Diễn đàn: Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát?

Hạnh phúc bản thân không mâu thuẫn với giữ gìn tổ ấm

25/09/2024 - 12:58

PNO - Việc ở lại trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý và sức khỏe thể chất nghiêm trọng.

Bạn đọc thân mến, trong 1 tháng qua, diễn đàn “Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát?” đã nhận được rất nhiều câu chuyện, bài viết của quý bạn đọc.

Báo Phụ nữ TPHCM xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các độc giả về những câu chuyện ý nghĩa đã được chia sẻ. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu, gợi mở những hướng đi mới cho các cặp vợ chồng mà hôn nhân đang bế tắc có thể tham khảo.

Từ số báo này, chúng tôi xin khép lại diễn đàn và mong sẽ tiếp tục nhận được sự theo dõi, ủng hộ của bạn đọc ở những diễn đàn sắp tới.

Hôn nhân luôn gắn liền với cụm từ “tổ ấm”, là nơi để mỗi người tìm về sau những bộn bề của cuộc sống. Tuy nhiên, không phải mọi cuộc hôn nhân đều viên mãn. Nhiều người khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng lại bị kìm kẹp bởi những lý do khác nhau. Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A - giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Trường đại học Luật TPHCM - để tìm lời giải cho vướng mắc này.

Hôn nhân bế tắc gây nhiều hậu quả tiêu cực

Phóng viên: Là một chuyên gia tâm lý, với kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, theo chị, đâu là dấu hiệu của một cuộc hôn nhân không thể cứu vãn?

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A: Một cuộc hôn nhân không thể cứu vãn thường biểu hiện qua sự mất đi tôn trọng, kết nối tình cảm, niềm tin và cả sự thân mật giữa vợ chồng. Khi các xung đột trở nên không có hồi kết, không lối ra, mỗi người không còn thấy sự quan trọng của việc lắng nghe nhau và cảm giác yêu thương bị thay thế bằng chỉ trích và mỉa mai, đó là lúc sự rạn nứt trở nên rõ ràng.

Đối với phụ nữ, khi cô ấy cảm thấy cô đơn, trống rỗng dù đang sống cùng chồng, luôn bị áp lực, lo âu và không có quyền quyết định trong gia đình, đó là dấu hiệu cô ấy đang mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

* Khi hôn nhân nguội lạnh, không còn niềm vui, liệu vợ chồng hoặc người thân, bạn bè có thể giúp cải thiện tình hình? Đâu là cách hỗ trợ mang lại hiệu quả, thưa chị?

- Khi hôn nhân nguội lạnh, cả vợ chồng và người thân, bạn bè đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc “hâm nóng” mối quan hệ. Điều này có thể thực hiện qua việc cải thiện giao tiếp, lắng nghe nhau nhiều hơn và dành thời gian chất lượng cho nhau để tái lập kết nối tình cảm.

Những hoạt động chung như du lịch, tổ chức bữa cơm gia đình, thể dục thể thao, văn hóa giải trí, cùng tham gia hoạt động yêu thích của nửa kia có thể làm mới lại mối quan hệ. Người thân và bạn bè có thể khuyến khích cặp đôi tham gia các buổi tư vấn hôn nhân hoặc các khóa học cải thiện quan hệ, đồng thời tránh can thiệp trực tiếp vào các tranh cãi của họ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

* Khi một cuộc hôn nhân đã mất đi tình yêu thì việc duy trì hôn nhân vì con cái có thực sự tốt cho vợ/chồng và con cái?

- Việc duy trì một cuộc hôn nhân bế tắc, khi tình yêu và sự gắn kết đã không còn, có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho mọi người trong gia đình, đặc biệt là con cái. Một môi trường căng thẳng và đầy mâu thuẫn không hề tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc của cha mẹ và nếu chúng sống trong một môi trường không hạnh phúc, chúng có thể gặp các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm hoặc thiếu tự tin. Cần cân nhắc kỹ lưỡng và đôi khi, một sự chia ly trong hòa bình sẽ tốt hơn cho tất cả.

* Trong rất nhiều câu chuyện gửi tới diễn đàn hôn nhân “mắc kẹt”, có thể thấy một điểm chung là nhân vật chính thường cảm thấy có sự mâu thuẫn giữa hạnh phúc cá nhân và giữ gìn tổ ấm. Theo chị, điều này có đúng không?

- Khi một người vợ đối mặt với xung đột nội tâm giữa mong muốn giữ gìn gia đình và nhu cầu hạnh phúc của bản thân, điều quan trọng là phải nhận ra: về bản chất, hạnh phúc của bản thân không mâu thuẫn với việc giữ gìn một gia đình hạnh phúc thực sự.

Điều cần làm là tự hỏi điều gì quan trọng nhất, điều gì làm mình hạnh phúc và điều gì tốt nhất cho con cái. Chuyên gia tâm lý có thể giúp người vợ định hướng và tìm ra cách cân bằng giữa các giá trị này, để cô ấy có thể vừa giữ gìn gia đình, vừa tìm thấy sự hài lòng và hạnh phúc.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Kiên nhẫn, tự tin để tìm kiếm hạnh phúc

* Trên thực tế, có nhiều cuộc hôn nhân chỉ còn là vỏ bọc, nhưng nhiều người (hầu hết là phụ nữ) không đủ dũng khí chia tay vì bị lệ thuộc kinh tế, sợ con thiếu cha… Theo chị, đâu là lối thoát, giải pháp cho những trường hợp này?

- Đối với những cuộc hôn nhân chỉ còn là vỏ bọc, khi người trong cuộc thấy bế tắc thì việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia tâm lý có thể giúp phụ nữ tìm ra các giải pháp và lựa chọn tốt hơn. Nếu nguyên nhân là do sự phụ thuộc kinh tế, phụ nữ có thể cân nhắc tìm kiếm công việc hoặc học thêm kỹ năng để trở nên tự chủ hơn.

Nếu vấn đề là lo lắng cho con cái, họ cần hiểu rằng tạo ra một môi trường lành mạnh sau ly hôn vẫn tốt hơn việc duy trì một cuộc hôn nhân căng thẳng.

* Với người lớn tuổi, cảm giác mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc càng nặng nề, vì mang nhiều nỗi lo. Làm thế nào để một phụ nữ xây dựng lại cuộc sống hậu ly hôn, đặc biệt khi đã có tuổi và bị lệ thuộc kinh tế?

- Xây dựng lại cuộc sống sau khi ly hôn, đặc biệt là khi đã có tuổi và bị lệ thuộc kinh tế, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tự tin. Chị em có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tham gia các hoạt động xã hội, học thêm kỹ năng, từ đó tìm kiếm những công việc phù hợp với khả năng của mình.

Họ cũng có thể tìm đến các tổ chức xã hội hoặc nhóm cộng đồng để nhận được sự hỗ trợ cần thiết cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Việc mở rộng giao tiếp, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ giúp giải quyết các vấn đề của bản thân nhanh hơn.

Việc ở lại trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý và sức khỏe thể chất nghiêm trọng.

* Nhiều người dù cảm nhận được mình không hạnh phúc nhưng vẫn chịu đựng trong thời gian rất dài, có khi gần hết cuộc đời. Điều này có hại ra sao, thưa chị?

- Phụ nữ có thể trầm cảm, lo âu, tự ti và gặp các vấn đề sức khỏe thể chất như bệnh tim mạch, mắt, rối loạn giấc ngủ, suy giảm miễn dịch. Sự suy giảm thể trạng cùng căng thẳng tâm lý kéo dài khiến cuộc hôn nhân vốn không khỏe mạnh càng thêm bế tắc và nảy sinh những vấn đề mới phức tạp hơn.

Song song đó, bị “giam cầm trong hôn nhân mục nát” quá lâu có thể khiến người vợ nói riêng và những thành viên còn lại nói chung hình thành những quan điểm lệch lạc về hôn nhân và lựa chọn những giá trị tiêu cực trong cuộc sống của mình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

* Dù thế nào, với phụ nữ, 2 chữ “ly hôn” cũng có tác động rất lớn đến cuộc sống. Những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân và sự căng thẳng trong quá trình ly hôn, hậu ly hôn thường khiến người phụ nữ mệt mỏi, bế tắc... Phụ nữ cần trang bị những kỹ năng gì để có thể đối phó với các tình huống này?

- Những kỹ năng quan trọng gồm: giao tiếp hiệu quả, quản lý căng thẳng, giải quyết vấn đề và tự chăm sóc bản thân.

Kỹ năng giao tiếp giúp họ lắng nghe, bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng và không công kích. Quản lý căng thẳng qua các phương pháp như vận động tích cực, lối sống lành mạnh có thể giúp họ giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt trong các tình huống khó khăn.

Giải quyết vấn đề một cách khách quan và có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt. Cuối cùng, việc tự chăm sóc bản thân giúp họ có thể giữ vững tinh thần và thể chất trong giai đoạn này.

* Khi đối diện với cuộc hôn nhân sắp tan vỡ, điều khiến phụ nữ lo lắng nhất là con cái. Chị có thể chia sẻ cách giảm thiểu những tổn thương tâm lý cho con và giúp con vượt qua cú sốc khi cha mẹ ly hôn?

- Để giảm thiểu tổn thương tâm lý cho con cái, cha mẹ cần lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của con, giải thích cho con hiểu rằng cả hai vẫn yêu thương con dù họ không còn sống cùng nhau. Tránh chỉ trích hoặc nói xấu người kia trước mặt con và đảm bảo cho con một môi trường ổn định.

Nếu cần, có thể tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để giúp con vượt qua cú sốc này một cách dễ dàng hơn.

* Xin cảm ơn chị.

Thùy Dương (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Giang 26-09-2024 11:56:24

    Nên lấy đạo đức làm chuẩn mực cho hạnh phúc, thì sẽ không gì mâu thuẫn với nhau cả, dù là hạnh phúc, cá nhân, gia đình và xã hội (cá nhân hạnh phúc thì xã hội hạnh phúc) - đơn giản vậy thôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI