Hành khách lo lắng vì tàu hỏa liên tục trật bánh

14/11/2024 - 06:15

PNO - Trong gần 2 tháng qua, trên tuyến đường sắt đoạn từ ga Thừa Lưu - ga Lăng Cô (địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), các chuyến tàu hỏa liên tục trật bánh khiến hành khách và dư luận lo lắng.

Cảnh báo không thể xem nhẹ

Thống kê cho thấy, trong 2 tháng qua, trên tuyến đường sắt đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, tàu hỏa bị trật bánh 6 lần, trong đó có những lần phải mất 3-4 tiếng mới khắc phục xong.

Điển hình, vào 2 giờ ngày 28/9, đoàn tàu HH16T kéo 24 toa xe bị trật bánh tại Km752+250, cung đường thuộc ga Lăng Cô - Thừa Lưu. Đến hơn 21 giờ cùng ngày, tàu AH1 kéo 21 toa xe lại trật bánh tại Km752+350 (khu vực giữa Thừa Lưu - Lăng Cô).

Ngoài 2 vụ đầu máy bị trật bánh, trên tuyến ray này còn xảy ra một số vụ trật bánh ở các toa xe chở khách. Các sự cố dù chưa gây thiệt hại về người nhưng đã làm đường sắt Bắc - Nam tê liệt tạm thời, hành khách lo lắng.

Khắc phục sự cố tàu SE11 bị trật đường ray tại ga Lăng Cô khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt
Khắc phục sự cố tàu SE11 bị trật đường ray tại ga Lăng Cô khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt

Theo các kỹ sư giao thông, trong 60 ngày xảy ra 6 vụ tàu trật bánh trên một cung đường thì cần có khảo sát để tìm ra nguyên nhân, giải pháp. Đặc biệt, các vụ trật bánh ray tàu vừa qua xảy ra khi tàu chạy không quá nhanh và 2 vụ xảy ra ngay tại khu vực ga Lăng Cô với tốc độ chạy tàu rất chậm.

Lý giải về việc tàu thường bị trật bánh thời gian qua, ông Lê Hồng Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên - cho biết, thiết kế hệ thống chuyển ray đường sắt (ghi) ở đường sắt số 1 tại ga Lăng Cô có góc chuyển hướng khá lớn, khác hẳn với thiết kế ghi đường sắt ở các ga tàu khác.

Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ trật bánh là do toa xe có lò xo không khí, khi đi qua ghi có tang lớn (Tg 0,15; góc chuyển hướng) sẽ cộng hưởng nhiều yếu tố bất lợi như toa xe có cự ly trục bánh xe lớn, tàu chạy qua ghi ở tốc độ thấp, thời gian lực dẫn hướng tăng kéo dài, dẫn đến bánh xe bám má tác dụng leo ray gây trật bánh.

Ông Lê Hồng Hải cho rằng, để đảm bảo an toàn chạy tàu khi di chuyển qua vị trí từng xảy ra sự cố, đơn vị đã kiến nghị không chạy tàu, dồn các đoàn tàu khách có toa xe lò xo không khí với cự ly trục bánh xe lớn qua hướng rẽ của ghi Tg 0,15 (cụ thể là vị trí ghi N10 ga Lăng Cô).

Để tránh việc trật bánh tàu, ngành đường sắt đã hạn chế cho tàu chở khách chạy qua đường sắt số 1 khi vào ga Lăng Cô, đồng thời kiến nghị kiểm tra toàn bộ hệ thống ghi trên tuyến, bố trí vốn để thay thế, tu sửa đường sắt số 1 ở ga Lăng Cô theo đúng quy chuẩn hiện hành.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài 111,1km, trong đó Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý 101,1km và Công ty cổ phần Đường sắt Đà Nẵng - Quảng Nam quản lý 10km (đoạn từ bắc đèo Hải Vân).

Để tìm nguyên nhân cũng như đưa ra những giải pháp cho tình trạng nói trên, ngày 2/10, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra hiện trường và đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết sớm nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, sự cố trật bánh tàu xảy ra và lặp lại trong thời gian gần đây, tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng là cảnh báo không thể xem nhẹ.

Công nhân ngành đường sắt đang căn chỉnh lại đoạn đường ray Lăng Cô - Thừa Lưu
Công nhân ngành đường sắt đang căn chỉnh lại đoạn đường ray Lăng Cô - Thừa Lưu

Bất an ở cung đường “tử thần”

Chúng tôi trở lại cung đường sắt Lăng Cô - Thừa Lưu những ngày sau bão Trà Mi (bão số 6). Là cung đường có nhiều đoạn cong ngoằn ngoèo, lại đang được thi công sửa chữa nên tàu qua lại không thể chạy nhanh. Tại tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc nằm bên đầm Lập An thơ mộng, nhắc chuyện tàu trật bánh, anh Nguyễn Bông - một cư dân ở đây - chỉ tay về phiến đá lớn có 2 am thờ và kể lại chuyện tàu SE5 bị trật bánh, lật xuống đầm vào năm 2005, cách đây 19 năm, khiến 11 người chết, hàng chục người bị thương.

Đây là vụ tai nạn gây ám ảnh cả ngành đường sắt lẫn chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ. “Nghe tin tàu hỏa trật bánh khi qua đoạn đường sắt này, đặc biệt là đoạn dốc Đá Bạc - nơi xảy ra vụ lật tàu SE5 là tôi ám ảnh lắm” - anh Bông nói.

Một người dân khác là bà Lê Hồng Giang nhớ lại: “Sáng hôm đó, khoảng hơn 7 giờ, trên đường vào núi trồng keo thì có tiếng nổ lớn. Cả xóm chạy ra đầm Lập An thì thấy cả đoàn tàu dài trật bánh, 3 toa nằm nghiêng dưới mặt nước… Bởi vậy, mấy hôm nay cứ nghe tàu trật bánh là bà con lo lắm”.

Trên đoạn đường sắt Lăng Cô - Thừa Lưu với chiều dài 30km, từng tốp công nhân của Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên đang khẩn trương duy tu bảo dưỡng theo định kỳ của ngành đường sắt. Các công nhân cho biết, đoạn đường này có tuổi đời khá lâu, nhiều đoạn đường ray có dấu hiệu xuống cấp, thanh gỗ trợ lực đỡ ray xuất hiện nứt gãy…

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI