edf40wrjww2tblPage:Content
Chiến thắng “thần bóng tối”
Năm 1978, khi vừa chào đời ở Quy Nhơn, cậu bé Tướng Hoài Quang trông bình thường như bao đứa trẻ khác. Một ngày, cha của Quang gạt tay qua lại để trêu chọc, hoảng hốt khi thấy con trai không phản ứng theo. Hóa ra, Quang bị đục thủy tinh thể và rung giật nhãn cầu bẩm sinh, hậu quả của chất độc da cam mà người cha bị nhiễm trong thời gian đi thanh niên xung phong. Năm 1979, dù cả nhà đã bán hết những gì có thể để đưa Quang ra Hà Nội chạy chữa tổng cộng sáu lần, đôi mắt của Quang vẫn không được như người bình thường. Quang cay đắng nhớ lại: “Tôi được chữa từng con mắt, một do bác sĩ người Việt, một được bác sĩ Liên Xô (cũ) phẫu thuật. Không may, con mắt do bác sĩ Liên Xô mổ bị mù hẳn, con mắt còn lại nhìn thấy lờ mờ. Tôi bắt đầu cuộc sống của một trẻ lòa”.
Khi Quang học lớp 5, bác sĩ khuyên gia đình nên cho cậu nghỉ học, vì việc tập trung vào sách vở có thể sẽ khiến anh bị mù hẳn. Cậu bé đã khóc mấy ngày, đòi được đến trường khiến người cha phải đến năn nỉ cô giáo “cho con tôi vào lớp ngồi nghe giảng bài thôi cũng được”, nhưng ý nguyện đó không thực hiện được. Quang được gia đình gửi đi học đàn mandolin cho đỡ buồn, nhưng cậu thường xuyên trốn học vì không thích. Quang kể: “Từ lúc không được đến trường, tôi tưởng chừng như thế giới sụp đổ, mình là người thừa trên cõi đời này, sẽ không làm được một việc gì ra hồn”.
Sau đó, Quang lại được gửi vào một trường dòng để học nhạc. Ở đây, anh học nhạc lý và đàn organ. Càng học càng mê, lên 16 tuổi, Quang đại diện TP.Quy Nhơn thi biểu diễn đàn organ ở Nha Trang. Thế nhưng, trước giờ thi, ban tổ chức loại anh khỏi danh sách vì quá một tuổi so với quy định. Bù lại, Quang được biểu diễn khai mạc hội thi. Lần được biểu diễn trước đám đông ấy đã khích lệ Quang theo đuổi con đường âm nhạc. Anh mạnh dạn khăn gói vào Sài Gòn, xin vào trường khiếm thị để học đàn. Một lần, có phái đoàn đến thăm, nghe Quang chơi đàn, đã đứng ra bảo lãnh cho anh vào Nhạc viện TP.HCM để học chuyên sâu. Trong suốt quá trình học, người giúp Quang đạt được đẳng cấp nhất định trong giới nhạc công organ Sài Gòn là nhạc công Trương Định (người từng là nhạc trưởng của dàn nhạc khách sạn Caravelle). Quang chia sẻ: “Thầy Định rất thương tôi, đã nói một câu khiến tôi ra sức phấn đấu: Ông trời lấy đi của em đôi mắt nhưng bù lại cho em một nhạc cảm tuyệt vời, rất đặc biệt”.
Cơ hội nghề nghiệp đến với Quang rất nhanh. Ban đầu chỉ là những sô đám cưới, chương trình văn nghệ trong trường đại học. Sau đó, tiếng lành đồn xa, Quang được các quán bar, phòng trà săn đón. Quang từng chơi organ một thời gian dài ở phòng trà 40 Trần Cao Vân (Q.1). Ở đó, anh thường xuyên đệm đàn cho các ca sĩ nổi tiếng như Duy Quang, Duy Cường, Tuấn Ngọc, Thái Thảo, Ý Lan, Hương Lan…
Nói thì đơn giản, nhưng những nhạc công khiếm thị như Quang, không dễ để đạt được thành công. Anh còn nhớ như in một buổi tối, lần đầu tiên ca sĩ Ý Lan đến phòng trà 40 Trần Cao Vân chơi. Bà ngồi hàng ghế đầu, đối diện Quang. Ban tổ chức ngẫu hứng, mời Ý Lan lên hát, nhưng Ý Lan hỏi lại: “Cậu này có đánh đàn được không?”. Cuối cùng, vì thấy nhạc công chơi hay quá nên Ý Lan đã hát đến bảy bài, khiến cả phòng trà ngạc nhiên. Quang bảo: “Khi đã chấp nhận thực tế mình khiếm khuyết, mình phải cố gắng nhiều hơn người khác thì sẽ có được cảm giác nhẹ nhàng trước những bất công. Việc một nhạc công khiếm thị bị coi thường từ ánh nhìn đầu tiên là dễ hiểu”.
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Quang, chị Tân
Tiếng cười giòn của cha con người lòa
Đôi mắt lòa, Quang chẳng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nhưng, như một món quà mà thượng đế ban tặng, có người con gái đồng hương đã đem lòng cảm mến anh. Chị là Nguyễn Thị Minh Tân (SN 1984), vào Sài Gòn để theo học ngành Kế toán - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), ở chung nhà với bạn học là em gái anh Quang. Mỗi ngày, chứng kiến người đàn ông hiền lành, cần mẫn luyện đàn, chơi đàn, Tân đã xiêu lòng. Mỗi ngày, Tân chở Quang đến phòng trà và ngồi thưởng thức ngón đàn của người yêu. Tân bộc bạch: “Anh Quang chỉ có sự thật thà, ngoài ra không còn gì thực sự ấn tượng. Nhưng với tôi, sự thật thà ấy đủ để đảm bảo cho một tình yêu dài lâu”.
Tất nhiên, gia đình Tân ngăn cản. Mẹ của Tân đã khóc hết nước mắt để năn nỉ Tân chia tay, nhưng cô cứng rắn: “Mẹ thấy con lấy anh Quang là khổ, nhưng con thấy không khổ. Sướng khổ con chọn, con chịu”. “Trời không chịu đất, đất phải chịu trời”, đám cưới diễn ra năm 2008. Năm 2009, hai vợ chồng sinh được đứa con trai kháu khỉnh, đặt tên Tướng Hoàng Ân.
Không ngờ, “kịch bản” 30 năm trước lặp lại. Một đêm, Tân chăm chú nhìn vào mắt con trai, bỗng giật mình khi thấy hai đốm sáng như mắt mèo trong đêm. Hai vợ chồng vội đưa con đi khám, đất trời sụp đổ khi biết tin con trai bị đục thủy tinh thể và rung giật nhãn cầu bẩm sinh. Quang bần thần, đưa tay lên phím đàn mà tâm hồn như bị đóng băng, không thể tập trung chơi nhạc, còn Tân thì khóc ròng, cứ nhìn con trai trắng trẻo, khôi ngô mà đôi mắt u đục là ngấn nước mắt. Khi bé được ba tháng tuổi, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật. Chị Tân kể: “Ân hiếu động lắm, mắt yếu nhưng cứ chạy nhảy và ngã liên tục. Sau khi phẫu thuật nhiều đợt, hiện bé phải đeo kính cận 17 độ và đang được điều trị lé”.
Chị Tân tạm bỏ nghề kế toán, tập trung lo cơm nước, đưa đón chồng đi làm và con đi học. Anh Quang từ một “chàng rể bị chối từ” đã trở thành rể quý, được gia đình bên vợ yêu mến. Một mình anh chạy sô chơi đàn nhưng lo được chỗ ở tươm tất ở Q.Gò Vấp và nuôi được vợ con chu đáo.
Bất ngờ, mới đây, đang đánh đàn, anh không còn nhìn thấy bàn tay của mình nữa. Anh hoảng hốt đi khám, phát hiện bị chứng bong tróc võng mạc. Ban đầu, bác sĩ từ chối phẫu thuật, bởi mắt anh đã bị can thiệp quá nhiều. May sao, Quang được một bác sĩ quen mổ giúp. Anh chia sẻ: “Bị ám ảnh bởi bóng tối, sau phẫu thuật, tôi he hé nhìn qua lớp bông băng, thấy loang loáng động tác quơ tay của mình, tôi biết mình vẫn còn may mắn khi vẫn có thể nhìn thấy phím đàn để tiếp tục kiếm cơm cho cả nhà”.
Con mắt sáng của anh hiện đạt mức ba trên mười, mắt của bé Ân, dù rất yếu những tạm thời vẫn có thể theo được chương trình mầm non. Dù vậy, bất cứ ai gặp cha con anh Quang đều ngạc nhiên ở sự lạc quan, yêu đời. Có thể, người ngoài ái ngại cho một mái ấm mà người đàn ông trụ cột thị lực chưa được 50%, nhưng cách họ vui cười đón nhận cuộc sống đã mang hạnh phúc đến cho họ với “tỷ lệ” cao hơn nhiều. Chia tay, cha con anh dắt nhau tiễn khách ra hết con hẻm nhỏ, cả hai cha con cười giòn tan - tiếng cười trong vắt.
Niềm vui của cha và con bên phím đàn
Trần Triều
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn