để có được số lãi lời ít ỏi đó, hàng ngày, tôi phải ủ mình trong không gian sặc sụa mùi phân gà, phân heo.

Dù tôi đã cố gắng dọn rửa nhà cửa ngày mấy bận, nhưng ai đến chơi cũng không dám ngồi lâu. Để có thu nhập thêm, ngoài nuôi heo gà, tôi còn mở tiệm bán tạp hóa nho nhỏ. Tiền lời từ tiệm tạp hóa đủ trang trải cuộc sống giản đơn hàng ngày, còn tiền lời từ nuôi heo, gà, tôi dành tích lũy…

Bước ngoặt của cuộc đời tôi xảy ra vào cuối năm 1994, khi bố tôi ở quê bảo về lấy vợ (mẹ tôi đã mất vì bom đạn thời Mỹ không kích miền Bắc, lúc tôi còn rất nhỏ). Tôi giãy nảy bảo với bố: “Người tật nguyền như con thì có ai ngó ngàng tới mà tính chuyện vợ với con”.

Bố tôi giảng giải: “Bố đã ngắm cho mày một đứa con gái làng rồi. Nó thấu hiểu cảnh nhà mình và đã tàm tạm ưng thuận, chỉ chờ con về ngỏ lời là cưới liền”.

Tôi bèn thu xếp về quê. Tất cả đúng như bố tôi nói. Cô bạn gái cùng học cấp III với tôi năm nào đã đồng ý lấy tôi.

Cưới nhau xong, vợ theo tôi vào Sài Gòn sống. Căn nhà có bàn tay phụ nữ chăm sóc sáng sủa, sạch sẽ hẳn lên. Hai vợ chồng bàn nhau phải nâng cấp cửa hàng tạp hóa, bán nhiều thứ hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI